Chào đón... tuổi già

08/03/2012 09:15 GMT+7

Có người nói già làm người ta khổ sở thì có, chứ làm sao già mà hạnh phúc được? Nhưng đối với tôi, tuổi già là bạn nên ta hãy "welcome" (chào đón) nó!

Có người nói già làm người ta khổ sở thì có, chứ làm sao già mà hạnh phúc được? Nhưng đối với tôi, tuổi già là bạn nên ta hãy "welcome" (chào đón) nó!

 
Tham gia các chương trình sinh hoạt cộng đồng sẽ đem đến niềm vui cho những người cao tuổi - Ảnh: T.T.D.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM - đã mở đầu buổi nói chuyện với chủ đề "Một tuổi già hạnh phúc" như vậy tại hội thảo chuyên đề "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" diễn ra sáng 7-3.

Trẻ mà già, già mà trẻ

Bác sĩ Hồng Ngọc kể chuyện: có một nhà báo nằm chiêm bao thấy thượng đế và nhà báo này đã phỏng vấn... thượng đế rằng: "Từ lúc sinh ra có điều gì làm ngài ngạc nhiên không?". Thượng đế trả lời: "Tôi thấy con người lúc nhỏ thì mong cho mau lớn. Khi lớn thì mong cho trẻ lại. Lúc trẻ thì lo kiếm tiền, không lo chăm sóc sức khỏe. Khi già rồi mới quan tâm đến sức khỏe. Con người lúc nào cũng nghĩ đến tương lai, buồn thương dĩ vãng, không nghĩ đến hiện tại. Trong khi tương lai chưa đến mà dĩ vãng đã qua...". Từ câu chuyện này, bác sĩ Ngọc nhắn nhủ mỗi người hãy tự chăm sóc sức khỏe của mình ngay từ hôm nay chứ không phải đợi đến khi tuổi già.

Theo bác sĩ Hồng Ngọc, có người nói già làm người ta khổ sở thì có, chứ làm sao già mà hạnh phúc được? Nhưng đối với ông, tuổi già là bạn nên phải "welcome" (chào đón) nó! Bao nhiêu tuổi là già? Có người cho rằng trên 50 tuổi là già, có người bảo 70 tuổi mới là già vì "thất thập cổ lai hi" (người 70 tuổi xưa nay hiếm). Thế nhưng, theo bác sĩ Hồng Ngọc, có người mới 20 tuổi đã "rất già" vì suốt ngày ngồi ở quán xá, rầu rĩ, buồn chán cuộc sống, nhưng có người 70-80 tuổi vẫn "rất trẻ" vì họ giữ được cuộc sống năng động, tinh thần lạc quan.

Ở góc độ sức khỏe, bác sĩ Hồng Ngọc cho biết Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa sức khỏe là tình trạng sảng khoái, thoải mái, trên cả mặt thể chất, tinh thần, xã hội. Tuy nhiên, có một định nghĩa sức khỏe tuổi già khác với định nghĩa sức khỏe nói trên là: sức khỏe là tình trạng duy trì được sự sảng khoái về mặt tinh thần, thể chất, xã hội. Đối với tuổi già, tinh thần phải được đặt lên trước thể chất vì tuổi già khó tránh được bệnh tật.

"Ba cao, một thấp"! 

Tham gia hoạt động xã hội

Để có một tuổi già hạnh phúc, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khuyên người cao tuổi nên tham gia những câu lạc bộ, hội đoàn, tham gia công tác thiện nguyện, có việc làm phù hợp, giữ các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội, sống gần gũi thiên nhiên...

 

Bác sĩ Ngọc cho biết các nhà khoa học khẳng định con người có thể sống đến 160 tuổi. Thế nhưng khi tuổi già đến, người già thường hay có vấn đề về thể chất, sức khỏe. Gần đây người già còn hay bị bệnh "ba cao, một thấp", đó là cao máu, cao đường, cao mỡ và thấp khớp. Ngoài ra, người già còn hay sợ... bệnh nên không dám ăn, ăn thiếu dinh dưỡng khiến sức khỏe mệt mỏi, dễ dẫn đến nhăn nhó, quạu quọ, cau có. 

Trong khi đó, nói về "Dinh dưỡng và sức khỏe người cao tuổi", TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho rằng lão hóa ở từng người có thể diễn ra nhanh hoặc chậm khác nhau. Những người hút thuốc lá sẽ lão hóa nhanh hơn người không hút thuốc lá cùng tuổi, cùng giới. Khi ở tuổi già, cơ thể bắt đầu giảm khối cơ, tăng tích mỡ, dễ bị rối loạn chuyển hóa... Tiêu hóa cũng kém dần, ăn không thấy ngon, miệng thấy lạt lẽo, ăn vào thấy nặng bụng, óc ách, dễ bị táo bón. Vào tuổi già, hệ nội tiết (giúp chuyển đổi thức ăn thành năng lượng) cũng thay đổi, dẫn đến thức ăn không được hấp thu và sử dụng tốt, làm ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Khả năng suy nghĩ chậm chạp hơn lúc trẻ, trí nhớ kém hơn, giác quan kém nhạy. Vì vậy, người cao tuổi dễ mắc các bệnh rối loạn lipid máu, tăng huyết áp...

Tuổi già sống khỏe, hạnh phúc

Theo TS Minh Hạnh, để sống khỏe với tuổi già, người cao tuổi nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối. Cụ thể, người cao tuổi nên ăn mỗi ngày nhóm tinh bột (cơm nên chọn gạo không chà xát quá kỹ, bắp, khoai); nhóm rau xanh nên ăn 200-300g mỗi ngày; trái cây (hạn chế ăn trái cây ngọt, ăn trái cây đa dạng màu sắc); nhóm đạm: thịt, cá, đậu hũ, sữa; chất béo: dầu, mỡ, bơ (hạn chế mỡ động vật); đường, muối: ăn hạn chế; uống đủ nước.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", TS Minh Hạnh khuyên để phòng bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tăng cholesterol, nên ăn cá hơn thịt, tăng rau và trái cây, giảm mặn...; phòng bệnh đái tháo đường nên ăn điều độ, giảm ngọt, tăng chất xơ; phòng bệnh ung thư dùng thực phẩm giàu chất chống oxy hóa; phòng ngừa bệnh phổi nên hạn chế hút thuốc lá; phòng ngừa loãng xương nên dùng thực phẩm giàu canxi, tập thể dục dưới ánh nắng buổi sáng. Ngoài ra, người cao tuổi cần giữ cho tâm hồn thanh thản, giảm mức ăn so với thời trẻ, tránh ăn quá no - đặc biệt khi có bệnh ở hệ tim mạch...

Nếu người cao tuổi thực hiện đúng bốn việc: ăn uống hợp lý, vận động vừa sức, bài thuốc (lá) trừ rượu, cân bằng tâm lý sẽ giúp giảm bệnh tăng huyết áp 55%, giảm bệnh tim mạch 75%, giảm bệnh ung thư 33%, giảm bệnh tiểu đường 50%.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.