Chia sẻ cùng những ước mơ - Kỳ 2: Hơi ấm giữa mùa đông cao nguyên

01/12/2008 15:09 GMT+7

Đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và đối tượng xã hội tỉnh Đắk Lắk những ngày chớm đông, chúng tôi cảm nhận rất rõ hơi ấm tình thương và sự đùm bọc của các thầy cô và của chính các em nhỏ được nuôi dưỡng ở đây...

Nếu ai chưa từng đến những ngôi trường như vậy đều sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết các em đều đi học trễ hơn nhiều so với độ tuổi cắp sách đến trường thông thường. Một buổi trò chuyện với các em bên ngọn lửa bập bùng và làn sương giá lạnh khi đêm xuống, những mảnh đời chầm chậm hiện ra như những thước phim tư liệu khiến người xem phải suy nghĩ...

Trúc, tên thật là Nguyễn Thị Thu Huyền, đã hơn 16 tuổi và chỉ mới bắt đầu học lớp 1 được một thời gian ngắn. Ba mẹ em mất từ khi em còn nhỏ xíu, và em chỉ mới được chuyển đến trung tâm. Còn trước kia, em là trẻ lang thang ở TP Buôn Ma Thuột và ngủ nhờ ở các mái ấm tình thương. Do đã quá tuổi nên Trúc không thể đến trường công lập học mà em được các thầy, cô trong trung tâm dạy riêng. Thoạt đầu, Trúc cảm thấy rất mặc cảm, nhưng rồi em nhận ra rằng, ít nhất mình cũng cần phải học để có thể đọc thông viết thạo, để có thể tìm kiếm cơ hội làm việc và giúp đỡ các em nhỏ hơn mình trong trung tâm. Hiện nay, vừa quyết tâm học chữ, Trúc vừa nhận chăn đàn bò 10 con ở trung tâm để có thể dành đủ tiền đi học được nghề may, ổn định cuộc sống. Trong những lúc rảnh rỗi, Trúc lại trở thành người chị cả, cùng các thầy cô chăm sóc cho các em.

Với Nông Thị Tiến, 10 tuổi thì lại là một hoàn cảnh khác. Khi còn đang học lớp 1, em đã phải nghỉ học để ở nhà chăm sóc mẹ bị ốm liệt giường. Ba mẹ mất cách nhau chỉ 5 ngày, sau đó Tiến cùng với Thìn, em trai mình được các cô ở trung tâm đưa về chăm sóc. Từ khi đến trung tâm và được cho đi học, cả hai chị em đều cố gắng học thật giỏi và luôn đứng đầu trong lớp. Hiện nay cả hai chị em cùng học lớp 3 và liên tục thay nhau vị trí nhất, nhì. Tiến tâm sự cùng chúng tôi, mơ ước của em là trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Không chỉ chăm học, tuy còn nhỏ nhưng Tiến luôn ý thức giúp các cô nhà bếp trong việc phụ giúp chuẩn bị cơm nước cho trung tâm hay quan tâm chăm sóc các em nhỏ hơn mình khi cùng các em đến trường, sinh hoạt tập thể.

Ở cùng các em trong Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và đối tượng xã hội tỉnh Đắk Lắk một buổi, chúng tôi thấy thật khâm phục các thầy cô đã nuôi nấng, bảo bọc các em trở thành những em nhỏ rất lạc quan, luôn chăm chỉ học tập và sống với nhau rất vui vẻ, hòa đồng, yêu thương nhau như anh chị em trong cùng một gia đình. Tuy đã từng ở trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn và nghiệt ngã, nhưng giờ đây các em là những người sống rất có mục đích, luôn biết quan tâm, chia sẻ, có những ước mơ tốt đẹp cho mình và cho mọi người.

Như em H Hảo Tơn (thường gọi là Hảo), người dân tộc M’Nông là một điển hình. Năm nay Hảo 12 tuổi và em đã sống ở trung tâm 6 năm rồi. Ba mẹ em mất sớm, chỉ còn bà nội già yếu không chăm sóc được cháu nên đã gửi em vào trung tâm. Hảo hiện đang học lớp 6 và em tiết lộ với chúng tôi một bí mật là em rất yêu ca hát. Tuy nhiên em lại ước mơ sau này có thể trở thành chiến sĩ công an để "có thể bắt cướp giúp cho người dân được yên ổn hơn".

Ba trường hợp trên chỉ là một vài trường hợp điển hình trong số hơn 100 em đang được nuôi dưỡng, dạy dỗ ở trung tâm. Những em khác mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc đều có chung những suy nghĩ, cách sống tốt đẹp như vậy. Em Hoàng Văn Dậu, 14 tuổi, đã ở trung tâm được hơn 4 năm. Từ khi vào đây em mới bắt đầu được đi học và năm nào em cũng là học sinh đứng đầu lớp. Là người lớn nhất trong số các em còn học tiểu học, Dậu luôn chăm sóc và bảo ban các em nhỏ hơn mình. Chứng kiến cảnh các em nhỏ hơn chạy ra chạy vào tìm "anh Dậu" để nhờ giải bài toán khó, chúng tôi cảm nhận rất rõ hơi ấm của sự giúp đỡ, sẻ chia đang lan truyền trong khắp mái ấm nơi đây.

Kỳ 1: Chắp cánh nhân cách 

Mai Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.