Số nhà thì đã thông minh...

30/11/2008 00:41 GMT+7

Đường chưa có tên, vì phải chờ thông qua nhiều thủ tục pháp lý. Nhà chưa có số, vì phải chờ đường có tên.

Đó là lý do để giải thích (một cách lấp liếm) rằng TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn hơn 180.000 căn nhà cần chỉnh sửa hoặc cấp số mới và hơn 500 con đường cần đặt tên chính thức.

Có số hay không có số thì người ta cũng phải giao dịch, cũng phải làm hôn thú, cũng phải sinh con, cũng phải làm giấy khai sinh...

Chẳng lẽ mọi việc phải dừng lại để chờ có số nhà. Mà phải chờ hơn mười mấy năm qua và không biết chờ đến bao giờ. Điều đó gây ra thiệt hại không chỉ cho bản thân các hộ dân mà còn gây ra nhiều rắc rối cho các cấp quản lý và thiệt hại cho toàn xã hội.

Nếu chịu khó suy nghĩ một tí và có tâm huyết với dân một tí thì vẫn có cách cấp nhanh số nhà cho dân mà không cần đến tên đường chính thức đã có hay chưa.

Đó là, với những con đường mới chưa có tên cần áp ngay một mã số kỹ thuật. Ví dụ như A 55, B 71… Mã số này cấp quận, huyện có thể áp ngay trên bản vẽ quy hoạch chứ không cần phải chờ đến khi làm xong đường. Nếu đường kéo dài qua nhiều quận thì các quận liên quan phối hợp áp mã số. Sau khi đường làm xong thì cấp số nhà chính thức cho những ngôi nhà trên các con đường đó (nếu triển khai quy hoạch tốt thì số nhà cũng có thể được cấp ngay trên bản vẽ mà không cần chờ nhà làm xong). Trong khi chờ đợi có tên đường chính thức, các hộ dân ở đây đã có địa chỉ tạm thời để sử dụng, cơ quan chức năng có địa chỉ để quản lý. Khi nào đường có tên chính thức thì chỉ việc đổi mã số kỹ thuật bằng tên đường và các hộ dân có ngay địa chỉ chính thức mà không phải xáo trộn, thay đổi nhiều.

Thật ra thì còn có cách cấp số nhà hay hơn, nhanh hơn và khoa học hơn. Đó là số nhà thông minh theo công nghệ GIS của Công ty Dolsoft. Kiểu số nhà thông minh tuy mới mẻ nhưng vẫn tương thích với kiểu số nhà truyền thống nghĩa là vẫn một bên số lẻ, một bên số chẵn và theo thứ tự lớn dần từ đầu đến cuối đường. Hai kiểu số nhà mới và cũ này có thể tồn tại song song, không hề gây ra xáo trộn hoặc rắc rối gì về mặt quản lý. Những đường phố cũ vẫn giữ y kiểu số nhà truyền thống (để khỏi gây ra thay đổi xáo trộn) còn các khu đô thị mới và các đường phố mới thì nên áp dụng kiểu số nhà thông minh cho tiện lợi.

Cũng cần nên nhắc lại, số nhà thông minh là số nhà được xác định theo khoảng cách từ điểm khởi đầu con đường đến vị trí căn nhà. Ví dụ ở phía bên phải, nhà cách đầu đường 33,2m sẽ có số 34, cùng khoảng cách như vậy nhà bên trái sẽ mang số 33. Mỗi căn nhà có bề ngang mặt tiền ít nhất là 3m nên số nhà không thể trùng lặp. Tiện lợi hơn nữa là khi tách nhà thì có ngay số mới không trùng với bất cứ số nhà cũ nào mà không cần phải thêm bis hoặc A, B, C, D… Với kiểu số nhà này thì chẳng cần đến ban bệ gì nhiều, chỉ cần một anh công an khu vực hoặc một ông tổ trưởng dân phố với một cây thước hoặc một chiếc xe gắn máy có đồng hồ đo cũng có thể cấp ngay số nhà một cách chính xác cho người dân.

Và còn kỳ diệu hơn, với những con đường mới dù chỉ mới có một vài ngôi nhà thì cũng có thể cấp ngay số nhà một cách chính xác. Sau này trên con đường đó có thể xây dựng thêm vài ngàn căn nhà nữa thì vẫn cấp được số nhà đúng theo thứ tự tăng dần mà không cần phải chỉnh sửa lại số nhà của các căn cũ đã cấp.

Năm 2005, Công ty Dolsoft đề xuất cách chỉnh sửa số nhà ở TP.HCM theo phương pháp này. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lúc bấy giờ là Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đã ký văn bản hoan nghênh đề xuất đó và đề nghị các sở, quận huyện nghiên cứu áp dụng nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì vẫn chưa thấy đưa ra triển khai.

Lẽ nào số nhà thì đã thông minh còn bản thân chúng ta thì chưa. Và vì thế ta đã tự làm  khổ ta quá lâu.

Huỳnh Ngọc Chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.