Cô bé Việt mồ côi mang trong mình bốn dòng máu

18/12/2008 10:53 GMT+7

Tại Trung tâm nuôi dưỡng dạy nghề cho trẻ em đường phố tỉnh Quảng Nam có bé Kim bị bệnh hiểm nghèo, đã nhận được 4 dòng máu tình nguyện gồm Anh, Mỹ, Canada, và Việt Nam.

Đó là những thanh niên tình nguyện nước ngoài đang làm việc từ thiện tại Việt Nam mà tôi vừa được gặp và trò chuyện. Tất cả họ đều còn  rất trẻ, chưa ai có gia đình riêng.

Họ đúng là những “nam thanh, nữ tú”, có người mới tốt nghiệp đại học, có người đang là nhân viên công ty, có người từng là quan chức cho một tổ chức nhân đạo quốc tế. Họ đến từ các quốc gia khác nhau, xuất thân từ đủ các tầng lớp nhưng tất cả họ đều có một điểm chung là có trái tim nhân hậu và rất yêu mến Việt Nam.

Từ tận đáy lòng mình họ đang muốn làm cái gì đó để giúp làm vợi nỗi đau cho trẻ em thiệt thòi và những người già không nơi nương tựa Việt Nam...Họ đang tận tụy làm những việc thiện cho Việt Nam.

Hết lòng vì trẻ

Caitrin Daly (Australia) đang chơi với các cháu bé mồ côi ở Quảng Nam  Ảnh: Đ.P

Tại Trung tâm nuôi dưỡng dạy nghề cho trẻ em đường phố tỉnh Quảng Nam, tôi gặp bạn Vanessa Solano, nữ 23 tuổi, vừa tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học, Đại học Montclair State, bang New Jersey Hoa Kỳ.

Solano kể rằng thông qua tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Tình nguyện Toàn cầu (GVN), cô tình nguyện sang làm việc từ thiện ở Việt Nam.

Solano đã làm việc tại Trung tâm này được 1 tháng và sẽ tiếp tục làm việc tại đây thêm hai tháng nữa. Hàng ngày Solano đến trung tâm từ sáng sớm chăm sóc bọn trẻ từ 2 đến 5 tuổi vì cô đặc biệt yêu trẻ nhỏ.

Cùng với các tình nguyện viên đến từ các nước khác, Solano dạy tiếng Anh, dạy vẽ, làm đồ chơi cho trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Ở đây có bé gái tên Trinh mới 3 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ trong trận bão Chanchu  được Solano và các bạn thanh niên tình nguyện khác đặc biệt thương yêu.

Kể về hoàn cảnh của các cháu bé mồ côi, các cô ai cũng rơm rớm nước mắt. Tại trung tâm này, có bé Kim bị bệnh hiểm nghèo phải truyền máu. Các tình nguyện viên đã không ngần ngại hiến máu của mình cho bé. Các cán bộ tại Trung tâm cho biết hiện nay trong người bé Kim có 4 dòng máu gồm Anh, Mỹ, Canada, và Việt Nam.

Solano cho biết ở Hoa Kỳ cô sống cùng cha mẹ và đây là lần đầu tiên xa gia đình nên rất nhớ người thân. Cô kể rằng cha làm nghề cơ khí thợ máy, mẹ ở nhà nội trợ.

Ngày nào Solano cũng điện thoại hoặc “chát” qua Internet với gia đình bên Mỹ. Solano cho biết lần nào cô cũng nói với cha mẹ cố gắng dành thời gian sang thăm Việt Nam vì ở đây con người rất thân thiện và thiên nhiên thì tươi đẹp. Cuộc sống tình nguyện của cô ở Việt Nam rất thú vị, cô học được nhiều điều và không gặp khó khăn đáng kể nào.

Caitrin Daly, nữ tình nguyện viên 18 tuổi đến từ Australia, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, đã làm việc được 3 tuần tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở Quảng Nam. Cô cho biết sẽ tình nguyện làm từ thiện ở Trung tâm này thêm 2 tuần nữa.

Hàng ngày Daly đến Trung tâm từ rất sớm để cùng các cô bảo mẫu cho trẻ từ 1-5 tuổi ăn. Sau đó, dạy chúng học tiếng Anh, học hát, và giúp trẻ tập vật lý trị liệu. Là người yêu trẻ em, cô có thể chơi với trẻ suốt ngày không biết chán.

Daly dự định năm 2009 cô sẽ thi vào học Đại học RMIT ở thành phố Melbourne, Australia. Cô cho biết, Việt Nam là nước ngoài đầu tiên mà Daly đến thăm. Daly nói rằng cô đã có người yêu bên Australia. Hai người thường xuyên điện thoại và “chát” với nhau.

Daly thường kể với anh rằng những em bé Việt Nam giờ đây đã là một phần trong cuộc sống của cô. “Anh ấy rất ủng hộ tôi sang Việt Nam tình nguyện làm những việc từ thiện như thế này”- Daly nói.

Cô khoe rằng bạn trai của mình có công việc rất quan trọng ở Australia nhưng vẫn đang bố trí nghỉ việc để sang thăm cô tại Việt Nam.

Đôi yêu nhau đều là thanh niên tình nguyện

Anh Einar Logi Erlingsson và chị Herdis Magnúsdottir đến từ Iceland Ảnh: Đ.P
Tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Đà Nẵng, có một cặp yêu nhau đều là thanh niên tình nguyện đến từ Iceland, anh Einar Logi Erlingsson và cô Herdis Magnúsdottir. 

Chàng trai Einar Logi Erlingsson, 20 tuổi, dáng thanh mảnh rất thư sinh đến từ đảo quốc Iceland ở mãi gần Bắc Cực. Einar Logi Erlingsson  hàng ngày đến Trung tâm này để dạy các bé Việt Nam thiệt thòi học tiếng Anh và giúp các em phục hồi chức năng.

Tôi tình cờ chứng kiến việc Einar Logi Erlingsson đang kiên nhẫn dạy tiếng Anh cho một nam thanh niên Việt Nam tật nguyền đang tự trói mình vào cột để có thể đứng thẳng sống lưng.

Ngày nào cũng vậy, Einar Logi Erlingsson  làm việc cần mẫn từ sáng đến tận chiều chỉ vì yêu trẻ em Việt Nam, không nỡ bỏ đi khi thấy các em rất cần sự giúp đỡ. Einar Logi Erlingsson cho biết tại Iceland anh có việc làm tốt trong một siêu thị của tập đoàn Ikea.

Chỉ vì được nghe, đọc những điều về Việt Nam thấy thú vị mà anh cùng người yêu của mình tình nguyện sang Việt Nam trong 4 tháng. Einar Logi Erlingsson khoe, đến thời điểm chúng tôi gặp nhau, anh đã làm việc ở Việt Nam được 2 tháng và sẽ tiếp tục ở lại thêm hai tháng nữa. 

Cô Herdis Magnusdottir- người yêu của Einar Logi Erlingsson vừa tốt nghiệp cao đẳng ngành khoa học tự nhiên ở Iceland.  Cũng giống như bạn trai của mình, giữa thời tiết nắng nóng ở miền Trung Việt Nam cô Herdis Magnusdottir đang hết lòng chăm sóc sức khỏe và dạy kỹ năng sống cho những trẻ em đường phố ở Đà Nẵng vừa được gom về Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Cặp thanh niên tình nguyện Iceland này dự định sau khi kết thúc công việc ở Việt Nam, họ sẽ trở về nước làm lễ thành hôn.

Cùng dạy tiếng Anh với cô Herdis Magnusdottir có cô Pink người Canada mới 18 tuổi. Pink sang Việt Nam nhờ sự bảo lãnh của tổ chức Mạng lưới Tình nguyện viên Toàn cầu.

Vừa tốt nghiệp trung học phổ thông ở Canada, Pink muốn được trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam trước khi thi vào một trường đại học nào đó. Gia đình cô sống ở thành phố Toronto (Canada) cũng có nhiều người Việt Nam định cư.

Qua những câu chuyện của họ, Pink có nhiều cảm tình với Việt Nam và đây là động lực để cô gái có tấm lòng yêu quí trẻ em này  tình nguyện sang Việt Nam để làm từ thiện.

Hàng ngày, Pink cùng các bạn thanh niên tình nguyện Việt Nam và nước ngoài chăm sóc và dạy dỗ các trẻ thiệt thòi. Cô cùng các bạn góp tiền mua sách, vở và đồ chơi để dạy cho các bé trong Trung tâm Bảo trợ Xã hội Đà Nẵng.

Pink cho biết đã làm việc tại Việt Nam được 2 tháng và sẽ tiếp tục thêm một tháng nữa. Sau đó, cô sẽ ra thăm Hà Nội trước khi về nước để thi vào đại học.

Động cơ để làm từ thiện hết mình     

Trong một chuyến đi công tác vào miền Trung, tôi được gặp chị Shireen Lau quốc tịch Anh đang nhận nuôi 3 cháu bé mồ côi tại Việt Nam. Chị thường xuyên sang thăm các con mình mỗi lần khoảng 3 tháng rồi lại trở về Anh làm việc, vận động quyên góp tiền cho trẻ em Việt Nam. Được đồng nào chị lại mang sang trao hết cho những đứa trẻ Việt Nam bất hạnh.

Mỗi lần sang Việt Nam, Shireen Lau cùng các bạn tình nguyện viên nước ngoài làm việc thì hết lòng nhưng sống lại rất giản dị. Điều kiện ăn, ở của các thanh niên tình nguyện nước ngoài chẳng cầu kỳ sang trọng, tất cả chỉ là những tiện nghi tối thiểu: Nhiều người ngủ chung một phòng, ăn uống đơn giản tại bếp tập thể...                      

Ông Nguyễn Văn Kiền, Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban điều phối Viện trợ Nhân dân (PACCOM) trực thuộc Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị  Việt Nam cho biết, hiện nay tại Việt Nam có hơn 700 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) đang hoạt động.

Các thanh niên tình nguyện nước ngoài sang làm việc ở Việt Nam nói trên cũng do tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Tình nguyện Toàn cầu giới thiệu. Động cơ để những thanh niên tình nguyện này làm việc không nề hà vất vả khó khăn chính là những trái tim nhân hậu và tình yêu Việt Nam nồng nàn.

Ngoài những điều này ra chắc không ai có thể giải thích được vì sao có những thanh niên tình nguyện nước ngoài lại hết lòng với những người thiệt thòi của Việt Nam như vậy.

Họ yêu Việt Nam đến mức có người trước khi chết đã viết di chúc bày tỏ nguyện vọng tro di hài của mình được rải xuống lãnh thổ Việt Nam...

Theo Nguyễn Đại Phượng / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.