Những sinh viên sống... gửi

20/12/2008 22:18 GMT+7

Hiện có một bộ phận sinh viên (SV) biến mình thành loài cây “tầm gửi” sống dựa dẫm vào người khác…

Đang trong mùa thi học kỳ, nhưng N.V.H - SV ngành Quản trị, trường ĐH Thương mại, Hà Nội cùng nhóm bạn phó thác việc học hành của mình vào bạn bè, người yêu và tất cả những ai họ có thể nhờ vả được.

Trong một tiệm internet sau trường ĐH Thương mại, 39 máy lúc nào cũng chật cứng người. SV vừa chơi game, vừa hò hét, có lúc văng tục chửi thề ầm ĩ cả quán. Hoàng đang dán mắt vào màn hình với game đột kích, nói oang oang: “Tớ đã dặn mấy thằng bạn trên lớp làm bài kiểm tra hộ. Ngồi đây mà nâng level đi mày, trò này phê lắm. Lên lớp ngồi học nhưng không tập trung được thì cũng thế”. Cũng theo Hoàng, trong lớp có 35 SV nam thì 2/3 đã góp mặt ở quán.

Mọi chuyện học hành đều “gửi gắm” hết cho các bạn nữ, chỉ khi nào thật sự cần thiết họ mới vào lớp điểm danh. Ngay cả việc làm bài kiểm tra, thuyết trình những nhóm SV này cũng không hề mảy may chuẩn bị mà chỉ lo thả hồn với niềm đam mê vô bổ của mình và kết quả học tập là chuyện “nhỏ như con thỏ”.

 
đến tiệm net...
Tại trường ĐH Lao động - Xã hội Hà Nội, nhiều người biết tới B. (khoa Công tác xã hội) bởi cách tiêu tiền. Vào học chưa lâu, B. đã được các bạn cùng lớp đặt cho biệt danh “B.VIP”... Mẹ B. làm giáo viên một trường THCS, bố chạy xe ôm ở Bến xe Hà Giang, trong dòng họ B. là người đầu tiên đậu vào ĐH nên cậu là niềm tự hào của gia đình. Dù kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng bố mẹ B. vẫn cố gắng sắm cho con trai xe máy xịn, điện thoại đời mới cho B. bớt tủi thân, nhưng họ đâu ngờ suốt ngày B. chỉ biết đến bài bạc, cà phê và game online. Hết tiền, B. lại biện đủ lý do nào là: sinh nhật bạn, mua giáo trình... để xin tiền bố mẹ. Những lúc gia đình chưa gửi tiền kịp, B. nhanh chóng giải quyết vấn đề “đầu tiên” bằng cách cầm điện thoại, “luộc” xe máy để có tiền bao trọn gói bạn bè trong các cuộc nhậu. Cũng có vài lần cậu tìm đến việc làm thêm, nhưng cái cách tiêu tiền kiểu “công tử bạc liêu” của B. nên tiền làm thêm cũng không giúp nổi B. dù chỉ là vài bữa ăn sáng.

 

và bi-da - Ảnh: Hải Yến

Trong một xóm trọ tại phố Đồng Bát, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội không ai không biết đến TR.V.L, SV trường ĐH Ngoại ngữ vì thành tích sống “tầm gửi” vào bạn gái của cậu. Quê L. ở Hưng Yên, bố mẹ đều làm ruộng nên gia đình gửi tiền cho L. có giới hạn. Năm thứ nhất, L. cũng từng tất bật với việc làm gia sư, chạy bàn ở các quán cà phê..., nhưng từ ngày có người yêu thì cậu không cần bon chen công việc làm thêm mà hoàn toàn sống “ký sinh” vào người yêu của mình. Hằng ngày trừ bữa sáng, còn lại L. toàn ăn nhờ ở đậu vào người yêu. Mọi thứ đồ dùng sinh hoạt tối thiểu nhất cũng một tay người yêu chu cấp. Ngay chỗ ở, L. cũng tá túc mỗi nơi vài bữa cho đỡ mất tiền phòng.

Lúc có tiền từ gia đình gửi lên, L. lại “nướng” vào lô đề, bi-da và các trò đỏ đen khác. Khi hết tiền lại quay về bạn gái ngửa tay xin mà không một chút ngại ngùng. Việc học hành thì bê trễ, cuộc sống tạm bợ... Người yêu cậu ngày càng ngán ngẩm và cô đã chủ động nói lời chia tay. “Anh ấy đã quen với việc ỷ lại vào người khác, ngay cả những công việc nhỏ nhất cũng không thể tự lo được, không biết rồi tương lai sẽ đi đến đâu. Mình đã khuyên nhiều lần nhưng đều vô ích”, bạn gái của L. tâm sự.

Hải Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.