Một năm sau thảm họa sóng thần

25/12/2005 23:56 GMT+7

Ngày này năm trước, buổi sáng yên lành bỗng chìm trong tang tóc khi cơn sóng dữ Ấn Độ Dương cướp đi mạng sống của hơn 200 ngàn người. Một năm trôi qua, nỗi đau chưa nguôi nhưng sự sống cũng đang dần hồi sinh.

Đêm Giáng sinh, hàng ngàn ngọn nến đã được thắp lên tại các bãi biển ở Phuket, Phang Nga, miền Nam Thái Lan. Rất nhiều người, cả dân địa phương lẫn khách ngoại quốc, cùng tưởng nhớ những người đã bị cơn sóng dữ cướp đi và nguyện cầu cho đất trời bình yên. "Tôi đến đây để nhớ lại...", cụ P.Pruchniewitz đến từ Thụy Sĩ giải thích. Cách đây đúng 1 năm, Pruchniewitz cùng một người bạn đã bị nước cuốn đi. Cụ nằm trong số những người may mắn thoát chết nhưng người bạn kia cùng với hàng trăm ngàn người khác vĩnh viễn không trở về.

Buổi sáng thứ hai ngày 26/12/2004, trận động đất mạnh trên 9 độ Richter đã làm rung chuyển đáy biển Ấn Độ Dương gần Indonesia, gây ra đợt sóng thần kinh hoàng tại các bờ biển kéo dài từ Đông Nam Á tới Đông Phi. Đến nay, theo số liệu của LHQ thì có ít nhất 223 ngàn người thiệt mạng, 400 ngàn nhà cửa bị tàn phá khiến hơn 2 triệu người bị vô gia cư. Con số thực tế có thể còn cao hơn bởi thiệt hại tại một số khu vực hiện vẫn chưa thống kê được. Để giúp người dân các vùng bị thảm họa vượt qua khó khăn, thế giới đã ủng hộ khoảng 13,6 tỉ USD. Một năm trôi qua, phần lớn các khu du lịch bị tàn phá tại miền Nam Thái Lan đã hoạt động trở lại. Đảo Phuket, nơi được mệnh danh là "thiên đường về đêm" đã tái tạo được sức hấp dẫn của mình. Du khách bắt đầu cảm nhận sự hồi sinh nơi đây. Tại Sri Lanka, một số khách sạn, khu du lịch cũng đã mở cửa; các khu lướt sóng nổi tiếng ở miền đông bắt đầu đón du khách phương Tây; một số nạn nhân đã nhận được nhà, phương tiện mưu sinh để có thể đứng lên sau cơn bạo bệnh. Tại Indonesia, vài ngôi làng mới đã mọc lên trên đống đổ nát. Một chuyển biến đáng chú ý nữa là sau thảm họa sóng thần 2004, Chính phủ Indonesia đã đạt được thỏa thuận hòa bình với lực lượng ly khai tại tỉnh Aceh. Cuộc điều tra mới đây của LHQ còn cho thấy một kết quả rất đáng lạc quan: 80% nạn nhân trẻ em tại Thái Lan, Sri Lanka và Ấn Độ đã "cảm thấy vui vẻ và tự tin" trong khi con số này tại Indonesia là 60%. Cuộc điều tra cũng cho biết 90% học sinh tại các vùng bị tàn phá đã trở lại trường.

Cuộc sống đang nảy mầm trên đất chết, nhưng khó khăn vẫn tràn đầy. Theo các tổ chức phi chính phủ thì những khu vực bị thiệt hại ở Indonesia phục hồi chậm nhất. Một năm đã trôi qua nhưng chỉ mới có 20% số nạn nhân có nhà. Nhiều khu trại cứu tế vẫn ở trong tình trạng quá tải, vệ sinh kém; nhiều người sống sót nói rằng cuộc sống hiện tại còn tồi tệ hơn so với khoảng thời gian từ 1-5 ngày sau khi xảy ra sóng thần. Tại Sri Lanka, xung đột giữa chính phủ và lực lượng Hổ Tamil khiến công tác cứu trợ ở vùng đông bắc không phát huy được hiệu quả. Các khu du lịch dù đã hoạt động trở lại nhưng lượng khách đến đây chỉ đạt khoảng 30% so với trước thảm họa. Từ thực tế này, LHQ cùng các tổ chức nhân đạo tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để giúp xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân sóng thần.

Đỗ Hùng
(Theo AP, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.