Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Nửa thế kỷ ân tình

31/05/2012 07:10 GMT+7

Điều bà nhà tôi quan tâm không phải số tiền tôi kiếm được sau mỗi lần viết bài ca, giao kịch bản, mà là hiệu quả của sự phổ biến đó có mang lại cho sân khấu nhiều tài danh mới hay không.

>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Khi Diệu Hiền “trả thù”
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Kim Ngọc - “Mai Đình của tôi”
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Lệ Thủy - Đào chánh ngoại lệ
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Mối tình Út Bạch Lan - Thành Được
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Lăng xê Thanh Nga
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Kho báu đầu đời
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca

Nửa đêm, con trai của chúng tôi đang định cư ở Đức gọi điện thoại về khoe: “Bên Mỹ, 2 suất hát của ba thành công lắm, con đang lên mạng xem người ta tường thuật chương trình nè”. Vợ tôi cũng lồm cồm ngồi dậy, chụp máy đòi con phải kể tỉ mỉ hơn.

Bỏ ngoài tai lời ra tiếng vào

Bao nhiêu lần lời ra tiếng vào khi người ta bảo rằng tôi viết bài ca cổ yêu đương sầu bi, chắc chắn là kẻ đào hoa nhưng vợ tôi đều bỏ ngoài tai. Không ai tin tôi hơn bà ấy vì hiểu tính nết của chồng. Khi biết chuyện Diệu Hiền yêu thầm tôi, bà chỉ cười, thậm chí còn khuyên: “Đừng tạo cơ hội để cô ấy hiểu lầm”. Vợ tôi là điển hình cho những phụ nữ đã chấp nhận làm vợ nghệ sĩ thì phải biết không ghen.

 Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Nửa thế kỷ ân tình - NSND Viễn Châu làm MC - 1
NS Hồng Nga làm MC chương trình Những cánh chim không mỏi
- vinh danh soạn giả Viễn Châu do HTV tổ chức năm 2003 - Ảnh: Thanh Hiệp

Vợ tôi lo chu toàn cho chồng và các con. Hai cô con gái vắn số ra đi trong niềm đau xót của chúng tôi. Bù lại, 7 người con trai đều hiếu thảo, đứa nào cũng biết đờn hát nhưng chỉ có Trương Minh Châu nối nghiệp tôi, lập ban nhạc và thường xuyên gắn bó với các chương trình sân khấu của HTV. Các cháu tôi kính trọng gia sản nghệ thuật cải lương mà ông nội, ông cố đã để lại...

Mỗi lần tôi đi chấm thi, về đến nhà là bà xã hỏi ngay có thí sinh nào ca hay không. Tôi kể chuyện một cô bé dự thi bài Lá trầu xanh, nhìn xuống ban giám khảo thấy tôi, thay vì ca: “Trời ơi, hai thúng trầu xanh còn nặng quàng trên đôi vai bé nhỏ” thì cô lại run nên ca: “Trời ơi, hai lá trầu xanh…”. Bà ấy cười dung dị nhưng tin cô bé đó triển vọng vì nghe theo nhận xét của tôi “có làn hơi không thua gì Phượng Liên”.

 Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Nửa thế kỷ ân tình - NSNNSND Viễn Châu và vợ trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới  - 2
NSND Viễn Châu và vợ trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới - Ảnh: Thanh Hiệp

Điều bà nhà tôi quan tâm không phải số tiền tôi kiếm được sau mỗi lần viết bài ca, giao kịch bản, mà là hiệu quả của sự phổ biến đó có mang lại cho sân khấu nhiều tài danh mới hay không. Khi Lệ Thủy, Minh Vương làm Sân khấu vàng, bà rất vui khi biết Vũ Luân, Tú Sương, Lê Văn Gàn, Võ Thành Phê, Như Huỳnh, Võ Minh Lâm, Cao Thúy Vy… có dịp xuất hiện trong một số vở. Niềm vui của vợ tôi mỗi khi xem các cuộc thi ca cổ trên đài truyền hình là được cùng chồng nhận xét, đánh giá. Bà ấy vẫn còn chủ quan lắm: “Ông ơi, cô này mà vô tay ông, viết một bản cho riêng cổ thì sẽ mau nổi tiếng”. Bà quên mất tôi đã ngót 90 tuổi rồi, đã qua cái thời làm mưa, làm gió. Song, tôi yêu vợ mình vì bà ấy cũng xem cải lương là phần đời không thể thiếu.

 Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Nửa thế kỷ ân tình - GSTS Trần Văn Khê đờn kìm cùng với ban nhạc cổ đệm cho NSND soạn giả Viễn Châu ca bài vọng cổ
GSTS Trần Văn Khê đờn kìm cùng với ban nhạc cổ đệm cho NSND soạn giả Viễn Châu
ca bài vọng cổ "Anh không chết đâu em", do ông sáng tác tặng vợ - Ảnh: Thanh Hiệp

Điểm tựa vững chắc

Vợ tôi - Nguyễn Thị Đạo - quê ở Cần Thơ. Năm đó, Đạo lên Sài Gòn ở với người cô ruột gần khu chợ Đũi (đường Võ Văn Tần - TPHCM ngày nay). Tôi làm quen Đạo trong lần cô và người cô ruột đến rạp hát Arito trên đường Lê Lai xem tuồng Lan và Điệp (Đoàn Việt kịch Năm Châu) năm 1950. Vãn hát, cô cháu đi xích lô về nhà. Tôi đã để ý một thiếu nữ duyên dáng, mắt đỏ hoe vì mới khóc thương cho câu chuyện tình bi thảm của Lan.

Tuần sau, tôi lại gặp gương mặt ấy khi cô đi xem vở Nát cánh hoa rừng cũng tại rạp Arito. Vãn hát, tôi liền đến làm quen và mời cô đi uống nước, tự giới thiệu mình là tác giả Nát cánh hoa rừng. Cô tròn xoe đôi mắt: “Viễn Châu là anh?”. Thế là quen nhau, cô cho tôi số nhà người cô ruột. Vài lần thăm viếng rồi tôi ngỏ lời cầu hôn, cô bằng lòng. Mấy tháng sau, năm 1951, chúng tôi tổ chức đám cưới. Lúc đó tôi nghèo, đám cưới chỉ đãi 2 bàn cơm trưa nhưng thân mật, ấm tình nghĩa.

 Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Nửa thế kỷ ân tình - NSND soạn giả Viễn Châu và vợ cùng giao lưu với khán giả khi nói về vai diễn Mai Đình của cố NS Kim Ngọc trong chương trình Viễn Châu 60 năm tay viết, tay đờn
NSND soạn giả Viễn Châu và vợ cùng giao lưu với khán giả khi nói về vai diễn Mai Đình
của cố NS Kim Ngọc trong chương trình "Viễn Châu 60 năm tay viết, tay đờn"

Trong đời này, nếu không có bà xã, tôi khó mà đủ sức để sáng tác hơn 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản cải lương. Vợ tôi là người đọc bản thảo vừa khô mực, rồi sắp xếp, ghi chú cẩn thận như một thư ký cần mẫn, giúp tôi hoàn thành đúng hẹn đơn đặt hàng cho các hãng dĩa, đoàn hát. Có giai đoạn tôi còn tham gia viết báo, viết truyện nhiều kỳ, rồi cung cấp bài vọng cổ mới cho các tạp chí. Bà nắm hết tất cả “mối mai” để giao nhận và ký nhuận bút.

 Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Nửa thế kỷ ân tình - Kỷ niệm ngày cưới cũng là ngày sinh nhật của vợ, đối với NSND soạn giả Viễn Châu đó là ngày ông sung sướng nhất - 5
Kỷ niệm ngày cưới cũng là ngày sinh nhật của vợ, đối với NSND soạn giả
Viễn Châu đó là ngày ông sung sướng nhất - Ảnh: Thanh Hiệp

52 năm ân tình, bà xã là điểm tựa vững chắc để tôi vừa tay đờn, tay viết. Cách đây 12 năm, trong lần tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày cưới của chúng tôi, Hồng Nga dẫn chương trình quậy quá cỡ, bắt tôi lên sân khấu nói lời tỏ tình lại. Ngọc Giàu thì phá phách: “Phải hôn môi cho tụi này chứng kiến. Thím Bảy chịu quá nhiều thiệt thòi. Ông ăn no suốt ngày cứ viết những lời tán tỉnh, ong bướm, làm cho biết bao con tim thổn thức, chỉ có thím Bảy chưa bao giờ nghe một lời ngọt ngào nào hết”. Tôi cố nín cười, phân trần: “Hai cô đâu có biết, tất cả hình ảnh phụ nữ trong những bài ca cổ của tôi là nhân ảnh của bà ấy đó”.

Với tôi, kiếp người dù giàu sang hay khó nhọc, khi đã có được hạnh phúc gia đình và tình yêu chung thủy thì đó chính là kho báu. Từ hạnh phúc của mái ấm, của sự nghiệp, tôi xin khép lại loạt bài này bằng 4 câu thơ: Xuân đã tàn thôi mộng cũng tàn/ Nói năng gì nữa với nhân gian/ Cuộc đời còn lại bao nhiêu nhỉ?/ Vài bản tình ca mấy nhịp đàn.

n nhân suốt đời: Sự học

Tôi thường khuyên các tác giả trẻ chịu khó đọc sách, nếu lười thì mỗi ngày đọc ít nhất 5 trang rồi sau đó tăng dần. Một dạo, có nhà tổ chức tìm đến đặt hàng tôi sáng tác kịch bản dựa theo tác phẩm văn học mới đang “hot”. Tôi hỏi: “Bạn đã đọc tiểu thuyết đó chưa?”. Người đặt hàng lắc đầu. Tôi từ chối bằng một nụ cười lạnh. Chính bạn còn không đọc thì nói gì tới chuyện sẽ hiểu và thẩm định đúng sự chuyển thể của tôi!

Nếu chỉ có tiền làm gì cũng được thì sẽ không thể có những vở tuồng hay, được đánh giá là đã góp công tạo dựng nền tảng cho sân khấu cải lương thời hưng thịnh giai đoạn 1960-1970.

Nhiều ông bà bầu danh tiếng, tuy trình độ học vấn không cao nhưng biết trân trọng tim óc tác giả, hun đúc chúng tôi viết cho đời những vở tuồng được công chúng yêu mến: Khi người điên biết yêu, Vó ngựa truy phong, Hương rượu men tình, Sân khấu về khuya, Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng, Tình mẫu tử, Nửa đời hương phấn, Một ngày làm vua, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tiếng trống sang canh, Sông dài… Tất cả vẫn còn sống mãi với thời gian. Cho nên, ân nhân mà tôi tôn kính suốt cuộc đời chính là sự học.

Theo Người Lao Động

>> Kim Cương tạ ơn đời
>> Anh chồng... bô lê rô
>> Nguyễn Bính và văn nghệ sĩ miền Nam
>> Tản mạn Đường dây nóng
>> Mai Trinh Đỗ Thị đã đến hồi "khánh kiệt
>> Đời sống ca nhạc: Mốt chơi "sốc" của các ca sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.