Sao để trẻ phải tử vong vì nhà trẻ tư nhân?

12/04/2014 12:20 GMT+7

Những vụ lùm xùm về bảo mẫu hành hạ trẻ em đã xảy ra ở một số tỉnh thành, không phải mới đây mà từ nhiều năm qua...

Những vụ lùm xùm về bảo mẫu hành hạ trẻ em đã xảy ra ở một số tỉnh thành, không phải mới đây mà từ nhiều năm qua. Gần đây nhất là vụ xét xử tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức (TP.HCM) với bản án 3 năm tù giam cho các bảo mẫu: Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý…

 
Hai bị cáo Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý trong vụ "bảo mẫu ở Thủ Đức, TP.HCM bạo hành trẻ" khóc trước vành móng ngựa trong khi tòa tuyên án - Đào Ngọc Thạch

Phiên tòa ấy có đến hàng ngàn người dân dự khán. Hội trường không đủ chỗ, ti vi bố trí bên ngoài cũng không đủ. Tòa án phải cần đến loa phóng thanh để đáp ứng. Ngoài ra còn có hàng triệu người theo dõi sát sao vụ án qua các phương tiện truyền thông khác. Tất nhiên lý do để lý giải cho số lượng người dân đến dự khán và theo dõi phiên tòa lưu động này không lạ.

Gần đây Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM có công văn thanh tra toàn diện các cơ sở nuôi dạy trẻ.Việc làm này tuy có hơi muộn nhưng là một động thái tích cực của cơ quan chủ quản trước thực trạng chưa tốt của các cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân. Câu chuyện về bảo mẫu và bé cứ tưởng sẽ tốt hơn lên...

Nhưng mới đây, ngày 11.4, không phải ở TP.HCM mà ở Nha Trang, một bé 20 tháng tuổi đã tử vong tại một nhà trẻ tư nhân không phép, theo các phương tiện truyền thông.

Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, học hành là ngoan... Cách nay hơn 70 năm, Bác Hồ đã cho thấy sự quan tâm chăm sóc trẻ em phải là như vậy. Ngày nay xu hướng chung của gia đình và xã hội cũng như thế. Cái gì “nhất” là phải thuộc về các cháu.

Thế mà ở trường để học hành cho ngoan, vẫn còn các cháu bị bảo mẫu hành hạ...

Người ta có thể viện dẫn 1001 lý do để nói rằng, tại nhà nước không đủ trường lớp, giáo viên cho trẻ; tại các bảo mẫu giữ trẻ tự phát không qua trường lớp đào tạo, thiếu chuyên môn, thiếu lòng thương yêu trẻ; tại các cơ quan chức năng chuyên môn chưa làm hết nhiệm vụ của mình… và tại cả tham nhũng nữa! Nhưng khi bàn đến những lý do này người ta không nghĩ tới vấn đề sẽ được giải quyết trong một thời gian nhanh nhất trong khi tại các đô thị lớn số trường lớp công lập dành cho trẻ tăng theo cấp số cộng mà số lượng trẻ lại tăng theo cấp số nhân do sự di dân kinh tế từ các tỉnh lẻ vào ngày càng gia tăng.

Bản án đã tuyên, bị can suy sụp và hoảng loạn tinh thần ngay trước vành móng ngựa. Nhìn thấy hình ảnh này có người tặc lưỡi than: “Tội nghiệp, chỉ vì một phút nông nổi mà phải chịu cảnh tù đày!”. Cũng có người thẳng thừng phê phán: “Cần phải có những bản án nghiêm (tôi nói nghiêm là đúng người đúng tội, chứ không nói xử nặng) như thế này để làm gương cho các bảo mẫu”.

Riêng tôi, tôi nghĩ rằng, vụ việc đã xảy ra không như mong muốn của nhiều người ở nhà trẻ Phương Anh đã đưa đến hệ lụy dài lâu là sự tổn thất cả về hai phía. Trẻ em bị xâm hại bị tổn thương về cả vật chất lẫn tinh thần, hai bảo mẫu phải trả giá cho hành vi trái đạo đức, trái pháp luật của mình. Tuy vấn đề đã được giải quyết nhưng liệu rồi đây bản án thị uy này có hiệu lực “làm gương” cho các bảo mẫu khác không? Liệu cha mẹ có yên tâm hơn khi tiếp tục gởi con mình vào nhà trẻ, trường mầm non tư thục không?

Tôi xin mạo muội đưa ra các ý kiến khả dĩ khắc phục được những tình huống không mong muốn xảy ra giữa bảo mẫu và trẻ em.

Hình thành nhân cách trẻ

Không phải 100 gia đình không giáo dục nhân cách cho trẻ đều có trẻ có vấn đề về nhân cách, nhưng trong 100 trẻ có vấn đề về nhân cách thường ở trong những gia đình thiếu sót việc giáo dục nhân cách ngay từ lúc còn bé, do vậy việc sớm rèn luyện nhân các cho trẻ xem ra rất quan trọng.

Ông bà ta thường nói: “Dạy con dạy thuở còn thơ”. Thỏa mãn những nhu cầu ăn mặc, học hành, vui chơi là niềm vui và hạnh phúc của các bậc làm cha mẹ. Nhưng trong thực tế, khi được thỏa mãn những nhu cầu cần thiết trẻ cảm thấy mình được nuông chìu, nên từ đó có khuynh hướng đòi hỏi những nhu cầu mới, đôi khi không cần thiết, thậm chí bất hợp lý và tai hại nữa.

Trong những trường hợp như thế lẽ tất nhiên cha mẹ không làm gì khác hơn là từ chối. Đối với trẻ, chúng không dễ dàng gì chấp nhận sự từ chối của cha mẹ khi mà ý thức được nuông chiều và sự nhượng bộ của cha mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức và đã trở nên một tiền lệ.

Cha mẹ phải làm gì khi trẻ hãy “còn thơ”?

Trước hết, khi đứa trẻ đến tuổi lên năm lên ba cha mẹ cần thiết phải cẩn trọng lời nói, không được buột miệng hứa đùa khi chưa suy nghĩ chín chắn và chưa có cơ sở. Trong thực tế một số cha mẹ vì để được việc nên có thói quen dỗ dành trẻ bằng những câu đại loại như: hôm nay con đi học một mình nhé! Ngày mai mẹ sẽ đưa con đi chợ mua đồ chơi hoặc chủ nhật tuần tới ba sẽ đưa con đi xem hát… và cha mẹ rất dễ dàng quên đi; nhưng với trẻ, chúng sẽ luôn ghi nhớ và rất mong đợi những lời hứa đó. Trẻ sẽ nhắc lại bất cứ lúc nào và cha mẹ rất dễ dàng bị động và trở nên thất hứa. Chỉ một lời hứa vô tình mà người lớn đã đánh mất lòng tin của trẻ.

Thứ hai là phải kiên quyết không nhượng bộ đối với trẻ. Khi một đòi hỏi nào của trẻ mà cha mẹ thấy cần thiết không thực hiện và đã nói “không” thì phải dứt khoát. Trong trường hợp trẻ có vòi vĩnh, làm nũng thậm chí có khóc la, gào thét đòi cho bằng được… cha mẹ cũng phải tìm mọi cách giải thích an ủi dỗ dành, không được nhượng bộ nửa chừng, cũng không nên dùng lời quát mắng, roi vọt để trấn áp trẻ. Thực tế cho thấy rằng, nếu cha mẹ đã kiên quyết từ chối một đôi lần với những đòi hỏi không chính đáng của trẻ, tự khắc những lần sau trẻ sẽ ngoan ngoãn nghe lời. Ngược lại, trẻ sẽ lợi dụng ngay điểm yếu này của cha mẹ để tiếp tục đòi hỏi những lần tiếp theo.

Thứ ba là phải giải thích cho trẻ hiểu biết và quý trọng giá trị đồng tiền. Trẻ thường có thói quen đòi hỏi mua sắm bởi chúng chẳng hiểu giá trị đồng tiền. Cha mẹ phải giải thích cho chúng hiểu rằng đồng tiền có được là do công sức lao động của con người, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng có... Ví dụ, khi chọn một cây viết ta cũng nên nói với trẻ: “Cây viết kia tuy đẹp nhưng đắt quá! Con nên chọn cây này nó cũng bền nhưng lại rẻ hơn và như vậy con đã tiết kiệm được một ít tiền để dùng vào việc khác”. Sự so sánh mang tính tiết kiệm này còn tạo cho trẻ thói quen không tranh đua vật chất với bạn bè. Và cũng trong ý thức này, cha mẹ đừng bao giờ nói rằng: “Để mẹ mua cho con cái khác đẹp hơn” khi trẻ có ý thèm muốn món đồ nào đó của bạn. Câu nói này vô tình hay cố ý tạo cho trẻ thói đua đòi ganh tị.

Thứ tư là phải giải thích cho trẻ biết lý do khi nhận được quà tặng của cha mẹ. Ngoài nhu cầu ăn mặc, vui chơi… để khuyến khích việc học hành cho trẻ bằng quà tặng, cha mẹ cũng nên nói rõ lý do. Ví dụ như: đây là quà tặng cho con được nhiều điểm 10… đây là quà tặng con được đạt giỏi học kỳ 1… Cần tránh tiện tay mua sắm một món quà gì cho trẻ mà xét ra không cần thiết nhân một chuyến du lịch chẳng hạn. Món quà tiện tay này chẳng những không giúp trẻ có một ý thức tốt nào mà còn tạo cho trẻ một thói quen mua sắm tùy tiện.

Và cuối cùng các bậc cha mẹ đừng bao giờ tiết kiệm lời giải thích với trẻ khi trẻ thất vọng vì ta không thỏa mãn một yêu cầu nào đó. Cũng nên chú ý, lời giải thích sao cho phù hợp với từng lứa tuổi và dễ hiểu để trẻ tiếp thu được. Ở lứa tuổi lên 3, 4 nếu trẻ có thói quen ăn nhiều kẹo thì ta giải thích ăn kẹo nhiều sẽ bị đau bụng và hư răng. Nếu chúng thích những món đồ chơi súng đạn, cha mẹ giải thích: đồ chơi này nếu đạn trúng vào sẽ làm cho mù mắt thay vì nói: con không nên chơi vì nó mang tính bạo lực.

Lòng yêu nghề

Có yêu nghề mới chết sống vì nghề, mới yêu được trẻ. Thật ra không dễ để có phẩm chất này khi nghề bảo mẫu được hình thành là do yếu tố kinh tế. Vào trường lớp không phải trẻ nào cũng được cha mẹ giáo dục nhân cách sớm. Ở lứa tuổi này các cháu luôn có sự khiếm khuyết về nhân cách và đó chính là lý do đòi hỏi bảo mẫu phải có những phẩm chất tốt đẹp để vừa dạy dỗ vừa hoàn chỉnh nhân cách các cháu.

Tôi có một cháu gái hiện là bảo mẫu ở một trường công lập. Những chuyện về trẻ mà tôi được nghe cháu kể lại có lúc phải dở khóc dở cười.

Mới về nhận nhiệm sở được vài hôm, cháu bị ngay một bé đi đại tiện tại chỗ trong giờ sinh hoạt. Cháu thú thật là vì chưa có gia đình nên chuyện làm vệ sinh cho trẻ cháu rất sợ, dù vậy cháu vẫn hoàn thành công việc của mình với tình yêu thương của người mẹ và sau đó không quên ân cần dặn dò: “Lần sau nếu có…thì con… gọi cô”. Từ đó về sau bé không còn  tình trạng đó nữa. Cháu tôi nói: “Đây là một bài học về lòng yêu nghề mến trẻ”.

Một lần khác khi nghe tiếng sấm một bé vội chạy đến ôm chân cháu vừa khóc vừa nói: “Con sợ lắm cô ơi cô ôm con đi; cô không ôm, con về nói lại với mẹ thì mẹ… không cho tiền cô nữa!? Cháu nói với tôi, khi nghe bé nói như vậy, vì lòng tự trọng cháu muốn bỏ nghề ngay tức khắc! Tất nhiên lỗi này không do bé mà do cha mẹ bé thiếu cẩn trọng với con.

Nghề bảo mẫu cũng như bao nhiêu nghề khác trong xã hội, nhưng con người bảo mẫu phải hội đủ những phẩm chất cao đẹp mà một người bình thường khó có được như lòng yêu nghề mến trẻ, sự tìm hiểu, quan tâm sâu sắc đến từng đối tượng (trẻ em), lòng khoan dung độ lượng, tha thứ và ngay cả… sự hy sinh nữa!

Nếu vì nắm bắt được nhu cầu bức thiết của các bậc làm cha mẹ đối với con cái mà “nhà nhà thi đua mở nhà trẻ, người người thi đua làm bảo mẫu” để sinh lợi thuần túy thì chuyện xảy ra không mong đợi giữa bảo mẫu và trẻ là khó tránh được. 

                                                                                                     Nguyễn Minh Út *

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang hiện sống và làm việc tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An

>> Hàng ngàn người theo dõi xử 2 bảo mẫu hành hạ trẻ em
>> Video: Phiên xét xử lưu động hai bảo mẫu hành hạ trẻ em
>> Hôm nay xét xử 2 bảo mẫu hành hạ trẻ em
>> Sắp xét xử bảo mẫu hành hạ trẻ em

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.