Lũy tre, chiếc áo và mũ

19/08/2012 03:05 GMT+7

Tục lệ rước dâu bằng cửa phụ, nơi con trâu ra vào nằm sau hồi nhà khi cô dâu “ăn cơm trước kẻng” không còn nữa. Một người làng đã nói như vậy lúc tôi về quê ăn cưới.

Cũng vui cho các bác trưởng lão của làng đã gỡ bỏ cái tục lệ làm đau lòng nhau như thế. Nhưng từ cái chuyện cởi bỏ những thứ đại loại như thế, nông thôn bây giờ đã bỏ nốt những thứ mà hàng ngàn năm đã tạo thành nếp làng đáng bảo tồn và trân trọng.

Nhớ những cái đám cưới ngày trước, người nhà phải chuẩn bị cả tháng trời. Từ chuyện bố trí người chặt tre bót đũa, người dựng rạp, chẻ lạt, người mượn bàn ghế, chén bát… cũng phải mất cả đống người mới làm xuể.

Nay thì điều đó không còn. Dịch vụ thuê mướn rạp cưới lo từ A - Z. Họ đến dựng cái rạp vài chục mâm (tương đương vài trăm người ngồi) chỉ trong nháy mắt. Những bộ bàn 6 (người ngồi), ghế đẩu được thay bằng bàn tròn (10 người), ghế nhựa. Còn chén bát, đũa thì khỏi phải lo. Chỉ cần một cuộc điện thoại sẽ có một nhà hàng hay dịch vụ nấu thuê, bưng bê đến tận nơi. Đũa cũng được thay bằng đũa tre mua sẵn với giá rẻ, được gói trong bao ni lông rất hợp vệ sinh. Chẳng cần ngồi phay từng thân tre ra, bót từng chiếc để có đũa. Đám cưới ở quê cũng như ở phố. Chỉ cần có tiền, người nhà tổ chức đám cưới chỉ có việc tiếp khách, bắt tay, cười nói và làm đẹp. Ngày xưa, cả làng có ai cưới hỏi thì đàn bà con gái tự trang điểm cho nhau. Nhưng nay chỉ cần ra quán gội đầu uốn tóc ở ngay đầu làng, trong chớp nhoáng họ sẽ biến người nông dân chân lấm tay bùn thành người thành thị văn minh, đẹp như lụa với đủ loại phấn son.

Nhưng hình như điều đó khiến cho cuộc vui tẻ nhạt dần? Ngày xưa, họ chụm đầu vào nhau nấu nướng. Con lợn được om từ vài tháng trước. Người cạo lông, người mổ lòng, người chặt thịt… Tiếng cười tiếng nói làm rộn ràng cả một vùng quê. Bữa cơm thân mật diễn ra đầm ấm. Miếng trầu, chén trà bưng lên làm thắm lòng nhau. Họ tay bắt mặt mừng hàn huyên vì lễ cưới là cơ hội để hội ngộ mà không sợ tiếng nhạc sống của đêm hội thanh niên làm chói tai. Thay cái cũ, lạc hậu để tiếp nhận một cái mới tiện nghi, hiện đại là điều ai cũng muốn. Nhưng có những cái mất đi chẳng bao giờ lấy lại được.

Có người bảo, lũy tre là bộ mặt của làng. Khi nào lũy tre mất thì làng cũng mất. Có người lại bảo áo dài khăn đóng của các cụ còn là làng còn. Đó là chiếc áo tứ thân màu đen tuyền tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu của mỗi con người. Chiếc khăn đóng cũng màu đen với 7 nếp gấp chữ nhân biểu tượng cho 7 trạng thái của con người: hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục. Mỗi con người khi mang lên mình chiếc áo và đội trên đầu chiếc mũ đó là những con người đủ tuổi để chín chắn; đủ nhân cách, đức độ để được người đời kính trọng. Trong những tiệc đám cưới ở làng cũng vắng dần những chiếc áo và chiếc mũ như thế. Thay vào đó là những chiếc  veston đầy sang trọng.

Sự mất đi từng lũy tre làng cùng với những chiếc áo, chiếc mũ truyền thống đã khiến những người hoài cổ phải luyến tiếc.

Yên Mã Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.