Đến Đà Nẵng, đi chợ... văn minh!

18/10/2012 12:55 GMT+7

“Mới buổi sáng mà vô chợ, nhỡ sờ vô rồi không mua dễ bị họ chửi cho thì chết!”. Lời cảnh báo đó không đúng khi chúng tôi, một nhóm sinh viên từ nơi khác đến, lại được những người bán hàng chợ Cồn tiếp đón một cách nhiệt tình và tôn trọng, khiến ai nấy rất có cảm tình.

 
Khách thoải mái chọn mua, không mua cũng nhận được lời khuyên hoặc một...nụ cười - Ảnh: Hạnh Chi

Từ Huế vào Đà Nẵng, vừa xuống xe thì tôi sơ ý làm rớt kính nên cái gọng kính bị gãy. Việc đầu tiên là phải tìm mua một gọng kính khác, vừa thời trang, vừa bền mà lại hợp với…túi tiền của sinh viên. Và Trung tâm thương mại Đà Nẵng (nay trở lại tên Chợ Cồn) là lựa chọn đầu tiên. Nhưng rồi một người bạn nhắc nhở: “Mới buổi sáng mà vô chợ, nhỡ sờ vô rồi không mua dễ bị họ chửi cho te tua thì chết!”. Đúng là tôi đã từng chứng kiến không chỉ ở Hà Nội, Huế, mà nhiều nơi khác nữa, buổi sáng nếu ai đó bước vào gian hàng nào mà sờ vào rồi không mua, hay trả giá mà không được thì đảm bảo người bán hàng làm đủ trò, nhẹ thì kèo nài, trách cứ, vừa vừa thì chửi đổng, cao trào hơn thì lôi giấy ra vừa đốt vía vừa chửi…hãi lắm! Mới tháng trước, cái gọng kính đứa bạn vừa mua trước đó chỉ có giá 30 ngàn đồng, vậy mà vô chợ Đông Ba bị hét 170 ngàn, trả liều 50 ngàn thì bị nói nặng nói nhẹ đủ kiểu, đến khi bỏ đi thì không ngờ kêu lại bán.

Nhưng không có kính thì còn nan giải hơn. Mang tâm lý vừa sợ bị chửi vừa sợ bị hớ chúng tôi vào chợ Cồn với thỏa thuận, đi qua rồi liếc nhìn, hạn chế sờ vào và ngã giá.

Mới đầu buổi sáng, nhiều người đang dọn hàng, một chị hỏi: “Em cần loại gì để chị lấy ra trước cho mà chọn”, khi thấy khách không tìm được cái ưng ý, người bán hàng vẫn rất vui vẻ mà không nhăn nhó gì cả. Đến một quầy khác, khi chúng tôi chọn được một cái gọng da vừa ý sau một hồi lựa chọn mạnh dạn hơn, cô bán hàng nói giá 40 ngàn (quá rẻ so với dự kiến) nhưng rút kinh nghiệm những lần đi chợ trước chúng tôi vẫn trả 20 ngàn, rồi 30 ngàn. Cô bán hàng cười rất nhẹ nhàng nói: “Bọn chị ở đây bán đúng giá, không có nói thách đâu”. Nhưng để kiểm chứng, chúng tôi vẫn ậm ừ rồi đi tiếp sang hàng khác. Sau một hồi chọn lựa, ngã giá thử, chúng tôi quay lại. Cô bán hàng vẫn niềm nở: “Các em cứ chọn cho thoải mái, mấy cái hàng thời trang này phải ưng ý thì mới nên mua vì nếu không về cũng sẽ bỏ không dùng, lãng phí lắm. Mà có khi giờ thích nhưng về nhà không thích nữa thì  cứ cầm ra cô đổi cho cũng được”. Sáng sớm, mua được món đồ ưng ý, lại gặp được người nhẹ nhàng, tự nhiên thấy Đà Nẵng đẹp lạ lùng!

Lâu nay, tôi vẫn biết đến  Đà Nẵng với những khu phố mới, những khu giải trí rất hấp dẫn, đường phố thênh thang…Lại nghe về Đà Nẵng với những "5 không, 3 có"…nhưng thực ra chưa bao giờ tôi có một cảm xúc như hôm nay. Đó là khi chúng tôi, một nhóm sinh viên (rõ ràng là ít tiền), lại từ nơi khác đến (vì toàn nói giọng Huế) lại được một cô bán hàng trong chợ tiếp đón một cách hết sức nhiệt tình và tôn trọng.

Cũng như nhiều nơi khác Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng cho mình một nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Thực chất là một quá trình này là việc từ bỏ thói quen xấu không chỉ của số ít cư dân mà còn là của cả một cộng đồng rộng lớn. Một trong những mô hình cụ thể là xây dựng những khu chợ văn minh thương mại.

Quả thật với những gì chúng tôi đã gặp ở chợ Cồn đã mang lại cảm giác  về một Đà Nẵng văn minh, tiến bộ bắt đầu từ những người ở nơi vốn được gọi “chợ búa”. Đó cũng chính là một nét để tạo nên một  Đà Nẵng “một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình và có đời sống văn hóa cao"; “một thành phố giàu tính nhân văn, hấp dẫn và đáng sống!”.

Nguyễn Vũ Hạnh Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.