Bộ GD-ĐT lại “xé rào”

16/04/2012 03:06 GMT+7

Cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 57 khẳng định các ĐH, học viện, trường ĐH không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Thế nhưng hiện vẫn có nhiều trường ĐH được phép tuyển sinh bậc học này.

Cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 57 khẳng định các ĐH, học viện, trường ĐH không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Thế nhưng hiện vẫn có nhiều trường ĐH được phép tuyển sinh bậc học này.

Thông báo tuyển công khai

Rất nhiều trường ĐH công khai thông tin trên website tuyển sinh TCCN trong năm học mới.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng tuyển vào 17 ngành học từ kế toán đến công nghệ, kỹ thuật... với loại hình đào tạo 1 năm, 2 năm và 2 năm - 3 tháng. Đối tượng tuyển sinh từ học sinh rớt tốt nghiệp THPT cho đến rớt ĐH, CĐ hoặc đã tốt nghiệp TCCN ngành khác, muốn tiếp tục học TCCN tại trường.

 
Các trường ĐH thông báo tuyển sinh bậc TCCN công khai trên website

Trường ĐH Xây dựng miền Trung cũng thông báo tuyển sinh năm 2012 bậc TCCN. Trong đó ngành xây dựng dân dụng - công nghiệp và thiết kế kiến trúc sẽ do trường này cấp bằng. Còn ngành xây dựng dân dụng - công nghiệp và kế toán xây dựng học tại Trường ĐH Xây dựng miền Trung, giảng viên của trường này giảng dạy nhưng nhận bằng của Trường TC Xây dựng số 4! Trường ĐH Điện lực thông báo tuyển sinh 600 học sinh (HS) ngành hệ thống điện. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh không trúng tuyển ĐH, CĐ hoặc HS đã tốt nghiệp THPT.

 

Ngày 10.4, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã ký Thông báo số 270 cho phép Trường ĐH Tây Đô (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) tuyển sinh 800 HS đào tạo TCCN trong năm 2012. Do đó, ngày từ 12.4 Trường ĐH Tây Đô thông báo rộng rãi tại website và trên báo chí việc tuyển sinh TCCN chính quy 2012 các ngành dược sĩ, điều dưỡng, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, kế toán, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng. Trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập 3 năm THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT. Sau khi tốt nghiệp TCCN, học sinh được học liên thông lên CĐ, ĐH tại Trường ĐH Tây Đô.

Tìm cách lách

 

Theo quy định tại Thông tư 57/2011, các ĐH, học viện, trường ĐH không được đào tạo TCCN. Các trường ĐH thông báo tuyển sinh đào tạo TCCN là trái với quy định hiện hành

Ông Hoàng Ngọc Vinh
Vụ trưởng Vụ TCCN (Bộ GD-ĐT)

Trong khi đó, nhiều trường tìm những cách khác nhau để được tiếp tục đào tạo TCCN.

Có trường chuyển qua tuyển sinh đào tạo bậc TC nghề. Điều này cũng trái với quy định của Bộ GD-ĐT. Trên website, Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh thông báo ngoài bậc ĐH và CĐ, trường sẽ tuyển 500 HS cho bậc TC nghề và sơ cấp nghề. Bên cạnh 1.000 HS TCCN, Trường ĐH Sao Đỏ cũng thông báo tuyển sinh 1.500 HS cho cả CĐ nghề và TC nghề. Cũng tương tự, Trường ĐH Xây dựng miền Tây thông báo tuyển 3 ngành học: kỹ thuật xây dựng, cấp thoát nước, kế toán.

Những trường ĐH có điều kiện thì tìm cách xin mở trường TC hoặc mua lại các trường TC. Trường ĐH Thái Bình Dương thông báo trên website các bậc đào tạo gồm  ĐH, CĐ, TCCN. Trường này đứng ra thông báo tuyển sinh luôn cho Trường TC Thái Bình Dương được tách ra từ bậc TCCN của Trường ĐH Thái Bình Dương. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh cho Trường TC Kinh tế - Công nghệ Gia Định do mình quản lý... Đây là một động thái hết sức mập mờ vì nếu đã là một trường TC tại sao không tự đứng ra chiêu sinh mà lại nhờ vào thông báo của trường ĐH?  

Biết sai nhưng vẫn cho ?

 

Bộ GD-ĐT có xem xét một số trường hợp cụ thể như các trường an ninh, quân đội, nghệ thuật, thể dục thể thao... vì những trường này có tính đặc thù. Ngoài ra sẽ có một số trường khác vì phải chấp nhận có lộ trình mới thực hiện được 

Ông Nguyễn Văn Áng
Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT)

Lãnh đạo một số trường cho biết trường vẫn tuyển sinh TCCN là do trường đặc thù nên nếu không đào tạo sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực! Một số khác giải thích vì trường vừa mới nâng cấp từ bậc học CĐ lên nên nếu không đào tạo TCCN thì sẽ khó khăn cho việc giải quyết công việc cho đội ngũ cán bộ công nhân viên của trường…

Trao đổi với  PV Thanh Niên, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ TCCN (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Theo quy định tại Thông tư 57/2011,  các ĐH, học viện, trường ĐH không được đào tạo TCCN. Các trường ĐH thông báo tuyển sinh đào tạo TCCN là trái với quy định hiện hành”. Về việc nhiều trường ĐH tìm cách lách quy định như đã phản ánh ở trên, ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết: “Việc trường ĐH thành lập trường TCCN là không đúng với quy định của Điều lệ trường ĐH do Thủ tướng ký ban hành. Còn mua bán trường TC là việc của 2 đơn vị với nhau nhưng khi đào tạo phải tuân theo các quy chế về tuyển sinh và đào tạo áp dụng cho trường TCCN. Trường ĐH không thể lấy danh nghĩa của một trường TCCN để tuyển sinh TCCN là chuyện làm ngược đời”.

Mặc dù Vụ TCCN khẳng định việc tuyển sinh TCCN của các trường ĐH là sai quy định nhưng thực tế khi một số trường “xin” được đào tạo thì vẫn được Vụ Kế hoạch-Tài chính - Bộ GD-ĐT chấp thuận.

Ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Bộ GD-ĐT có xem xét một số trường hợp cụ thể như các trường an ninh, quân đội, nghệ thuật, thể dục thể thao… vì những trường này có tính đặc thù. Ngoài ra sẽ có một số trường khác vì phải chấp nhận có lộ trình mới thực hiện được”. Tuy nhiên, những ngành tuyển sinh bậc TCCN của nhiều trường ĐH như đã kể ở trên không có gì là đặc thù. Còn với lý do “lộ trình”, ngay từ khi ban hành quy định này, Bộ GD-ĐT đã không đưa ra một lộ trình cụ thể cũng như không hề có quy định nào cho phép các trường đặc thù sẽ tiếp tục được đào tạo.

Việc Bộ GD-ĐT tự vi phạm các quy định do chính mình đưa ra khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính nghiêm minh của các quy định do Bộ này ban hành. Đó là chưa nói, những quy định như vậy sẽ tạo điều kiện tiếp tục cơ chế  “xin cho”.

V.Thơ - Đ.Nguyên - Q.M.Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.