Máy cắt lúa của Chính "rồ"

25/12/2007 14:07 GMT+7

Một anh nông dân trình độ mới lớp 7, nhưng đã tự mày mò sáng chế máy cắt lúa cải tiến khiến không ít người ngưỡng mộ.

"Ăn chung, ngủ chung với máy"

Tên anh là Nguyễn Kim Chính, ở thôn Đại n, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Mới đầu gặp, anh Chính nói một lèo: "Tui là nông dân một trăm phần trăm, làm ruộng từ khi tóc còn để chỏm, đến giờ vẫn còn làm. Nói thiệt mấy anh đừng chê, tui chỉ học tới lớp 7 rồi nghỉ vì không có tiền, sau đó đi lao động kinh tế mới ở nông trường...". Rồi anh Chính khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với những sáng kiến lạ hoắc của mình. Cứ ngỡ ít học, ở làng quê nghèo thì sẽ khó vươn lên, nhưng với anh Chính lại khác. Thành quả từ những năm tháng miệt mài cải tiến máy móc đã giúp anh trở thành một "đại gia" ở Đại n. Anh dùng điện thoại xịn, đi xe máy mới toanh, cửa nhà rộng rãi, tiện nghi sinh hoạt chẳng thua kém gì người thành phố.

Sản phẩm mà anh Chính cải tiến rất thành công là máy gặt lúa rải hàng. 10 năm trước, khi lập gia đình rồi về quê nhà sinh sống, thấy công việc đồng áng cực nhọc, anh nghĩ đến việc "phải làm một cái gì đó để giải phóng sức lao động". Các công đoạn làm lúa nước lúc ấy đã có sự can thiệp của máy móc công nghiệp. Ngặt nỗi là chiếc máy cắt lúa khi mua về lại bỏ không, vì tính năng hạn chế, không sử dụng được trên đám ruộng sình lầy của quê anh. Thấy quá lãng phí, anh Chính mạnh dạn "tuyên bố" là sẽ cải tiến máy để cắt lúa cho vợ đỡ vất vả và giúp bà con chòm xóm đỡ cực. Bước đầu anh cải tiến máy cắt lúa ruộng khô "kiêm" luôn cắt ruộng ngập nước, sình lầy; rồi từ cắt ban ngày sang cắt được cả ban đêm; từ không có chỗ ngồi điều khiển, anh làm luôn khung sườn để người điều khiển không... đụng chân xuống nước; từ một cục sắt đi đâu cũng cần xe chở, thì máy của anh chạy được trên nhiều địa hình...

Chiếc máy đa năng của anh Chính có thể cắt lúa trên nhiều địa hình ruộng sình lầy, ngập nước, lúa ngã đổ với tốc độ 12-15 phút/sào nhờ các bộ phận sáng chế chính yếu: hệ thống sên rút nhau, bánh hơi gắn vào mâm sắt 8 lá; bánh xe máy được thay bằng bánh rùa hơi... Những sáng chế này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận quyền sở hữu tác giả.

Anh Chính mê cải tiến máy móc đến mức vợ con "nhức cả đầu". Anh lý giải với vợ: "Mỗi người có hứng làm việc khác nhau. Nếu anh không mày mò máy móc mà hôm nào cũng đi hát karaoke trên thị trấn thì em chịu có thấu không?". Thế là suốt ngày anh cặm cụi với việc cưa cắt ống sắt, sên, lốp..., thậm chí đến bữa cơm cũng không chịu ăn. Khuya vẫn còn chong điện thức làm loảng xoảng. Người anh liên tục sụt ký vì "ăn chung, ngủ chung với máy". Có người nghĩ chắc anh này bị rồ nên cứ làm những chuyện đâu đâu. Nhưng chuyện đâu đâu ấy của Chính "rồ" nay đã trở thành một thương hiệu tiếng tăm. Anh thật thà: "Tui chỉ rành được mấy thứ linh tinh, chứ nói đến chuyện khác thì bó tay".

Xây dựng thương hiệu Kim Chính

Chiếc máy cải tiến đầu tiên anh Chính làm ra để dành tặng vợ. Đến mùa đem ra đồng "khoe" với bà con, ai mua lại cũng không chịu bán. Đám ruộng 5 sào của anh chỉ trong 1 giờ đồng hồ đã được dọn sạch sẽ. Nhiều người nhìn thấy mà thèm! Tiếng lành đồn xa, nông dân tìm đến đặt hàng. Anh Chính kể, thấy có anh bạn xã bên cạnh mua về cắt lúa hiệu quả, giá rẻ bất ngờ nên mấy người cắt máy cũ cạnh tranh không lại cũng dò hỏi để mua. Đơn đặt hàng có khi làm không xuể. Mấy năm nay bán được gần 200 cái, không chỉ cho nông dân tỉnh nhà mà còn ở các tỉnh: Gia Lai, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bạc Liêu...

Để giải quyết việc làm cho thanh niên trong xã thì cần phải mở rộng quy mô sản xuất. Nghĩ là làm, anh Chính hùn hạp với một "đại gia" khác thành lập Công ty TNHH Kim Chính. Về mặt thủ tục xem như đã xong, nhưng sự hợp tác lại "đứt gánh giữa đường". Lý do đơn giản vì nhà khoa học chân đất và "đại gia" không tìm được tiếng nói chung. Theo anh Chính thì đối tác muốn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, còn anh thì cho rằng chất lượng là trên hết. "Làm gì cũng phải giữ chữ tín chứ. Thương mại thì thương mại, nhưng không thể đánh mất thương hiệu được. Tui nghĩ được như vậy mới bền. Hôm mấy anh trên tỉnh nghe tui ngừng liên kết có điện thoại xuống động viên, nói là cứ giữ giấy tờ thành lập công ty, lúc nào có đối tác mới thiện chí thì hoạt động", anh Chính cho biết.

Với chiếc máy gặt lúa cải tiến đa năng, anh Chính được tham quan nhiều vùng đất mà lâu nay anh "chỉ biết qua ti vi". Năm nào anh cũng mang máy đi triển lãm ở các hội chợ thiết bị công nghệ ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Mới đây, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã công nhận anh Nguyễn Kim Chính là "Điển hình sáng tạo Việt Nam". Bên cạnh đó, anh còn vinh dự nhận hàng chục bằng khen sáng tạo của các bộ ngành, Trung ương Đoàn và UBND tỉnh Bình Định...

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.