Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Bộ ấn đá cổ xưa

31/12/2009 23:13 GMT+7

Đôi vợ chồng Tạ Mân - Cao Thị Xuân Đào đã dành hết thời tuổi trẻ của mình để săn tìm cổ vật của nền văn hóa Óc Eo bị chôn vùi cách nay hơn 13 thế kỷ. Sau hơn 20 năm đầy cực nhọc, họ đã tìm được bộ ấn đồ sộ nhất của nền văn hóa Óc Eo. Nghe đọc bài

Căn nhà số 118 đường Cây Thọ, thị trấn Thốt Nốt (TP Cần Thơ) từ lâu đã trở nên quá chật chội với những món đồ cổ được chất la liệt khắp nơi. Những tượng người uy nghi, những tượng thú bí hiểm, những đao - cung - kiếm, bài vị... Thời gian đã in hằn dấu tích lên từng vết sứt sẹo, mòn vẹt trên mỗi đồ vật, bởi chúng đều đã có trên cả ngàn năm tuổi. Đây là kết quả hơn 20 năm lao tâm khổ tứ của hai anh chị Tạ Mân - Cao Thị Xuân Đào. Họ nổi tiếng là những người đam mê cổ vật của nền văn hóa Óc Eo. Và tài sản quý nhất của họ chính là bộ sưu tập các hiện vật của đế quốc Phù Nam, thuộc loại lớn nhất miền Tây.

Hôm chúng tôi đến nhà, chị Xuân Đào cho biết anh chị đã quyết định dừng công việc sưu tầm lại. Lý do: họ đã tìm được thứ bảo vật có lẽ là tuyệt đỉnh của một người sưu tầm hiện vật Óc Eo. Không thể tìm được những thứ quý giá hơn thế nữa.

Bộ ấn cổ quý hiếm

Từ trước đến nay, tại các điểm phát lộ di chỉ của nền văn hóa Óc Eo ở nhiều nơi tại khu vực ĐBSCL, người ta đã tìm thấy nhiều hiện vật quý: các loại tượng, đồ dùng, nữ trang, tiền, binh khí, vật thờ... làm từ nhiều loại vật liệu: gỗ, gốm, đá, đồng, vàng... Tất cả những thứ ấy, bộ sưu tập của gia đình anh chị Mân - Đào đều có đủ. Nhưng “mình vẫn thấy còn thiếu một cái gì đó rất quý, mà không thể biết đó là cái gì”, chị Đào bộc bạch. Hơn một năm trước, như bởi cơ duyên, một người quen đến báo ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn (An Giang) có người kêu bán bộ đồ cổ hình thú. Bộ này do người đời trước tìm thấy ở dưới sông, để lại cho thế hệ bây giờ cất giữ. Nhưng con cháu gia đình này không biết hết giá trị của cổ vật, lại đang khó khăn về kinh tế, sẵn sàng bán cho ai trả được giá cao. Chị Đào tâm sự: “Nhìn thấy chúng, vợ chồng tôi mừng đến chảy nước mắt. Cứ sợ mình chậm chân, lỡ họ bán mất vài món cho người khác thì khối tài sản quý này sẽ không còn toàn vẹn. Mình quá yêu cổ vật Óc Eo, chỉ sợ những món đồ quý nhất bị tuồn ra nước ngoài, lúc đó khó lòng mà tìm lại”.


Chiếc ấn hình chim phượng


Một dấu ấn được in ra từ chiếc mộc cổ

Thế là bao nhiêu vốn liếng dành dụm lâu nay, vợ chồng chị vét hết để mua trọn bộ ấn cổ 27 chiếc. Trong số này, có 26 chiếc được chạm khắc trên chất liệu đá rất cứng, có hàm lượng kim loại rất cao (hít được nam châm) và 1 chiếc ngọc thạch hình rồng cổ.  Đưa được vật quý về nhà, vợ chồng anh chị Mân - Đào lại bắt đầu những ngày mất ăn mất ngủ. Một phần vì quá sung sướng tìm được vật quý; một phần vì được chiêm ngưỡng những họa tiết và cố tìm lời giải cho từng món cổ vật khiến họ rơi vào trạng thái... ngất ngây. Càng ngắm nhìn càng thấy quý, càng tìm hiểu càng thấy bí ẩn... Chị Đào kể, suốt ngày, anh Mân cứ mân mê từng món cổ vật, lau chùi, ngắm nghía, hết lời ca ngợi tài nghệ người xưa.

Mong tìm được nơi trưng bày

Bộ ấn 27 chiếc được chạm trổ với hình dạng các loại linh thú khác nhau, kích thước khác nhau. Chiếc nặng nhất trên 7 kg, nhẹ nhất cũng 300 gr. Chị Đào giải thích: hình thù và kích cỡ của mỗi chiếc ấn là biểu trưng của một vị thế, phẩm hàm khác nhau trong vương triều, của người sở hữu. Như chiếc ấn hình cá hóa rồng biểu tượng của hoàng tộc, khá to, nặng trên 5 kg; chiếc ấn hình rồng cổ biểu tượng của nhà vua, nặng nhất (trên 7 kg); chiếc ấn hình phượng hoàng biểu tượng của hoàng hậu, nặng trên 6 kg (!). Ngoài ra, còn những chiếc ấn mang hình các con thú khác như dê (hiện thân của thần Pan); ngựa (thần Kaki); chim thần Garuda, rùa, voi, trâu, linga...

Hoa văn trên các loại ấn đều đạt đến độ tinh xảo của nghệ thuật điêu khắc. Nhiều vật mang hơi hướng của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Ngôn ngữ khắc trên những chiếc ấn là chữ Phạn. Mỗi dấu mộc cũng có nhiều dạng khác nhau: vuông, tròn, chữ nhật, ô-van... là những thông điệp chưa thể giải mã, chứa đựng quyền lực và trật tự của một vương triều phồn thịnh những thế kỷ đầu Công nguyên. 

Anh Mân kể, khi biết anh có được bộ ấn quý này, nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước đã tìm đến chiêm ngưỡng. Nhiều người trong số họ từng đến các bảo tàng danh giá của thế giới, mục sở thị nhiều bộ sưu tập quý, nhưng cho biết, không đâu có được bộ ấn của văn hóa Óc Eo đầy đủ đến vậy.

Chị Đào cho biết, tuy rất vui mừng khi có được bộ ấn quý này, nhưng anh chị không định giữ làm của riêng. Mong mỏi của anh chị là tìm được nơi trưng bày sao cho xứng với tầm vóc của nền văn hóa vĩ đại, phát triển vào thời kỳ rất sớm này. “Nếu bảo tàng cần và bảo đảm gìn giữ tốt, có lẽ một ngày nào đó chúng tôi sẽ hiến tặng. Còn trước mắt, vợ chồng tôi sẽ lên Cần Thơ, tìm điểm mở một quán cà phê, để có nơi trưng bày các cổ vật, giúp mọi người cùng được chiêm ngưỡng những tuyệt tác của một nền văn hóa cao từng bị vùi chôn trong lòng đất”.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.