Trường THPT ngoài công lập tìm người học

07/04/2012 03:42 GMT+7

Do khó tìm được người học nên các trường THPT ngoài công lập (NCL) tại Hà Nội đang trong tình cảnh bấp bênh.

Do khó tìm được người học nên các trường THPT ngoài công lập (NCL) tại Hà Nội đang trong tình cảnh bấp bênh.

Trường tăng, học sinh giảm

Ông Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Q.Ba Đình, Hà Nội), chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: Xu thế phát triển không ổn định là thách thức lớn nhất của các trường NCL hiện nay.

 
Nhiều trường THPT ngoài công lập tại Hà Nội khó khăn trong tuyển sinh - Ảnh: Ngọc Thắng

Cách đây 3 năm, thời điểm mà Hà Tây và một vài huyện của Hòa Bình, Vĩnh Phúc đã nhập về Hà Nội, cả TP có 76 trường THPT NCL với gần 52.500 học sinh (HS). Năm học này, có 92 trường nhưng số HS chỉ có chưa đầy 38.000 em - giảm gần 28%. “Theo quy luật kinh tế thị trường, một số trường THPT NCL sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển mô hình?”, ông Lâm băn khoăn.

Hai trường THPT Ngô Sĩ Liên và THPT Đặng Tiến Đông cùng chung một chủ đầu tư và đều nằm trên địa bàn H.Chương Mỹ. Với 1 ha đất nhà nước giao cho mỗi trường, cả 2 trường xây được trên 60 phòng học kiên cố và trên 10 phòng học bán kiên cố, tổng số tiền đầu tư để xây dựng cơ bản của 2 trường lên tới 21,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, tương lai của 2 trường hiện rất bấp bênh khi nguồn HS để tuyển ngày càng èo uột. “Khi còn thuộc tỉnh Hà Tây, Trường Ngô Sĩ Liên có 29 lớp, nay về Hà Nội chỉ còn 17 lớp. Trường Đặng Tiến Đông còn thê thảm hơn, trước 24 lớp nay chỉ còn 5 lớp cả 3 khối” - ông Nguyễn Huy Chuyển - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Ngô Sĩ Liên ngậm ngùi.

Trường THPT An Dương Vương tọa lạc tại một khuôn viên rộng hơn 6.000m2 ở thị trấn Đông Anh. Cơ sở vật chất của trường khá khang trang, đạt chuẩn. Tuy nhiên, nếu trước đây trường có gần 1.300 HS thì kể từ khi Hà Nội mở rộng đến nay, mỗi năm trường giảm vài trăm và đến năm học này chỉ còn 578 HS - chưa bằng một nửa so với năm học 2008 - 2009.

Chồng chất khó khăn

Nhiều ý kiến cho rằng, việc những trường NCL có điều kiện cơ sở vật chất tốt, định hướng phát triển lâu dài nhưng vẫn không thu hút được HS trước hết vì không có nguồn tuyển.

Theo chủ trương khuyến khích xã hội hóa giáo dục của Hà Nội, năm 2010 cấp THPT có 40% HS học trong các trường NCL. Thực tế những năm qua, Sở GD-ĐT đều ưu ái khi giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập và điều này dẫn tới kết quả chỉ có 21,3% HS THPT đang học tại các trường NCL vào thời điểm này (năm 2012).

Hiện nay TP phân bổ định mức đầu tư cho các trường THPT công lập theo đầu HS với mức 4 triệu đồng/HS/ năm. Các trường THPT NCL không được hưởng chính sách này nên khi theo học ở những trường này, HS phải gánh chịu mọi chi phí học tập. “Con cán bộ công chức có điều kiện kinh tế, được quan tâm học hành thì hầu hết đều vào trường công lập. Con nông dân, những gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện kinh tế, không được bố mẹ quan tâm đến việc học hành phải vào học ở các trường NCL học phí cao” - ông Đỗ Văn Mạn - Hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương (Đông Anh) chia sẻ.

Trong thời gian tới, các trường NCL còn phải đối mặt với một khó khăn khác là từ nay đến năm 2015, dân số độ tuổi HS THPT sẽ giảm dần. Cùng với sự tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách để đạt chuẩn quốc gia, các trường THPT công lập phát triển mạnh mẽ, mà rõ nhất là việc giảm quy mô trường, lớp. Khi sĩ số HS/lớp ít đi, chất lượng dạy - học chắc chắn có sự cải thiện tích cực, khoảng cách giữa các trường công lập và NCL sẽ ngày càng rõ.

Cũng có một trở ngại khác đến từ chính các trường. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, 80% số trường THPT NCL trên địa bàn TP đang phải đi thuê, mượn địa điểm, giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS. Nỗi lo "an cư" còn chưa hết, các trường này khó có thể yên tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học để thu hút HS.

Ông Đoàn Hoài Vĩnh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, thừa nhận trong thời gian qua loại hình NCL ở cấp THPT chưa phát triển như các cấp mầm non, tiểu học, THCS. Tuy cho rằng nhiều trường còn hoạt động manh mún, 3-5 năm chưa ổn định được cơ sở vật chất, thế nhưng ông Vĩnh hứa hẹn lãnh đạo Sở sẽ bàn bạc, nghiên cứu đổi mới tuyển sinh, tìm cách tạo điều kiện cho các trường NCL không đến mức phải phá sản.

Quy mô phát triển nhanh

Tại TP.HCM, theo bà Nguyễn Thị Hồng Hải - nguyên Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, ở bậc tiểu học, trường công lập đa phần là tốt, có quận, huyện đáp ứng từ 80 - 100% nhu cầu HS học bán trú… Vì thế ngoài vài quận trung tâm như Q.1, Q.3 thì mô hình NCL bậc tiểu học không phát triển được. Chẳng hạn Trường tiểu học dân lập Lương Thế Vinh (Q.Tân Bình) và Trường tiểu học dân lập Hồng Ngọc (Q.Tân Phú) cũng rất khó khăn trong việc tuyển học sinh. Mỗi trường hiện nay chưa quá 50 HS.

Trong khi đó, bậc THPT có quy mô và tốc độ phát triển nhanh. Ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD-ĐT thông tin: Trường THPT NCL đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM vào năm 1990, đến nay toàn TP có 93 trường, bằng số lượng trường THPT công lập. Số HS đang học ở dân lập, tư thục chiếm khoảng 17% trong tổng số 211.000 HS của bậc học này. Từ 80 - 90% HS của hệ thống NCL là HS tỉnh thành khác.

B.Thanh

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.