Sự suy giảm đáng suy gẫm

15/12/2005 14:02 GMT+7

Chỉ có 15% số khách du lịch đến Việt Nam lần đầu và muốn quay trở lại. Còn 85% không trở lại. Đó là một con số đáng buồn. Sau khi ta bỏ visa cho khách du lịch Nhật Bản, tưởng rằng con số du lịch sẽ tăng, nhưng không và ngược lại. Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng không gửi Văn phòng Quốc hội phản hồi về một bài báo trên Thanh Niên cũng nói về du lịch, tài liệu này cho biết: Trong năm 2002, khách du lịch Nhật Bản tăng mạnh, đạt đến gần 300.000 người nhưng sau đó do ảnh hưởng của khủng bố và dịch SARS, dịch cúm gà, năm 2003 khách Nhật vào Việt Nam chỉ còn 230.000 người, giảm hơn 20% và vẫn đang tiếp tục suy giảm trong 3 tháng đầu của năm 2004.

Bỏ ra ngoài những gì thuộc về tai ương như SARS, cúm gà..., cái kém hấp dẫn thuộc về chủ quan của chúng ta vẫn luôn đóng vai trò chính. Bởi vì vào thời điểm này, Việt Nam không còn dịch cúm gà và SARS. Thế thì cái gì đã ngăn cách số khách vào Việt Nam, trong khi các nước khác chung quanh không giảm hoặc giảm rất ít ?

Khi sang Singapore mới đây thôi, tôi chứng kiến cảnh khách du lịch đi mua hàng đến chóng mặt ở siêu thị Takashimaya của ông chủ người Nhật gần khách sạn Meritus Mandarin trên đường Ochard tôi đang ở. Tôi chứng kiến 4 ngày liền tại khách sạn này, khách ra vào chật kín phòng, cả khách người Việt Nam cũng rất đông. Nói như Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết tự chất vấn tại một hội nghị Thành ủy gần đây rằng: Singapore có diện tích chưa bằng 1/3 của thành phố  Hồ Chí Minh mà họ làm ra năm, sáu chục tỉ USD, còn thành phố mới chỉ làm ra vài tỉ USD, ta phải tự vấn.

Không chỉ nhìn vào Singapore. Ta nhìn vào Indonesia thôi. Họ vừa mới bị một trận đánh bom khủng bố hàng trăm người chết ở khu du lịch nổi tiếng Bali, thế mà lượng khách hiện nay vẫn được phục vụ ở mức 60%. Vé máy bay khứ hồi Jakarta đến Jogyakarta chỉ từ 260.000VNĐ đến 300.000VNĐ cho một giờ bay của Hãng hàng không Garuda. Tôi đã đặt vấn đề giá vé với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Ở Nhật Bản, các hãng bán vé cho khách du lịch nói với tôi rằng: "Khi khách đến một quầy vé có từ 2 đến 7 hãng hàng không để họ lựa chọn. Giá vé máy bay đắt cũng là một  trở ngại". Hãng máy bay tư nhân Indonesia Lion Air mà Hãng hàng không quốc gia Garuda "ngán ngẩm" đã vươn tới sự lựa chọn của khách du lịch Nhật Bản tại Tokyo do giá rẻ.

Sự hợp tác giữa hàng không và du lịch của mỗi quốc gia là rất quan trọng. Hãng Garuda bán tour cho khách từ TP.HCM đi Singapore bao trọn gói cả khách sạn chỉ có 288 USD, Singapore - Malaysia: 369 USD, 5 ngày cho tour Singapore - Bali là 488 USD. Giá rẻ đến bất ngờ là do chính có sự hợp tác giữa hàng không và du lịch - các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác của nước họ.

Sự hợp tác đó ở Việt Nam là chưa có, công việc quảng bá hình ảnh Việt Nam chưa được chú ý đúng mức. Bên ngoài người ta rất nhiễu thông tin về Việt Nam, bởi vì cho đến bây giờ chưa có một tờ báo tiếng Anh nào từ Việt Nam có uy tín được độc giả nước ngoài đón nhận. Trong khi tờ Nation của Thái Lan, tờ Straits Time của Singapore được các nước đọc rộng rãi, ở siêu thị nào trong khu vực cũng có, các chuyến máy bay trong khu vực và quốc tế đều có mặt các tờ báo này.

Ở Việt Nam, tôi thấy chỉ có Hãng hàng không quốc gia Việt Nam là muốn chòi đạp, tổ chức triển lãm hàng hóa, thắng cảnh, văn hóa Việt Nam ở Nhật, Pháp, Úc... và một  số địa bàn trọng điểm, tổ chức cho các nhà báo nước ngoài vào Việt Nam tham quan các bãi biển, thành phố và giới thiệu tiềm năng du lịch của ta. Vừa rồi tổ chức festival ở Yokohama Nhật Bản cũng khá thành công. Còn lại ngành du lịch thì thấy chưa có động tĩnh gì, trừ một  số khách sạn 5 sao và vài công ty du lịch địa phương đi theo tiếp thị.

Trong bữa ăn cơm trưa với Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và các quan chức thương mại, ngoại giao của chính phủ ta tại Yokohama, sau khi Thủ tướng đọc phát biểu tại hội nghị "Tương lai châu Á" mà giáo sư Trần Văn Thọ ở Tokyo đánh giá là bài phát biểu ấn tượng nhất hội nghị và ngay chiều hôm đó ông lại có cuộc gặp với riêng Thủ tướng J.Koizumi của Nhật Bản, trong câu chuyện thân mật với chúng tôi và ban lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Tại trưa hôm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải say sưa kể chuyện làm ăn, đầu tư với nước ngoài, chuyện châu Á đang trở thành một  trong ba trung tâm lớn của thế giới. Ông cho rằng còn nhiều việc phải làm để có thể thu hút đầu tư, trong đó có việc phải quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài và chấn chỉnh những lề thói xấu và lực cản từ bên trong bộ máy của ta. Ông ví dụ: một tấn hàng chở container từ Hà Nội xuống cảng Hải Phòng hay từ các nơi sản xuất tại phía Nam xuống cảng TP.HCM có khi chi phí còn đắt hơn đưa một tấn hàng ra nước ngoài do nạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu của các cán bộ hữu quan của ta. Thủ tướng cho rằng thành tựu kinh tế xã hội của ta là rất lớn nhưng nếu ta không khắc phục được những vướng mắc từ môi trường bên trong thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đà phát triển.

Trở lại việc có đến con số 85% khách du lịch nước ngoài vào rồi không trở lại lần thứ hai là một việc rất phải đáng quan tâm. Môi trường, sản phẩm du lịch, đầu tư du lịch cho những vùng trọng điểm mà khách quốc tế đang quan tâm như Bali của Indonesia về Đế Thiên Đế Thích của Campuchia chẳng hạn, Việt Nam cũng cần phải chú ý đầu tư những điểm như vậy thì mới có thể thu hút khách. Phải nâng cao và phát huy vai trò của quản lý nhà nước về du lịch là Tổng cục Du lịch. Tổng cục phải là một đầu tàu thực sự chứ không phải như tình trạng hiện nay. Tất cả đều phải xem xét tín hiệu 85% khách du lịch "ra đi không trở lại" đó một cách nghiêm túc nhất thì may ra ta mới có lời giải thỏa đáng cho phát triển kinh tế và du lịch ở nước ta.

Yokohama, Tokyo ngày 5/6/2004

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 8/6/2004)

Góp ý: Tại sao tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam thấp?

Tôi đã đọc kỹ bài viết của Nguyễn Công Khế: Sự suy giảm đáng suy gẫm (Thanh Niên 8/6/2004) và thấy tác giả đặt vấn đề rất đúng, tuy câu trả lời theo tôi vẫn chưa đầy đủ. Tác giả bàn về các lĩnh vực hợp đồng giữa các dịch vụ du lịch, kể cả hàng không, ở nước ta còn chưa nhịp nhàng, nhưng tôi nghĩ còn một vấn đề nhức nhối nữa mà chúng ta cần phải quan tâm: đó là chất lượng của các dịch vụ du lịch của ta. Tôi rất quan tâm khi biết được rằng một số du khách nuớc ngoài đến Việt Nam có cái nhìn kiểu như “đi một lần cho biết”, và đã biết họ không muốn quay trở lại. Câu hỏi đặt ra là: tại sao họ không quay lại?

Tôi xin nêu lên vài điểm ở đây như là ý kiến của một người vừa từ Việt Nam về và muốn nôn nóng đóng góp vào phát triển du lịch trong nước. Theo tôi có những lý do sau đây đã làm cho du khách nước ngoài nản lòng không muốn quay trở lại thăm Việt Nam.

Thứ nhất là vấn đề trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa. Ở nhiều nơi, nhất là các đền, chùa cổ kính tôi có dịp ghé thăm đều có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Một số cây cột bằng gỗ bị mục, ngói có nguy cơ bị vỡ, gạch loang lổ..., nhưng (qua hỏi thăm người địa phương) hình như chưa thấy có ai đứng ra trùng tu lại. Có nơi, như trước đền thờ vua Lê Đại Hành, những cây cột cờ làm bằng tre, nhưng hỡi ôi! Những cây tre xiêu vẹo, cờ thì rách rưới trông cực kỳ thảm hại. Có nơi thì trùng tu lại nhưng rất tiếc là kiều trùng tu nữa tây nửa ta, không phản ánh nét văn hóa kiến trúc Đông phương chút nào. Chẳng hạn như trong khu Hoa Yên, giữa một ngôi chùa cổ kính, người ta lại cam tâm xây những trụ đèn điện đen theo kiểu của Tây vào thế kỷ 18 hay 19, còn cái quầy (chẳng biết dùng để làm gì) thì lại là một căn nhàvuông bằng xi-măng, lợp tole! Nhìn qua nhiều kiểu trùng tu, ai cũng có cảm giác là cái hồn dân tộc đã bị biến mất và thay vào đó là những sản phẩm dở Tây dở ta.

Thứ hai là vấn đề vệ sinh công cộng. Tất cả (xin nhấn mạnh: tất cả) những nơi mà tôi có dịp ghé qua, từ vịnh Hạ Long cho đến chùa Hương, vấn đề nhức nhối nhất là vệ sinh công cộng. Nói cụ thể hơn là vấn đề nhà xí. Những nhà vệ sinh dơ bẩn khủng khiếp và hôi thối kinh người, đến độ có người không dám bước chân vào dù bụng thì cũng chột lắm! Ngay cả những nhà xí có thể bước chân vào (và có thu lệ phí) thì cũng rất ư là tạm bợ, vá víu. Ở Thái Lan, một nước đang phát triển, mà vệ sinh công cộng cũng khá hơn nước ta rất nhiều. Tôi có thể nói một cách thành thật và thẳng thắn rằng: ngày nào Việt Nam ta chưa giải quyết được cái cầu vệ sinh thì ngày đó du lịch Việt Nam chưa thể nói là thu hút du khách được.

Với tình trạng như thế thì không ai ngạc nhiên khi du khách rất nao núng khi nghĩ đến chuyện quay trở lại thăm Việt Nam.

Thứ ba là vấn đề tổ chức và buôn bán. Ngày nay, ở bất cứ chỗ nào có du khách là có những cụm, nhóm người buôn bán đủ thứ hàng hóa. Buôn bán tự nó không phải là vấn đề đáng nói, nhưng việc tổ chức buôn bán mới là vấn đề đáng bàn. Trước mỗi đình chùa, thậm chí ngay trong khuôn viên khu di tích lịch sử, người ta dựng lên những cái chòi lụp xụp, tạm bợ để bán nước giải khát và bánh kẹo. Chẳng hạn như đường vào chùa Hương, trong ngày lễ hội, người ta dựng lên hàng trăm hàng quán lấn chiếm hai bên đường để bán hàng. Còn khách thì tha hồ vứt rác xuống sông hay ngay trên đường đi! Từ xa nhìn toàn quang cảnh rất ư là tồi tàn, nó giống như một khu "slum", chứ không phải là đường vào chùa Hương thơ mộng.

Ngay cả những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, mà người ta cũng hay bày bán thức ăn mặn. Hiện tượng này tôi đã thấy tại hầu hết các chùa ở Thái Lan, nhưng ở Việt Nam đây là một hiện tượng rất mới. Ở Thái Lan, người dân theo đạo Phật phái Tiểu thừa, thì việc ăn mặn không phải là vấn đề. Nhưng ở Việt Nam ta, đại đa số là người theo đạo Phật thuộc phái Đại thừa, ăn mặn ai cũng biết là một điều cấm kỵ. Ấy thế mà ngay trước cổng chùa người ta lại nướng cả thịt để bán cho du khách.

Đó là chưa nói đến nạn vòi vĩnh du khách cũng làm cho nhiều người cảm thấy không muốn quay trở lại thăm Việt Nam, vì chịu quá nhiều phiền phức.

Nước ta có tiềm năng du lịch lớn. Tôi có dịp trò chuyện với các du khách từ u châu, Úc châu và Mỹ, và thăm dò nhận xét của họ về du lịch Việt Nam và du lịch Thái Lan. Hầu như tất cả họ đều nói thích đi Việt Nam hơn là đi Thái Lan. Họ cho biết Việt Nam có nhiều cảnh đẹp hơn và văn hóa hơn Thái Lan. Họ còn nói Việt Nam ta chưa biết cách quảng bá những cái đẹp này đến người nước ngoài.

Vấn đề còn lại là làm sao ta khai thác được tiềm năng du lịch đó. Không thể nào và không có lý do gì để cho những vấn đề tương đối nhỏ như vệ sinh, hay vòi vĩnh khách làm cho người khách không muốn quay lại thăm nước ta.

Nguyễn Văn
Ngày gửi: 6/8/2004 10:25:00 AM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.