Công và tư

19/12/2005 22:44 GMT+7

Hiện nay trên thế giới không có một quốc gia nào mà không có sự chi phối đặc biệt của chính phủ đối với giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH. Ở châu u và Canada, đa số các ĐH là ĐH công, sinh viên (SV) chỉ đóng góp một khoản kinh phí rất nhỏ so với số lượng dịch vụ mà họ nhận được từ các trường ĐH.

Ở Pháp và Đức, người học có sự đóng góp nhưng không đáng kể, ở Anh có sự đóng góp của người học nhưng chủ yếu đến từ SV nước ngoài. Riêng ở Mỹ, một đất nước có số cơ sở giáo dục ĐH tư nhiều nhất thế giới (58% trong tổng số 4.064 cơ sở giáo dục ĐH - thống kê năm 1998) nhưng số sinh viên khối trường tư cũng chỉ chiếm khoảng 23% tổng số SV cả nước. Thực chất, nhiều trường trong số này là các trường ĐH tư vô vụ lợi.

Trên thế giới, việc phân biệt một cơ sở giáo dục ĐH là công (public) hay tư (private) chủ yếu dựa vào tiêu chí mức độ đóng góp của người học đối với dịch vụ giáo dục mà họ nhận được từ các cơ sở giáo dục đó. Ở các cơ sở giáo dục ĐH công, việc đóng góp học phí của SV là rất nhỏ.

SV theo học tại các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay đều phải trả tiền rất cao so với dịch vụ giáo dục ĐH mà họ nhận được, từ 35% đến 100% chi phí cho việc hưởng thụ dịch vụ giáo dục đại học từ các cơ sở giáo dục đại học. Theo số liệu khảo sát về tài chính của các trường ĐH-CĐ trong cả nước năm 2001, tổng thu năm 2000 là 3.011,107 tỉ đồng trong đó các trường công lập là 2.814,548 tỉ đồng, từ 3 nguồn chính: học phí, lệ phí chiếm đến 39,59%, các loại hình dịch vụ khác 4,8%, ngân sách nhà nước 55,64%.

Như vậy, nếu xét theo khái niệm công, tư như đã đề cập ở phần trên thì ở VN hiện nay không có ĐH công đúng nghĩa mà chỉ có ĐH tư có nguồn gốc sở hữu Nhà nước. Mặt khác, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là "...tạo cơ chế và điều kiện để các trường ĐH và trường dạy nghề chuyển mạnh sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm" (NQ Hội nghị lần thứ IX BCH T.Ư Đảng, khóa IX). Điều đó có nghĩa là phần ngân sách Nhà nước trong các khoản thu của một số cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ giảm đi, thay vào đó là các khoản thu từ phía người học, người hưởng thụ, thông qua học phí và các khoản dịch vụ khác. Như vậy, hiện nay và trong tương lai một số các cơ sở giáo dục ĐH  công ở Việt Nam không khác gì một số các cơ sở giáo dục ĐH bán công hiện nay.

Việc chuyển đổi mô hình trường ĐH-CĐ bán công sang tư thục cần thận trọng và nhất thiết phải tính đến tính thực tế đặc thù của các cơ sở giáo dục ĐH bán công hiện nay; cần có các lộ trình cụ thể phù hợp cho từng cơ sở giáo dục ĐH bán công. Mặt khác, cũng cần tính đến yếu tố tự nguyện, đồng thuận của các cơ sở giáo dục ĐH bán công.

PGS-TS Nguyễn Thuấn
(Phó hiệu trưởng ĐH Mở bán công TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.