Sốt rét có thể quay lại

16/03/2012 11:02 GMT+7

Ở nhiều tỉnh phía Nam, muỗi An.Epiroticus tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng, dẫn đến nguy cơ cao bệnh sốt rét quay trở lại. TS-BS Lê Thành Đồng nói rõ hơn về vấn đề này.

Ở nhiều tỉnh phía Nam, muỗi An.Epiroticus tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng, dẫn đến nguy cơ cao bệnh sốt rét quay trở lại. TS-BS Lê Thành Đồng nói rõ hơn về vấn đề này.

* Phóng viên: Theo số liệu báo cáo thì so với trước đây, số ca mắc và tử vong vì sốt rét hiện đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại sốt rét quay trở lại?

- TS-BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM (Bộ Y tế): Xu hướng chung qua nhiều năm thì so với trước đây, bệnh sốt rét đã giảm rất nhiều. Nhưng sốt rét có thể quay trở lại, đặc biệt là ở các nước nghèo, các vùng kinh tế khó khăn, thuận lợi cho sốt rét tồn tại và phát triển nếu chúng ta không giải quyết được các yếu tố chuyên môn kỹ thuật như ký sinh trùng kháng thuốc, muỗi truyền bệnh kháng hóa chất. Thêm vào đó là các yếu tố về tính chất lao động, canh tác, tập quán sinh hoạt của các quần thể dân cư liên quan nhiều đến nguy cơ mắc bệnh.


Cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM làm xét nghiệm điều tra ký sinh trùng sốt rét ở tỉnh Bình Phước 

* Hiện địa phương nào ở nước ta xuất hiện các nguy cơ cao như vậy?

 

- Khu vực Nam Bộ và tỉnh Lâm Đồng đều hội đủ các yếu tố như vậy. Thêm vào đó, hiện nay, P.falciparum là loại ký sinh trùng chiếm đa số ở phía Nam nước ta, gây sốt rét ác tính và tử vong đã xuất hiện kháng với thuốc điều trị đặc hiệu artemisinin, được phát hiện lần đầu tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, muỗi An.Epiroticus - một véc tơ (tác nhân) truyền bệnh sốt rét chính ở khu vực ven biển Nam Bộ - cũng đã kháng với các hóa chất đang được sử dụng hiện nay trong chương trình phòng chống sốt rét. Kết quả nghiên cứu của viện chúng tôi qua các năm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Bến Tre… cho thấy muỗi An.Epiroticus đều đã tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng. Với sự giao lưu lớn, đa dạng và phức tạp, với sự xuất hiện của ký sinh trùng kháng thuốc, côn trùng truyền bệnh kháng hóa chất ở khu vực, việc phòng chống sốt rét trở nên khó khăn, phức tạp.

Việc dân di cư tự do lớn lại không khai báo với chính quyền nơi đến cũng như nơi đi và lại thường ở trong rừng, xa cơ sở y tế nên y tế địa phương khó có kế hoạch bảo vệ. Hơn nữa, ở một số địa phương, cơ chế quản lý của chính quyền, hỗ trợ y tế trong phòng chống sốt rét cho đối tượng di dân tự do, bảo đảm mọi đối tượng đều được phòng chống sốt rét đã không thực hiện được.

Cụ thể, các vùng sốt rét lưu hành nặng như ở Bình Phước - có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc xảy ra - là nơi có hiện tượng di dân biến động  lớn nhất hiện nay. Hầu như dân từ mọi miền đất nước đều có mặt ở khu vực này. Các nhóm dân này thường không khai báo nơi đi, nơi đến nên không được lập kế hoạch bảo vệ, phòng chống sốt rét. Đây cũng là nhóm có tỉ lệ mắc sốt rét cao nhất. Ký sinh trùng từ những đối tượng này có thể di chuyển đến nơi khác nếu chúng ta không giám sát, quản lý, điều trị.

 

109 nước có sốt rét lưu hành

Trên thế giới hiện có 109 nước có sốt rét lưu hành, hằng năm có khoảng 300-500 triệu người mắc và hơn 1 triệu người tử vong vì sốt rét. Ở Việt Nam, từ đỉnh cao là năm 1991 (144 vụ dịch sốt rét) thì nhiều năm qua không còn xảy ra dịch. Số bệnh nhân sốt rét từ trên 1 triệu người năm 1991, nay chỉ còn khoảng 50.000 người/năm; số người tử vong từ 4.646 trường hợp, nay chỉ còn vài chục. Phạm vi lưu hành bệnh đã thu hẹp, tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

* Vậy chúng ta cần làm gì để chủ động trước các nguy cơ trên?

- Với tình hình như đã nêu trên, đòi hỏi công tác phòng chống sốt rét ở nước ta phải quyết liệt hơn để vừa thực hiện các mục tiêu giảm mắc, giảm tử vong do sốt rét vừa ngăn chặn và loại trừ ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Cụ thể, cần khống chế, ngăn chặn sự gia tăng sốt rét thuộc các vùng trọng điểm như Bình Phước và một số điểm khác ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai; giám sát, ngăn chặn không để sốt rét quay trở lại ở các địa phương không còn sốt rét lưu hành hoặc vùng sốt rét đã giảm thấp; ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc, sử dụng hóa chất mới thay thế hóa chất hoặc biện pháp phòng chống muỗi đang sử dụng hiện nay ở khu vực ven biển Nam Bộ.

Theo tôi, với tình hình sốt rét dai dẳng ở các vùng có điều kiện như trên, cùng với sự giao lưu, nếu chúng ta không kiểm soát, không tăng cường bảo vệ thành quả sau bao nhiêu năm đầu tư, phấn đấu đẩy lùi được sốt rét; không giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh ở những vùng sốt rét đã giảm hoặc nhiều năm không có sốt rét nội địa thì sẽ khó tránh khỏi các vụ dịch và như tôi đã nói, sốt rét có thể trở lại. Điển hình trong thời gian gần đây, sốt rét đã gia tăng ở Bình Phước hay một số vụ dịch xảy ra ở Tuy Phong (Bình Thuận), huyện Nhà Bè (TPHCM).

* Những việc nào cần làm để ngăn nguy cơ dịch sốt rét bùng phát trở lại, thưa ông?

- Ngoài các yếu tố về ký sinh trùng, côn trùng, môi trường của các nhóm dân cư đặc thù nêu trên thì vấn đề quản lý, phòng chống bệnh là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là đội ngũ làm công tác phòng chống sốt rét. Chúng ta cần tiếp tục đầu tư nhân lực, vật lực; tăng cường các biện pháp phòng chống sốt rét gia tăng ở các vùng từng là trọng điểm sốt rét, ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc; giám sát, phát hiện sớm và điều trị, xử lý ổ dịch kịp thời.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.