“Nút cổ chai” của nền kinh tế

02/12/2008 00:57 GMT+7

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, các đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Vượt qua thách thức của kinh tế toàn cầu” tổ chức ngày 1.12 ở Hà Nội đã có nhiều kiến nghị và hiến kế cho Việt Nam. Diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2009 sẽ diễn ra vào ngày 4.12.2008.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu u (EuroCham) nhận định: "Với khả năng có sự sụt giảm về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp, du lịch, kiều hối, vấn đề mấu chốt hiện nay là Chính phủ cần hành động để kiểm soát thâm hụt thương mại, để giữ và xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư. Để giúp đảm bảo thâm hụt thương mại được duy trì ở mức có thể chấp nhận được, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận được sự hỗ trợ cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong tình hình nhu cầu toàn cầu về hàng tiêu dùng sụt giảm. Các nhà xuất khẩu phải có quyền tiếp cận tín dụng đầy đủ với chi phí hợp lý, và chúng tôi khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên thiết lập một chương trình thích hợp để đảm bảo duy trì khả năng này".

Đề cập đến "nút thắt cổ chai" của nền kinh tế hiện nay, Chủ tịch EuroCham cho rằng: tiến độ chậm chạp của nhiều dự án hạ tầng làm cản trở cả tăng trưởng và năng suất. Việc phát triển dang dở của hệ thống vận tải và năng lượng quốc gia đang trở thành những vấn đề đặc biệt lo ngại. Tuy nhiên tình hình hiện nay và việc giá cả đầu vào đang giảm mạnh cũng tạo cơ hội để khắc phục tình trạng này. Ông nói: "Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ để cho khu vực tư nhân giúp đẩy nhanh các dự án hạ tầng và tăng tốc các dự án trọng điểm sắp làm hay đang làm dang dở".

Đồng tình với Chủ tịch EuroCham, Michael Pease, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) cũng cho rằng: Hạn chế về cơ sở hạ tầng đe dọa các dự án FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp) hiện tại và tương lai trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và xuất khẩu. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào xây dựng, đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng là bức thiết, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cảng nước sâu và nhà máy điện.

Ông Giles Cooper, Đại diện Phòng Thương mại Úc, thì khẳng định: Những cam kết từ phía Việt Nam nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường hiệu quả và năng động chỉ thực hiện được khi có sự tăng trưởng của khối các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, bao gồm cả khối doanh nghiệp nước ngoài. "Chúng tôi tin tưởng rằng nếu Việt Nam tiếp tục theo định hướng này thì triển vọng kinh tế rất khả quan bất chấp những bất ổn về khủng hoảng kinh tế toàn cầu", ông Giles Cooper kết luận.

Như thường lệ, Trưởng đại diện của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông báo cảm nhận môi trường kinh doanh năm nay, ông nói: "Sự quan tâm của các công ty Nhật Bản dành cho Việt Nam vẫn rất lớn nhưng số phiếu ủng hộ đã bắt đầu giảm. Nguyên nhân dẫn đến việc này là sự quan tâm về yếu tố lực lượng lao động rẻ đã giảm. Ngoài ra cơ sở hạ tầng kém phát triển là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với các nhà sản xuất Nhật Bản, đặc biệt là đường sá, bến cảng, và điện".

Như Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.