Những chiếc bánh mang hồn quê đi xa

28/11/2008 10:32 GMT+7

Nói tới Phú Hòa Đông ở huyện Củ Chi (TPHCM), người ta nghĩ ngay tới nghề sản xuất bánh tráng truyền thống với những tấm phên phơi bánh tráng trắng mướt, trong nắng mai. Bức tranh quê ấy đã làm xôn xao lòng thương nhớ quê nhà của bao người Việt xa quê… Những tấm bánh tráng trong veo ấy đã làm nên hồn quê trong những bữa cơm ngày tết của những người Việt sống xa quê.

Giấc mơ

Ở tuổi “tứ thập bất hoặc”, Lê Phương Thanh vẫn trốn chuyện cưới vợ. Cha mẹ mất sớm nên Thanh và hai chị gái nương nhau đắp đổi qua ngày nhờ lò bánh tráng thủ công của mẹ để lại. Hàng ngày, chị em Thanh miệt mài bên lò lửa để làm bánh tráng kiếm sống, khi lượng bánh tráng của họ dôi ra nhiều thì Thanh nghĩ đến việc mua gom bánh tráng của cô bác chòm xóm chở xuống bỏ mối ở các chợ Sài Gòn.

Hàng ngày tiếp xúc với bạn hàng bán lẻ bánh tráng ở các chợ, Thanh hiểu thêm ý khách hàng và hiểu thêm cách đánh giá các loại bánh tráng. Nhìn những xấp bánh tráng trong, mềm mại nằm “xếp lớp” trong các sạp, bánh tráng vùng Phú Hòa Đông vẫn không mất đi vẻ duyên dáng, mềm mại của những miếng bánh tráng tròn “quấn ngang mình” miếng lá chuối, duyên dáng. Càng yêu sản phẩm quê hương bao nhiêu, Thanh càng trăn trở với nghề bấy nhiêu.

Trời còn tối mờ mờ, bếp lò bánh tráng nhà Thanh đã đỏ lửa. Nhìn chị gái người nhễ nhại mồ hôi từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều, Thanh thấy như bóng mẹ mình thấp thoáng bên bếp lửa cùng chị em anh. Tráng liên tục 12 giờ liền mới được 10 kg bánh, nghĩ lại Thanh thấy thương mẹ, thương chị biết dường nào. Và anh mơ ước có tiền sẽ cơ giới hóa khâu tráng bánh cho chị đỡ cực. Nghĩ vậy thôi chứ anh đành bất lực nhìn vì cả năm vừa tráng bánh vừa chạy bỏ mối khắp nơi, Thanh tích góp mãi chưa đầy 15 triệu đồng.

Trong lúc đang trăn trở tìm đường thực hiện ước mơ cơ giới hóa nghề tráng bánh thì anh nghe tin có một công ty tuyển dụng người đưa đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc). Chưa biết sang đó làm công việc gì nhưng Thanh quyết đi xa để mơ về một tương lai sáng hơn cho gia đình mình. Thanh động viên hai chị đồng ý để anh đi và vay hộ 70 triệu đồng cho anh làm thủ tục đăng ký đi xuất khẩu lao động. Sang Đài Loan, Thanh được đưa vào làm tại một cơ sở sản xuất giấy in với nghề lái xe nâng hàng?!
 
Lê Phương Thanh (đứng) đang hướng dẫn công nhân làm bánh tráng xuất khẩu

Chưa lái xe bao giờ, nhưng Thanh vẫn cố học thật nhanh và Thanh đã làm liều vận hành xe chuyên dụng “theo cách nghĩ” của anh để khỏi bị đuổi việc. Thanh hiểu nếu để đuổi việc về nước thì gia đình anh còn khó khăn ngàn lần bởi công nợ ngập đầu, không thể trả nổi. Sau vài lần quan sát và được tài xế cũ hướng dẫn tỉ mỉ, Thanh bặm gan cầm vô lăng điều khiển xe chuyên dụng nâng những cuộn ru-lô giấy nặng hàng trăm ký, và anh đưa được chúng vào nơi an toàn. Thanh kể: “Một lần em quay đầu xe bất ngờ ủi vô bờ tường đâm thủng một lỗ lớn, may mà đạp chân thắng kịp nếu không cả người và xe lao từ lầu 4 xuống đất”.

Công việc vất vả nhưng Thanh vẫn đau đáu chờ ngày trở về với bếp lửa và hai người chị thân yêu nên Thanh đăng ký tăng ca lên 16 giờ/ngày lao động, nhờ đó mỗi tháng anh nhận được 1.000 USD tiền lương. Tiền lương làm ra Thanh chỉ giữ lại một phần dùng chi xài, số còn lại gởi về cho hai chị trả nợ và gửi tiết kiệm giúp. Năm 2002, sau 3 năm lao động ở Đài Loan trở về các chị của Thanh không chỉ trả xong nợ mà Thanh còn “lận lưng” hơn 80 triệu đồng, đủ để anh thực hiện ước mơ của người làng nghề.

Và hiện thực...

Thanh vẫn nung nấu ý tưởng mở rộng cơ sở sản xuất bánh tráng sau khi đi hợp tác lao động trở về. Nghe chuyện anh thanh niên gắn bó với nghề truyền thống quê hương, Hội Nông dân Phú Hòa Đông bảo lãnh cho Thanh vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn “giải quyết việc làm”.

Cầm trong tay số tiền hơn 100 triệu đồng, Thanh bắt tay ngay vào việc xây dựng một nhà xưởng rộng 216 m², đầu tư thêm 9 lò tráng bánh thủ công và nhận 15 lao động có tay nghề ở địa phương vào làm. Tháng đầu xưởng bánh tráng của Thanh đạt năng suất 400 kg sản phẩm/tháng. Hai chị của Thanh không trực tiếp tráng bánh mà cùng với Thanh đi bỏ mối hàng ở các chợ.

Chạy vòng vèo ngoài phố mà Thanh mơ về một ngày nào đó, bánh tráng quê anh sẽ đi xa. Năm 2005, TPHCM có chủ trương phục hồi và phát triển làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Thanh xin gia nhập “HTX làng nghề” và cùng HTX xây dựng thương hiệu “Cô gái tráng bánh”. Thanh mạnh dạn lập dự án vay 150 triệu đồng của ngân hàng để mở rộng và nâng cấp nhà xưởng lên gần 300m² rồi lắp đặt dây chuyền tráng bánh bằng máy công suất 700 kg/ngày với 24 công nhân. Phần sản phẩm làm ra của chị em Thanh được HTX bao tiêu phục vụ xuất khẩu, số còn lại chị em Thanh vẫn tiếp tục chia nhau đi bỏ mối ở các chợ. Xưởng bánh tráng của chị em Thanh làm ăn ngày một khấm khá hơn.

Năm 2008, có đoàn khách nước ngoài đến tham quan xưởng và dùng thử bánh tráng của Lê Phương Thanh. Hai trong số nhiều khách hàng đến tham quan xưởng bánh tráng là người Pháp và Hàn Quốc. Thanh loay hoay với việc thiết kế bao bì sản phẩm của mình theo yêu cầu của khách hàng Hàn Quốc và Pháp. Hai khách hàng khó tính đến xưởng bánh tráng của Thanh để kiểm tra chất lượng bánh, đánh giá an toàn vệ sinh thực phẩm và kỹ thuật đóng gói ngay tại nơi sản xuất, trước khi bánh tráng của anh được xuất khẩu.

Đầu quý 3-2008 Thanh đã ký được hợp đồng xuất 60 tấn bánh tráng của Củ Chi sang thị trường Hàn Quốc và Pháp. Nhìn những thùng bánh tráng của Phú Hòa Đông mang thương hiệu “Cô gái tráng bánh” đã vượt khỏi vùng đất quê nhà đi thật xa, Thanh cảm thấy bồi hồi khi nghĩ tết này “Cô gái tráng bánh” Phú Hòa Đông sẽ góp phần tạo nên nét xuân quê hương cho bà con Việt Nam nơi xứ người.
 

Theo Khuynh Hiệp/ SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.