Mở đường công nghiệp văn hóa

20/07/2012 03:20 GMT+7

“Tại Việt Nam, chúng ta dường như có những mảnh nhỏ của công nghiệp sáng tạo nhưng thực ra lại chưa có”.

PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, cho biết như trên tại tọa đàm Phát triển cơ chế tài chính và khuôn khổ pháp lý mới cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, tổ chức hôm qua tại Hà Nội.

 Mở đường công nghiệp văn hóa
Phim trường của Huyền sử Thiên đô chưa đủ hấp dẫn để có thể phát triển du lịch - Ảnh: Ngô Vương Anh

Trên thực tế, ngành công nghiệp văn hóa đã lấy những sáng tạo văn hóa như hình vẽ, kiểu dáng để làm nên sức mạnh của mình. Số liệu do tiến sĩ Tom Fleming, chuyên gia tư vấn về công nghiệp văn hóa người Anh, cung cấp cho thấy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo được thừa nhận là một lĩnh vực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu. Ở châu u, ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 3% GDP của EU, tương đương 500 tỉ euro một năm và mang đến việc làm cho khoảng 6 triệu người.

 

Khi thế giới đã ở kỷ nguyên của công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa và tăng trưởng mạnh nhờ nó, chúng ta cũng không nên tụt hậu trên con đường này

PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật

“Các bạn có thị trường nội địa rộng lớn, lại có dân số trẻ với độ nhạy cao, áp lực về thuế tương đối thấp, cảnh quan văn hóa phong phú và đa dạng, đam mê văn hóa”, tiến sĩ Tom Fleming nói. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng chúng ta chưa khai thác hết những tiềm năng này. Chẳng hạn, chúng ta chưa trở thành một phim trường của khu vực. Trong khi đó, bài học về việc cảnh quan có thể sinh lời khi cho mượn làm phim, và rồi bộ phim quay lại quảng bá cho du lịch mà Đông Dương, Người tình (Pháp) quay ở Việt Nam hay Kẻ cướp lăng mộ (Mỹ) quay ở Campuchia đã cho thấy rõ ràng.

Nhưng điều PGS-TS Nguyễn Chí Bền cho rằng quan trọng lại nằm ở quan niệm của người quản lý về văn hóa. Theo đó, chức năng giải trí của văn hóa đôi khi bị làm mờ đến mức gần như không có. Điều này dẫn tới việc một số sản phẩm giải trí của công nghiệp văn hóa như phim, âm nhạc, trò chơi… còn gặp khó khi thẩm định hay giảm thuế để có thể dễ lan tỏa hơn. “Tuy không còn cơ chế xin - cho trong văn hóa, có thể thấy quan niệm về văn hóa của chúng ta vẫn còn mang tính bao cấp”, PGS-TS Bền nói.

Bản thân nhà nước cũng sẽ có thêm “quyền” văn hóa khi phát triển công nghiệp văn hóa. Chẳng hạn, việc chuyển từ mô hình bao cấp sang đầu tư sẽ giúp chính phủ dễ dàng yêu cầu giá trị thu về trước khi quyết định đầu tư. Cũng nhờ đó các ngành văn hóa buộc phải tăng trưởng, có thêm công việc mới, có thêm khán giả và sự tỏa sáng của sáng tạo cá nhân.

“Khi thế giới đã ở kỷ nguyên của công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa và tăng trưởng mạnh nhờ nó, chúng ta cũng không nên tụt hậu trên con đường này”, PGS-TS Lương Hồng Quang nói. 

Công nghiệp sáng tạo bao gồm các hoạt động phim, âm nhạc, truyền thông, thiết kế thời trang, nghệ thuật, trò chơi, phần mềm. Đây là những hoạt động thương mại phát triển từ ngành văn hóa rộng lớn hơn.

Trinh Nguyễn

>> Cuộc thi thiết kế thời trang chuyên nghiệp
>> Trao giải cuộc thi thiết kế thời trang
>> Phát động thi thiết kế thời trang HUTECH Designer 2012
>> Cuộc thi thiết kế thời trang cho sinh viên
>> Ngành thiết kế thời trang: thu hút bạn trẻ say mê sáng tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.