Đón khách từ bên ngoài cổng nhà

15/12/2005 13:54 GMT+7

Chúng ta có rất nhiều cách hấp dẫn, mời gọi du khách, thu phục các nhà đầu tư. Nhưng tiếc rằng những hình ảnh sinh động đó chưa được nhân ra...

Tin từ Báo Thanh Niên trong buổi gặp gỡ với ông Tan Seng Chye - Đại sứ Singapore tại Việt Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tuyên bố rằng Đà Nẵng sẽ đài thọ toàn bộ chi phí cho doanh nhân Singapore có khả năng làm ăn ở nước ngoài đến tham quan du lịch Đà Nẵng. Nhân đó thành phố sẽ giới thiệu tiềm năng về cơ sở hạ tầng và chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cách làm của Đà Nẵng lâu nay đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã thu hút sự chú ý của các giới làm ăn trong và ngoài nước. Những thay đổi nhanh chóng về cơ sở hạ tầng, con đường bao quanh bán đảo Sơn Trà, đường Phạm Văn Đồng nối cầu sông Hàn với bãi biển Mỹ Khê, đường 2-9 nối từ Cẩm Lệ đến đường Bạch Đằng và đặc biệt là con đường mang tên Nguyễn Tất Thành dài 21km đi từ Thuận Phước lên đến tận chân đèo Hải Vân có thể đẹp hơn con đường ven biển của Hồng Kông bởi vì eo biển thanh bình này nằm lọt thỏm vào rất sâu trong thành phố và hướng nhìn ra là đỉnh đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà mây phủ.

Học giả Trần Bạch Đằng khi đi thăm đường eo biển này đã hỏi tôi, là tại sao chưa công nhận còn đường này là đường đẹp nhất Việt Nam. Chưa, có lẽ vì nó vừa mới kịp khánh thành.

Cái cách làm ăn cởi mở, cầu thị, và săn đón các nhà đầu tư, cộng với sự mở mang của cơ sở hạ tầng, khai thác tối đa các lợi thế, cảnh đẹp của biển, sông, đèo, các di tích, sân bay và cảng biển đã đưa Đà Nẵng nổi lên như một thành phố rất năng động của thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó là một tỉnh Quảng Nam vốn là một  tỉnh nghèo cũng đã vươn lên bằng mọi cách, cơ sở hạ tầng và ưu thế du lịch Hội An, Mỹ Sơn, Cửa Đại cũng được phát huy mạnh mẽ. Báo chí vừa đưa tin Công ty Global C & D Inc cùng tập đoàn tài chính Lehman Brothers (Hoa Kỳ) đã chính thức đề nghị chính quyền tỉnh cho phép đầu tư xây dựng dự án phức hợp Vina Las Vegas tại thôn 3, xã Điện Ngọc của huyện Điện Bàn trên khu đất 540 ha, gồm khách sạn biệt thự cao cấp, các khu chức năng, vui chơi giải trí... tiêu chuẩn quốc tế với mức đầu tư là 1 tỉ USD. Và tin cũng cho biết nếu được cấp giấy phép sớm, dự án sẽ được khởi động trong năm nay.

Nếu đây là một tin sẽ trở thành hiện thực sớm, thì có lẽ đây là một dự án đầu tư từ nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Khu kinh tế mở Chu Lai nối với Dung Quất của Quảng Ngãi cũng với ưu thế của Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, vùng đất này sẽ có sự thay đổi lớn lao về mọi mặt và sẽ mở ra một triển vọng khác hẳn. Chưa nói đến sự phát triển và vị trí mới của tỉnh Khánh Hòa và thành phố Nha Trang, vịnh Cam Ranh, Văn Phong của Nam Trung Bộ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cả khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong ý nghĩa kinh tế xã hội.

Nói về thu hút và mời gọi đầu tư có lẽ Đà Nẵng rất thành công, nhưng xét về thời gian thì Đà Nẵng đi sau Bình Dương và có thể là cả Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, không kể trường hợp TP.HCM và thủ đô Hà Nội đặc thù... Thời đó anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé cũ đã có một lời mời mà tôi cho là rất nổi tiếng: trải thảm đỏ mời các nhà trí thức và trải chiếu hoa cho các nhà đầu tư. Với khẩu hiệu đó, Bình Dương từ một tỉnh nghèo đã trở thành một tỉnh phát triển mọi mặt, đặc biệt là công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp chế biến và mở rộng phát triển cây công nghiệp và các trang trại chăn nuôi, cây ăn trái... Bình Dương nay đã sớm trở thành một  trong những tỉnh có thu nhập GDP bình quân đầu người thuộc loại cao nhất nước.

Vừa qua Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam, một ngành kinh tế then chốt của đất nước cũng đã chủ động mở rộng tuyên truyền quảng bá hình ảnh của mình ra nước ngoài. Không chỉ mở những buổi họp báo, tiệc chiêu đãi giới thiệu với bạn bè quốc tế tại những nơi có các đường bay đông khách như Tokyo, Osaka, Paris, Sydney, Quảng Châu, San Francisco ... mà họ còn mời hàng trăm nhà báo quốc tế để giới thiệu hình ảnh của hãng mình, những danh lam thắng cảnh cùng với các cơ hội làm ăn ở Việt Nam để những thông tin này ra quốc tế, tạo sự hiểu biết cho các giới làm ăn và dân du lịch bên ngoài.

Những cung cách tiếp cận, mời gọi đầu tư và niềm nở với khách du lịch như vậy ta không thiếu, mới đây thôi, một Việt kiều Đức đã nhận được từ chủ quán cháo lươn 36 món có tên Xuân Nam, 43 Nguyễn Thị Diệu, TP.HCM. Theo Việt kiều này thì một món ăn rất ngon và lạ được chế biến từ con lươn, loại thực phẩm rất dân dã của Việt Nam được chế biến khoái khẩu và hấp dẫn đến vậy, nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là chuyện vị thực khách đã bỏ quên chiếc xách tay gồm hộ chiếu với hàng nghìn USD, mà chủ quán đã giữ lại để chờ khách hàng quay lại lấy và không nhận bất cứ một xu hậu tạ nào từ tay khách. Đó không phải là lời mời gọi hấp dẫn đối với khách thập phương từ những người dân thường hay sao ?

Nhiều lắm, nhiều cách xử trí văn hóa và thu phục nhân tâm lắm. Chỉ tiếc là cách cư xử và tiếp cận như những trường hợp trên không được nhận ra, không được để ý và học hỏi, để trở thành nhiều nơi, nhiều người, nhiều địa phương cũng làm như vậy, nhiều hình ảnh đó tỏa sáng ra xã hội và bên ngoài thì đất nước được nhờ biết bao.

Chỉ tiếc rằng, các trạm cửa khẩu của ta, nơi khách quốc tế đặt chân đến nhìn hình ảnh đầu tiên của nước ta, thì thường vắng nụ cười, mà nụ cười đâu mất tiền mua. Còn không ít nhân viên, cán bộ của các cơ quan làm thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính, khi thi hành nhiệm vụ của mình lại không vì lợi ích của đất nước và hình ảnh của đất nước mà còn một số người chỉ vì cái túi riêng ích kỷ và vụ lợi của mình đã làm xóa nhòa đi hình ảnh của chế độ và đất nước trước con mắt của dân chúng và khách nước ngoài.

Câu chuyện đón khách từ bên ngoài cổng nhà mình của Đà Nẵng, có lẽ đã cho chúng ta những suy gẫm thú vị và hữu ích.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 16/9/2003)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.