Mỹ kỷ niệm 70 năm trận Trân Châu Cảng

07/12/2011 14:43 GMT+7

(TNO) Hôm 7.12, Mỹ đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 cuộc tấn công Trân Châu Cảng bằng cách treo cờ rủ và cử hành phút mặc niệm vào thời khắc cuộc tấn công thay đổi lịch sử khai diễn.

(TNO) Hôm 7.12, Mỹ đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 cuộc tấn công Trân Châu Cảng bằng cách treo cờ rủ và cử hành phút mặc niệm vào thời khắc cuộc tấn công thay đổi lịch sử khai diễn.

Các buổi lễ được lên kế hoạch cử hành từ Trân Châu Cảng ở Hawaii đến thủ đô Washington tại bờ Đông nước Mỹ nhằm tưởng niệm 2.400 người Mỹ thiệt mạng vào ngày 7.12.1941, khi Nhật Bản phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu treo cờ rủ tại các tòa nhà liên bang trên khắp đất nước để đánh dấu Ngày Tưởng niệm Trân Châu Cảng quốc gia.


 Các quân nhân Mỹ trải quốc kỳ trong buổi lễ - Ảnh: Reuters

“Vào một buổi sáng chủ nhật thanh bình cách đây 70 năm, bầu trời bên trên Trân Châu Cảng tối sầm lại bởi bom của quân Nhật trong một cuộc tấn công đột ngột vốn thử thách sự kiên cường của các lực lượng vũ trang và ý chí của quốc gia”, ông Obama phát biểu.

Vào đúng 7 giờ 55 phút của ngày định mệnh, Nhật Bản đã đánh thức “gã khổng lồ đang ngủ" Mỹ bằng cách oanh tạc Hạm đội Thái Bình Dương trú tại Hawaii. Trong hai giờ đồng hồ, khoảng 20 chiếc tàu đã chìm hoặc hư hại và 164 chiếc máy bay bị phá hủy.

Trong số 2.400 người thiệt mạng, gần một nửa bị tiêu diệt chỉ trong vài giây trên chiếc tàu chiến khổng lồ USS Arizona khi một quả bom làm phát nổ kho đạn trên tàu, gây ra một đám cháy lớn kéo dài trong ba ngày.

Với tuyên bố đó là “một ngày sẽ tồn tại trong sự ô nhục”, Tổng thống Franklin Roosevelt đã tuyên chiến với Nhật Bản, đưa nước Mỹ tham gia vào Chiến tranh Thế giới thứ hai vào thời điểm mà nhiều đồng hương của ông hy vọng tránh được cuộc chiến.

Trong bảy thập kỷ qua, nhiều lý thuyết gia về thuyết âm mưu tin rằng ông Roosevelt từng nhận được thông tin tình báo về cuộc tấn công của Nhật Bản song đã im lặng không phản ứng, theo AFP.

Thuyết âm mưu lập luận ông Roosevelt tin rằng cú sốc của cuộc tấn công sẽ thuyết phục người Mỹ về sự cần thiết can dự vào cuộc chiến. Nó dựa trên thực tế khó hiểu rằng các radar của quân Mỹ không thể phát hiện ra sáu chiếc tàu sân bay của Nhật chở theo 400 chiếc máy bay đậu cách mục tiêu 350 km.

Bất luận sự thật thế nào, một ngày sau vụ tấn công ở Trân Châu Cảng, Quốc hội Mỹ chính thức tuyên chiến với Nhật Bản. Ba ngày sau đó, Đức tuyên chiến với Mỹ. Mỹ chính thức vào cuộc và thay đổi cục diện chiến tranh.


 Những người thoát chết tại Trân Châu Cảng tham dự buổi lễ tưởng niệm - Ảnh: Reuters

Vào hôm nay, 7.12, tại Trân Châu Cảng ở phía tây Honolulu, một nhóm những người thoát chết trên tàu USS Arizona sẽ cùng các cựu binh khác vinh danh những người thiệt mạng trong cuộc tấn công, một nghi lễ thường niên trở nên long trọng hơn nhân dịp kỷ niệm 70 năm.

Tuy nhiên, sự kiện này càng trở nên đặc biệt bởi đây sẽ là lần cuối cùng các thành viên thuộc Hiệp hội Những người sống sót tại Trân Châu Cảng tề tựu để tổ chức lễ kỷ niệm, theo tờ New York Times.

Trước sự nhìn nhận về thực tại của thời gian, tuổi tác, bệnh tật và cái chết, hiệp hội này sẽ giải tán vào ngày 31.12.

Ông Harry R. Kerr, thành viên hiệp hội, nói họ không có đủ người để tiếp tục giữ cho tổ chức hoạt động. “Chúng tôi cảm thấy mình đã đi được một chặng đường tốt đẹp trong 70 năm. Chúng tôi không có nơi nào để tuyển thêm người: Ngày 7.12 chỉ xảy ra một lần vào năm 1941", ông Kerr nói.

Tại Washington, nơi một buổi lễ sẽ được tổ chức tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Obama đã bày tỏ lòng thương tiếc đến “hơn 3.500 người Mỹ bị giết hoặc bị thương trong cuộc tấn công chết người”.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.