Jerusalem, Bờ Tây và Dải Gaza những điều chưa kể

26/12/2006 15:08 GMT+7

Tuần qua phóng viên Thanh Niên có mặt tại những điểm nóng nhất của thế giới ở Trung Đông, đúng lúc những cuộc xung đột của hai phong trào Fatah và Hamas lên đến đỉnh điểm, có những ngày hai bên đã đọ súng trực tiếp ngay trên đường phố, các cuộc bạo lực đẫm máu diễn ra làm chết và bị thương đến vài chục người.

Đến thánh địa Jerusalem

Nhóm phóng viên Việt Nam chúng tôi đặt chân đến Tel Aviv rạng sáng 17.12 theo lời mời của Bộ Ngoại giao Israel, theo dự kiến chúng tôi sẽ được đi thị sát khu Bờ Tây, đến Dải Gaza bằng trực thăng lên thẳng, nhưng trước hết là đến thành phố thánh địa Jerusalem được coi là tương đối yên tĩnh và an toàn hơn.


Bức tường than khóc, phần còn lại duy nhất của ngôi đền thứ hai linh thiêng đối với Do Thái giáo
Tuy nhiên tình hình ở đây theo thông báo khi chúng tôi đến khá căng thẳng, tại Dải Gaza và khu Bờ Tây hai phe Hamas và Fatah của Palestine bất ngờ xung đột dữ dội, rocket từ Dải Gaza liên tục bắn vào thành phố Sderot, biên giới với Israel hầu như hàng ngày và điều này sau này chính mắt chúng tôi được chứng kiến trực tiếp.

Sau khi trải qua nhiều cuộc “tra tấn” về kiểm tra an ninh, ngay khi xuống phi trường Ben Gurion, một chiếc xe đặc chủng Ford E 350  của Bộ Ngoại giao Israel đã chờ sẵn và chở chúng tôi lao qua Tel Aiv xuống thẳng Jerusalem cách đó 1 tiếng đồng hồ bằng xe chạy.

Chiếc xe Ford chở chúng tôi là loại xe từng dùng chở Cựu Tổng thống Clinton đến Việt Nam hồi đầu tháng qua và đã đi theo chúng tôi suốt cả cuộc hành trình khi ở Israel.

Khác hẳn thủ đô Tel Aviv nhộn nhịp và sôi động, lúc chúng tôi kịp nhìn thấy vào buổi sáng, Jerusalem là một thành phố cổ kính và  có lịch sử lâu đời, không có những tòa nhà chọc trời và tương đối yên tĩnh với những khu dan cư nằm trên các ngọn đồi bao bọc thành phố.

Jerusalem là vùng đất nằm sâu trong Khu Bờ Tây, là thành phố linh thiêng nhất của người Do Thái, và có ý nghĩa đặc biệt với đạo Cơ đốc và đạo Hồi. Từ năm 1948 đến 1967, phần phía Tây của Jerusalem được quản lý bởi Israel như thủ đô của đất nước, trong khi phía Đông Jerusalem được quản lý bởi Jordan.

Thành phố hợp nhất lại bởi thắng lợi của Israel trong “Cuộc chiến sáu ngày”, tuy nhiên địa vị của thành phố vẫn bị tranh chấp đặc biệt là phía Đông Jerusalem, và trước mắt chúng tôi có thể thấy hiện trạng của nó là các khu người Ả rập và người Do Thái sống xen kẽ nhau trên từng khu phố rất khó phân biệt.

Luật của Israel từ năm 1980 tuyên bố Jerusalem như “thủ đô vĩnh viễn”, không bị chia cắt của Israel. Đối với người Israel thì Jerusalem là thủ đô của họ nên chị Roley Horowitz hướng dân viên của Bộ ngoại giao Israel đi theo đoàn chúng tôi nói rằng Chính quyền quyết định đặt tất cả các tòa nhà chính phủ, các quan chức chính quyền đều ở đây để thể hiện chủ quyền của họ. Trong lúc đó LHQ, và cộng đồng quốc tế lại đặt tất cả các cơ quan ngoại giao và đại diện nước ngoài ở Tel Aviv, ngay cả Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Với số dân khoảng 1 triệu người, Jerusalem là thành phố không đồng nhất, tiêu biểu cho nhiều loại dân tộc, tôn giáo và những nhóm kinh tế xã hội. Có thấy trên đường phố, người Do Thái, người Ả Rập, người Hồi giáo, người Palestine, đi lại, vui chơi sinh hoạt và làm việc hàng ngày.

Có nhiều khu phố ở Jerusalem có cả người Do Thái và người Ả rập, người Palestine cùng sinh sống và hầu như chẳng có tường rào ngăn cách, chỉ cách nhau một lối đi nhỏ. Đó cũng là lí do tại sao vấn đề an ninh tại đây rất phức tạp, và địa điểm lí tưởng cho các vụ đánh bom cảm tử của người Ả Rập.

Phía Đông Jerusalem nhiều bức tường an ninh được dựng lên, người ta  gọi đó là “bức tường an ninh” vì tin rằng nó có thể cản được sự thâm nhập của những phần tử đánh bom liều chết từ phía Palestine. Một hệ thống tường rào bê tông nhằm kiểm soát sự đi lại của người Arập  Palestine vào Israel, Tuy nhiên phần lớn hệ thống này là hàng rào thép chứ không phải tất cả đều là tường bê tông, phần bê tông chiếm khoảng 4% tổng độ dài của cả hệ thống.


Toàn cảnh Jerusalem về đêm

Sự yên tĩnh của thành phố mà chúng tôi cảm nhận được mới chỉ trở lại gần đây, vì trước đó theo lời của chị Roley tình hình đặc biệt căng thẳng khi phong trào Intifada lên tới đỉnh điểm, Jerusalem trở thành tâm điểm cho vụ đánh bom cảm tử diễn ra nghiêm trọng nhất trong các cuộc xung đột giữa người Israel và người Ả rập.

Một số các siêu thị, khu chợ ngoài trời, các trạm xe buýt nơi chúng tôi đến vẫn còn vết tích của các vụ đánh bom cảm tử đẫm máu cách đây không lâu. Những bức tường ám khói, những lỗ thủng bê tông lớn, những hàng rào xiêu vẹo, khi chúng tôi đến đây, ở công các khu chợ lớn đều có xe cảnh sát xe cứu thương và một toán an ninh ngồi, các khu vui chơi giải trí lớn đều có lực lượng an ninh canh gác. Ở các khu phố các khu phố nơi phần đông người DoThái sinh sống đều có xe cảnh sát chốt hai đầu.

Có thể dễ nhận ra những người đàn ông theo đạo Do Thái chính thống đi trên đường, họ đội mũ rộng vành màu đen để râu dài và mặt quần áo choàng dài màu đen rất điển hình. 

Jerusalem, nơi bắt nguồn của 3 tôn giáo lớn trên thế giới là Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo. Dân số Jerusalem khoảng 1 triệu người, trong đó 2/3 là người Do Thái, số còn lại là người Arập và các cộng đồng khác.

Ở Jerusalem có một khu vực thu hút khách du lịch nhất được gọi là "Thành phố cổ" được bao vây bởi những bức tường và bao gồm bốn khu: Khu Armenia, Cơ Đốc, Do Thái và Hồi giáo. 

Các tôn giáo này đều có khu vực riêng để hành lễ rất lớn, và được an ninh chính quyền Israel kiểm soát rất chặt chẽ.

Ở đây khi phòng trào Intifada lên tới cao điểm, chị Roley nói với chúng tôi rằng cảnh xe cứu thương thương chạy nhộn nhịp hàng ngày không có gì là lạ. Các vụ đánh bom tự sát của các nhóm hồi giáo cực đoan của người Hồi Giáo Ả rập và người Palestine hầu hết đều được thực hiện tại các nơi đông đúc như bến xe buýt, quán cà fê, siêu thị, khu chợ ngoài trời nơi tập trung phần đông người Do Thái. Các vụ này phần lớn đều do các nhóm Hồi giáo cực đoan như Jihad, Hamas, Lữ đoàn Tử vì Đạo Al Aqsa, thực hiện.

Vụ đánh bom nghiêm trọng nhất tại Jerusalem gần đây có lẽ là vụ làm 11 người bị chết và 180 người bị thương xảy gây ra một lỗ thủng lớn tại góc đường King George trung tâm thành phố, nơi ở gần khách sạn chúng tôi ở, vụ này do cả hai nhóm Jihad và Hamas nhận trách nhiệm xảy ra năm 2002 khi bắt đầu phong trào Intifada. Kẻ đánh bom đã mang trong mình 10 kg chất nổ và đã phá hủy một góc đường lớn của khu phố King George.


Một phần khu Hồi giáo trong Thánh địa Jerusalem

Ngày đoàn nhà báo chúng tôi có mặt tại Jerusalem, cũng là lúc Thủ tướng Anh Tony Blair vừa đi qua Dải Gaza đến Jerusalem để gặp thủ tướng Israel Ehud Olmert, cho nên an ninh được thắt chặt khắp nơi. Cả quãng đường nơi khách sạn King David của thủ tướng Anh ở hầu như toàn thấy sự có mặt của an ninh Israel. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới có thể đi qua khu vực này để đến thăm một chương trình nơi trẻ em Do Thái và Ả Rập cùng học tập và chung sống.

Rời Jerusalem chúng tôi chuẩn bị cho cuộc hành trình đi xuyên Bờ Tây đến gần biên giới Jordan sau đó sẽ đến sân bay Herzlia để lên một chiếc trực thăng lên thẳng đi đến sát biên giới của Dải Gaza nơi chúng tôi được thông báo tối hôm trước có 7 quả rốc két Kassam được bắn sang thành phố chúng tôi sắp đến.

Xuân Danh (Jerusalem 12.2006)

Kì 2: Đến Dải Gaza bằng trực thăng lên thẳng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.