Tòa án thụ lý yêu cầu phá sản Bianfishco

13/04/2012 03:51 GMT+7

Chiều 12.4, TAND TP.Cần Thơ đã tiếp nhận đơn của 7 hộ dân nuôi cá - hiện là chủ nợ của Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) với số tiền gần 32 tỉ đồng - yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Bianfishco.

 Trong đơn, các hộ nông dân cho rằng, đã 2 lần có văn bản yêu cầu Bianfishco trả dứt điểm nợ, nhưng đến nay công ty vẫn chỉ hứa. Và từ đầu tháng 3.2012 công ty đã ngưng hoạt động, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán cho nhiều chủ nợ khác, do vậy buộc họ phải làm đơn yêu cầu tòa án tiến hành mở thủ tục phá sản.

Chúng tôi cũng thừa biết, nếu được tòa chấp nhận yêu cầu việc tuyên bố phá sản đối với Bianfishco, thì chúng tôi cũng xếp hàng cuối được trả nợ. Nhưng nếu phá sản thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh hơn và tôi vẫn tin vào sự công bằng của luật pháp

Ông Tống Văn Quang, một trong những chủ nợ của Bianfishco

Yêu cầu phá sản chưa có tiền lệ

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, thẩm phán Lê Kim Bản, Chánh tòa Kinh tế, TAND TP.Cần Thơ cho biết, đây là lần đầu tiên, tòa nhận đơn của chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp (DN) bị nợ. Theo luật định, khi các chủ nợ không bảo đảm có đủ căn cứ để cho rằng DN đang nợ mình có dấu hiệu mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản thì được quyền nộp đơn đến tòa án, yêu cầu tiến hành mở thủ tục phá sản đối với DN đó.

Theo quy định, sau khi nhận đơn, Tòa Kinh tế sẽ xem xét có đủ căn cứ để yêu cầu mở thủ tục hay chưa. Nếu đủ, tòa sẽ cho nộp lệ phí, sau đó ra quyết định thụ lý; ra thông báo mở thủ tục phá sản gửi đến DN, Viện KSND cùng cấp và đăng báo công khai trên các phương tiện thông tin. Sau cùng, Tòa Kinh tế sẽ lập danh sách chủ nợ, người mắc nợ và tiến hành tổ chức hội nghị chủ nợ.

Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục trên, DN đang nợ vẫn không đủ khả năng để phục hồi hoạt động kinh doanh thì Tòa Kinh tế sẽ mở thủ tục tiến hành kiểm kê, thanh lý tài sản... để chi trả nợ cho tất cả các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên: tài sản có bảo đảm xong rồi mới đến tiền nợ lương, phí BHXH, y tế của công nhân lao động, phí yêu cầu mở thủ tục phá sản... phần còn lại mới chi trả cho các đối tượng khác. Ngược lại, trong trường hợp sau khi tòa nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu xét thấy việc nộp đơn không khách quan, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của DN thì tòa sẽ trả lại đơn và thông báo cho người yêu cầu biết bằng văn bản...


Luật sư đại diện cho 7 hộ nông dân nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Bianfishco tại TAND TP.Cần Thơ chiều 12.4 - Ảnh: Mai Trâm

Sức chịu đựng không còn nữa

Vì sao lại chọn “con đường” nộp đơn yêu cầu tiến hành mở thủ tục phá sản đối với Bianfishco? Ông Tống Văn Quang, một trong những chủ nợ của Bianfishco cho rằng, đã cân nhắc thiệt hơn và sức chịu đựng không còn nữa, niềm tin đối với những lời hứa từ đại diện Bianfishco đã cạn.

“Chúng tôi cũng hiểu rằng, nếu được tòa thụ lý, chắc chắn chúng tôi sẽ thắng kiện. Nhưng bao giờ mới được thi hành án để nhận được tiền là một chuyện khác. Chúng tôi cũng thừa biết, nếu được tòa chấp nhận yêu cầu việc tuyên bố phá sản đối với Bianfishco, thì chúng tôi cũng xếp hàng cuối được trả nợ, nhưng nếu phá sản thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh hơn và tôi vẫn tin vào sự công bằng của luật pháp”, ông Quang nói.

Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân  (Đoàn luật sư TP.HCM), đại diện theo ủy quyền của 7 hộ nông dân trên cho biết, hiện mới có 7 hộ nộp đơn và hồ sơ kèm theo để yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Bianfishco, còn lại hơn 10 hộ, do chưa hoàn tất các thủ tục nên phải bổ sung và trong những ngày tới họ sẽ ký đơn kèm theo hồ sơ để tiếp tục gửi đến tòa án.

Không có lợi cho chủ nợ nông dân

Theo luật sư Nguyễn Kỳ Việt (Đoàn luật sư TP.Cần Thơ), yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản là thủ tục đặc biệt, khác với thủ tục khác theo luật Dân sự, hoặc Kinh doanh thương mại. Do vậy, khi thụ lý, tòa buộc phải tiến hành giải quyết trả toàn bộ số nợ của DN đó theo thứ tự ưu tiên tài sản có đảm bảo trước, rồi đến tiền nợ lương, BHXH...; nếu còn thừa mới đến những đối tượng nợ tài sản không đảm bảo, hoặc đảm bảo một phần, trong đó có khoản nợ trên 240 tỉ đồng của 44 nông dân nuôi cá hiện nay. Theo quy định chung của luật Phá sản thì chỉ có những chủ nợ không có bảo đảm, hoặc bảo đảm một phần mới có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án tiến hành mở thủ tục phá sản đối với DN mất khả năng trả nợ. Như vậy trong trường hợp này, ngân hàng và các chủ nợ khác có tài sản bảo đảm sẽ không có quyền yêu cầu tòa án tiến hành mở thủ tục phá sản đối với Bianfishco.

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.