Ý tưởng mới, kỷ lục mới

19/11/2005 16:42 GMT+7

Hồn Trương Ba, da hàng thịt 2006, bộ phim truyện nhựa ngốn 4 tỉ đồng tiền đầu tư đang thực hiện phần hậu kỳ. Đến giữa tháng 12 sẽ ra phim hoàn chỉnh để kịp chiếu vào dịp Tết 2006. Phim hiện đang được nhiều người cả trong giới điện ảnh và khán giả chú ý.

Những ý tưởng mới

Đây là bộ phim "bóc tem" của hãng phim mới toanh - Hãng HK Film của nhà quay phim Trinh Hoan, một tay máy đang sáng giá trong đời sống điện ảnh Việt Nam hiện nay. Đi kèm với nụ cười nhỏ nhẹ ("đặc trưng" của anh em nhà Vinh Sơn, Trinh Hoan, Minh Cao) là tính cách kỹ lưỡng trong công việc. Dù vậy, với việc lần đầu làm nhà sản xuất phim thì khó tránh khỏi cập rập. Giờ đây, những khó khăn ban đầu đã được vượt qua. Trinh Hoan kiêm nhiệm vai trò giám đốc hình ảnh, nhường lại phần việc quay phim cho Nguyễn Tranh với khuôn mặt rất "ngầu" nhưng tính cách thì... hình như ngược lại.

Nhưng trên hết của mọi tâm điểm chú ý, chính là sự thắc mắc: vì lý do gì mà dựng thành phim một câu chuyện nghe nói đến tên thì quen quá rồi ? "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" - ai chẳng biết, vở kịch từng "làm mưa làm gió" của kịch tác gia Lưu Quang Vũ lúc sinh thời. Hóa ra không phải vậy. Tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là con người của "bí mật". Nhớ hồi tháng 5, Quang Dũng "thông báo nội bộ" là sẽ biến mất khỏi chốn giang hồ trong... vài tháng. Mà quả thế thật. Biền biệt đến tháng 8. Để làm gì? Để "tịnh cốc" ngồi viết kịch bản. Bỏ đứt vài tháng, lẽ nào chỉ lấy chuyện cũ ra để "nhắm" ?


Nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Hình mẫu của tôi là Bùi Giáng”
Tranh thủ giữa lúc nghỉ quay giữa hai cảnh, Quang Dũng cho biết: "Đề tài này không bao giờ cũ ! Câu chuyện có gốc rễ từ trong dân gian, mỗi tác giả đều có quyền tùy vào cảm hứng sáng tác riêng mà viết nên, dựng thành tác phẩm. Sự hoán vị tính cách, đặc biệt khi hoán vị đó rơi vào hai tính cách đối nghịch "một trăm tám mươi độ", theo tôi, tất yếu sẽ dẫn đến kịch tính. Thời đại ngày nay, ai nói là không có những kịch tính của sự hoán vị?". Và Hồn Trương Ba, da hàng thịt 2006 đưa ra một bí mật khác...

Nhớ lại, tại trường quay, anh em đoàn phim cười ngả nghiêng trước cảnh cô Thị do "người đẹp chân dài" Anh Thư đóng, nhảy bổ sầm vào chàng Sang hàng thịt nhưng... lại bổ vào cái cột to tướng giữa nhà. Chàng Sang (Phước Sang đóng) sợ xanh mặt, né qua một bên, vì lúc đó... xác là hàng thịt nhưng hồn thì Trương Ba nên chàng Trương không hiểu cô Thị ấy là ai mà tỏ tình quá mạng. Rồi chàng Trương hoảng hốt soi trước gương khi thấy... ngoại hình quá khổ của mình, cười méo mặt. Đại để là chẳng vui gì khi không được là mình. Thậm chí trong thân phận anh Sang thái thịt, mổ heo mổ bò, cũng được tôn trọng. Chàng Trương khổ vì mang xác phàm đồ tể, nhưng chàng Sang cũng khổ không kém, anh ta không cần khoác lên người một danh phận nào mà chỉ muốn hàng thịt là hàng thịt. "Tôi không chấp nhận sự xem thường vai trò tiểu thương trong quan niệm của một số người. Sao lại là khinh khi, chỉ dựa vào lý lịch cha sinh mẹ đẻ ?", Quang Dũng diễn giải theo cách nghĩ riêng của mình.

Bên cạnh nhu cầu mình được là mình,  Hồn Trương Ba, da hàng thịt 2006 còn song hành một ý tưởng khác nữa - đó là ước mơ trở thành người khác - tại sao không ? Trong mạch phim của Nguyễn Quang Dũng, còn xuất hiện một tuyến các nhân vật như Thanh Thanh (bạn gái của Trương Ba), Quang Vinh (bạn trai của Trương Ba)... mang một khát khao thay đổi như thế. Dường như... trái khoáy, phức tạp ? Kỳ thực, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi yêu cầu khác. Tuổi thanh niên lại càng phải ước mơ. Thông điệp từ bộ phim của Quang Dũng mới một cách lạ thường: nếu chấp nhận cái hiện trạng, cái sẵn có, đã nền nếp đâu ra đó, không được đổi khác, không được làm khác, nhiều  khi đó lại là tai họa ! "Nếu bạn muốn trở thành ai đó thì hãy... giữ trong lòng và đừng xem đó là một tội lỗi" - một kiểu nói lắt léo, trong phần cuối kịch bản phim.

Bộ phim có xuất phát điểm cũng lạ. Từ một "đơn đặt hàng" của Nguyễn Phan Quang Bình bên Hãng phim Việt. "Tôi làm theo đơn đặt hàng, rồi... say mê luôn", Dũng cho biết. Từ kịch bản, sau đó kế hoạch làm phim được hình thành từ sự hợp tác của ba đơn vị là Hãng HK Film, Hãng phim Phước Sang và Hãng phim Việt. Bộ phim ngốn 4 tỉ đồng, một món tiền lớn không dễ thu hồi trong tình cảnh còn ít ỏi rạp hiện nay, nhưng nói như Trinh Hoan: "Tôi an tâm khi đi vào sự hợp tác như thế này". Còn Lưu Phước Sang thì phân tích: "Hồn Trương Ba, da hàng thịt 2006 sẽ được đưa ra chiếu vào đầu năm 2006, Trinh Hoan lo việc sản xuất, Quang Bình lo việc phát hành ở nước ngoài, còn tôi lo phát hành trong nước. Chúng tôi nhận thấy đã đến lúc cần phải chung tay xây dựng nội lực. Phim ảnh Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, trước cuộc chiến không cân sức giữa cơn lũ phim nước ngoài, lúc này là lúc cần đoàn kết, thay vì triệt phá nhau, cạnh tranh không lành mạnh".
Đó là tín hiệu mới.

Và kỷ lục mới...

Hồn Trương Ba, da hàng thịt 2006 rồi đây sẽ đi vào "kỷ lục": chưa có phim VN nào lại xuất hiện nhiều khuôn mặt văn nghệ sĩ đến thế! Thơ, văn, nhạc, họa... gồm đủ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, họa sĩ Trịnh Cung, nhạc sĩ Bảo Phúc, Dương Thụ, nhiếp ảnh Đoàn Minh Tuấn, đạo diễn Trần Mỹ Hà, Nguyễn Vinh Sơn lủ khủ trong vai... các bệnh nhân tâm thần. Lạ thật ! Cả ê-kíp thực hiện bộ phim - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, quay phim Nguyễn Tranh, giám đốc hình ảnh Trinh Hoan, cũng khoác vào người bộ quần áo bệnh nhân tuốt luốt, thay phiên nhau... đóng phim. 

Ngồi trên chuyến xe đưa văn nghệ sĩ đến hiện trường bên quận 9, tôi hỏi đùa họa sĩ Trịnh Cung: "Mắc mớ gì anh lại đi đóng vai điên. Anh được chi tiền đậm lắm hả, hay lấy tiếng tài tử xinêma ?". Câu trả lời tắp lự: "Không dám. Sau lần đóng vai cụ Thượng trong phim Mê Thảo của Việt Linh, tôi nói vậy là đủ rồi. Nhưng Quang Dũng năn nỉ quá nên... ừ, thì đóng". Vụ cát-sê thì... Tôi chứng kiến đoàn "văn, thơ, nhạc, họa" sau đó nai lưng ra ngồi giữa sân, nắng chang chang suốt buổi sáng. Ăn trưa xong rồi về, không một đồng bạc nào. Vậy mà ai cũng mặt mũi hớn hở. Vai ngắn ngủi đến kỷ lục. Ngồi, rồi nhao nhao người này người nọ hét lên: "Tôi không điên, không điên, không điên !", câu thứ hai: "Cho tôi về, về, về !". Hết thoại. Hết vai. Đỗ Trung Quân ấn tượng cực kỳ với nhành lá dắt trên vành tai, dây đeo mục kỉnh lòng thòng, quấn điếu thuốc lá lơ lửng, nhìn vào ai cũng tức cười, dân điên thứ thiệt đố mà "hóa trang" chính xác hơn nữa. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tạo bất ngờ khi kéo ra khỏi túi xách vài chai rượu lớn có, nhỏ có, tưởng ông tranh thủ vừa đóng phim vừa nhập tửu cho vui. Mới hay đó là những đạo cụ "bệnh nhân" Nguyễn Quang Sáng tỉ mỉ sắp xếp trên ghế dài để... diễn. Phim của con (Nguyễn Quang Dũng), cha nghiêm túc phận sự, ra thế !


Một lực lượng “hùng hậu” tham gia đóng phim: đạo diễn, diễn viên, ca sĩ, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và cả... ông bầu!

Diễn làm sao, đạo diễn ơi ? - anh em "văn, thơ, nhạc, họa" cất tiếng hỏi. Quang Dũng cười, nói ai muốn làm gì thì làm, không làm gì cũng được, cứ việc nói năng như bình thường cũng được mà hét lên cũng được. Triết lý "tùy ý" này ngẫm ra cũng... hay hay. Đỗ Trung Quân giễu, không phải đi đóng vai tâm thần mà đây mới là... sự tỉnh táo hiếm hoi của mình.

 Riêng tôi giật mình mà cảm mến cái tâm tình nhân văn chứa đựng trong kịch bản. Những văn nghệ sĩ mà công chúng đều biết đến, bằng vào việc "hóa thân" nghịch thường, đem đến một đồng cảm bất ngờ: bệnh nhân tâm thần ở ngoài đời, dẫu sao trước hết họ cũng là con người, đừng thành kiến với họ...

Việt Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.