Chúc mừng Thanh Niên 25 tuổi

29/12/2010 07:58 GMT+7

Tôi trở thành độc giả của Thanh Niên khi không còn thanh niên nữa, nhưng làm nghề dạy học, gắn bó với tuổi trẻ, tôi thấy những tin tức và vấn đề nêu trên tờ báo này rất gần gũi với tôi.

Đặc biệt, Thanh Niên ngày càng quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước, luôn có những bài bình luận, phóng sự sắc sảo, thú vị, chín chắn về kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao... nên không biết tự bao giờ đọc Báo Thanh Niên đã trở thành thói quen và sự hứng thú của tôi mỗi ngày. Tôi thích mục Chào buổi sáng, nhất là những bài viết giàu suy tư của ông bạn thời đại học của tôi - nhà thơ Thanh Thảo. Tôi hào hứng theo dõi cuộc thảo luận Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ… Tôi nghĩ Thanh Niên và các báo nói chung rất cần những cuộc thảo luận khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc như vậy. Cách rút tít, trình bày tin, bài của Thanh Niên cũng rất chuyên nghiệp.

Kỷ niệm riêng của tôi đối với Báo Thanh Niên gắn với loạt bài của nhà báo Lưu Quang Phổ về một hiện tượng tiêu cực trong đào tạo bị nhà trường phát hiện, xử lý. Đó là năm 1998, tôi đang làm Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trước lễ tốt nghiệp của lớp ĐH tại chức liên kết với một trường ĐH ở Hải Phòng, lãnh đạo trường nhận được điện thoại phản ánh hiện tượng tiêu cực xảy ra ở lớp tại chức này trong kỳ thi tốt nghiệp trước đó mấy tháng. Vì người gọi điện không xưng danh, lại không nêu rõ hiện tượng tiêu cực cụ thể là gì, nên lãnh đạo trường giao cho tôi căn cứ tình hình thực tế, toàn quyền xử lý. Bằng nhiều cách tìm hiểu khác nhau, ngay trong ngày về Hải Phòng chuẩn bị lễ tốt nghiệp, tôi đã cảm nhận được ở đây có vấn đề. Tôi quyết định dừng lễ tốt nghiệp. Sau đó, trong hàng tháng trời, tôi liên tục về Hải Phòng, gặp gỡ, động viên nhiều sinh viên nói ra sự thật, báo cáo nhà trường, tổ chức chấm lại toàn bộ bài thi và xử lý kỷ luật cán bộ, sinh viên vi phạm. Nhà báo Lưu Quang Phổ đã viết loạt bài phản ánh sự việc với thái độ khách quan, trung thực, động viên chúng tôi rất nhiều trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, lập lại kỷ cương trong đào tạo.

Năm 2002, tôi về nhận nhiệm vụ tại Quốc hội. Từ đây, bắt đầu sự gắn bó thường xuyên với Thanh Niên. Tới nay, tôi vẫn giữ nhiều bài báo cắt ra từ tờ Thanh Niên có trích đăng ý kiến tôi phát biểu từ những ngày đầu làm đại biểu Quốc hội. Thú thực, trên diễn đàn Quốc hội, tôi nhận thức như thế nào thì nói như vậy để đóng góp vào công việc chung, chứ cũng không nghĩ ý kiến mình được báo chí quan tâm và bạn đọc hưởng ứng. Sau này, trước nhiều sự kiện, Báo Thanh Niên thường phỏng vấn tôi. Nhiều bài được anh em, bè bạn hoan nghênh, nhưng tôi phải nói phần rất lớn quyết định thành công của các bài phỏng vấn đó là sự lựa chọn vấn đề và những câu hỏi rất thông minh của nhà báo.

Các cụ thường nói: "Tam thập nhi lập". Thanh Niên mới bước sang tuổi 26 mà từ lâu đã trở thành một trong những tờ báo có số lượng bạn đọc lớn nhất Việt Nam. Báo cũng có nhiều đóng góp trong việc tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa, trong hoạt động từ thiện.

Nhân kỷ niệm 25 năm ra số báo đầu tiên, tôi xin gửi đến ban biên tập, toàn thể các nhà báo, cán bộ kỹ thuật và nhân viên phục vụ, phát hành Báo Thanh Niên lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc Báo Thanh Niên đã mạnh mẽ, hấp dẫn, sẽ ngày càng mạnh mẽ, hấp dẫn hơn nữa.      

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết
(Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.