Trần Trường Giang: Người tạo kỷ lục chuyển nhượng năm 2003 với giá 1 tỉ đồng

24/04/2020 07:25 GMT+7

Trần Trường Giang là tiền vệ cùng tuyển Việt Nam huy chương đồng Tiger Cup 2002. Nhưng anh gây ồn ào hơn cả là khi chuyển nhượng sang CLB Becamex Bình Dương với giá kỷ lục vào năm 2003 là 1 tỉ đồng

 Lần đầu mang về 88.000 đồng

Trần Trường Giang sinh 1.11.1976 tại Mỹ Tho, Tiền Giang, từ lúc nhỏ đã bén duyên với quả bóng, dù gia đình nhiều phen cho anh “ăn đòn” vì cái tội trốn học đi đá banh. Nhưng như Trường Giang nói “Bất cứ đứa trẻ nào thời đó cũng mê đá bóng. Tôi cũng bị Mexico 86 cuốn hút với những pha đi bóng tài tình của Maradona, Platini.. Nó như con “virus” chui vào máu của tôi nhẹ nhàng, nhưng luôn bộc phát mạnh mẽ. Bất cứ lúc nào tôi cũng muốn ra sân quần quật với quả bóng..”

Năm 12 tuổi, Trường Giang là gương mặt trẻ nhất trong số đội U.14 Tiền Giang được tuyển vào Trường Năng khiếu TDTT tỉnh. Giang nhớ lại “Lần đầu tiên, cầm số tiền 88.000 đồng về đưa cho ba mẹ, thế là bị quát lên: Con làm gì có tiền nhiều vậy, lấy của ai hay lượm được ngoài đường? Tôi trả lời Dạ! tiền lương và phụ cấp con lãnh ở nhà trường. Lại bị hỏi trường nào mà phát lương”? Dạ! Con vào đội bóng đá của Trường Năng khiếu TDTT tỉnh đó ạ! Ba mẹ la ngay: Quá rồi! Thực lòng gia đình không muốn cho tôi đi đá bóng. Tôi phải khóc và năn nỉ mãi”

Trường Giang trong màu áo đội tuyển

Tư liệu

Không bao lâu, anh trở thành đội trưởng và “ngôi sao” sáng trong vai trò tổ chức tấn công của đội bóng U.14 Tiền Giang và chỉ vài năm sau đã được đưa lên đội lớn khi mới 18 tuổi và chiếm vị trí chính thức ở đội hình xuất phát. Bất ngờ hơn cả là dù chơi ở giải hạng nhất nhưng với tố chất thủ lĩnh và kỹ thuật điều phối bóng khéo léo, Trường Giang lại lọt vào mắt xanh của HLV Henrique Calisto và được vị “phù thủy” lập tức gọi vào đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho Tiger Cup 2002. Khi đó Trường Giang, Tài Em hay Xuân Thành là những cái tên lạ lẫm gây nhiều tranh cãi, nhất là chưa có "số má " gì mà một bước lên tuyển nên cũng có ý kiến không phục

Trường Giang (hàng đứng, trái) cùng tuyển Việt Nam tại Tiger Cup 2002

tư liệu

Trường Giang tại Tiger Cup 2002

ảnh chụp màn hình

 

Nhưng Trường Giang cũng như Tài Em đã chứng minh mình xứng đáng với những gì thầy Tô tin tưởng và người hâm mộ mong đợi. Nếu Tài Em tỏa sáng với bàn thắng ghi từ cú sút xa vào lưới Indonesia ở trận hòa 2-2 thì Trường Giang đã ghi 3 bàn thắng gồm 2 bàn vào lưới Campuchia và 1 bàn ở trận tranh hạng ba thắng Malaysia 2-1. Trường Giang bồi hồi nhớ lại “ Trận tranh huy chương đồng với Malaysia rất quan trọng. Sáng hôm thi đấu, thầy “Tô” đi từng phòng động viên mọi người.

Khi thầy vào phòng tôi cùng Minh Phương ở chung, 2 chúng tôi đều hứa với thầy là sẽ quyết tâm, chơi thật tập trung và cùng quyết ghi bàn thắng để tặng thầy và người hâm mộ cả nước. Thực tế là chiều hôm đó tôi đã ghi bàn mở tỉ số sau một pha dàn xếp nhanh với đồng đội đá hậu vệ trái Phạm Minh Đức ở cuối hiệp 1 còn Minh Phương khi đó đá hậu vệ phải dâng lên đón đường chuyền của Lê Huỳnh Đức tung cú sút quyết đoán ấn định tỷ số 2-1 ở hiệp 2, giúp đội Việt Nam giành hạng ba. Chúng tôi mừng và tự hào vì đã hứa được làm được”.

.Chuyển nhượng 1 tỉ đồng

Thành công tại Tiger Cup 2002, Trường Giang được nhiều CLB chào mời, nhưng anh đã đồng ý cập bến với CLB Becamex Bình Dương với chiếc áo số 8, với giá chuyển nhượng 1 tỉ đồng và nhận lương 25 triệu/tháng. Cái giá này được xem là khủng nhất vào thời điểm năm 2003, nó tạo ra bước ngoặt chuyển nhượng cho cầu thủ nội sau đó. Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận xét " Thời đó 1 tỉ đồng là con số ghê gớm lắm. Cầu thủ Việt Nam có hay cách mấy cũng chỉ vài trăm triệu đồng thôi. Nhưng Trường Giang đã làm được điều mà nhiều cầu thủ nội lấy đó làm gương.."

Trường Giang tranh bóng cùng cầu thủ Đồng Tháp

CTV

Trường Giang kể lại “Thời đó chuyện đi ở rắc rối lắm chứ không phải đơn giản như bây giờ vì hợp đồng khi đó là hợp đồng lao động và thường ít người hiểu và nắm luật, thậm chí có cầu thủ còn không biết hợp đồng của mình ra sao vì bị cơ quan chủ quản giữ. Nhưng khi đó tôi quyết tâm ra đi vì muốn phát triển sự nghiệp còn lại ở tuổi 29 và cũng đề đạt nguyện vọng chính đáng đến lãnh đạo Sở TDTT Tiền Giang, Chú Nam Hùng (ông Nguyễn Nam Hùng) giám đốc Sở khi đó dù ủng hộ việc chuyển nhượng nhưng cũng bị áp lực muốn giữ lại tôi để dìu dắt đội đi lên. Cuối cùng rồi tôi cũng thỏa được ước mong của mình..”

Chính cái giá được xem là kỷ lục của Trường Giang khi đó trở thành cú đột phá mạnh mẽ ở bóng đá nội dẫn đến nhiều cuộc chuyển nhượng khác tốn khá nhiều giấy mực của truyền thông, chẳng hạn như vụ Minh Phương từ Cảng Sài Gòn về Gạch Đồng Tâm Long An. Về Bình Dương, với lối chơi tích cực, cần mẫn, thông minh và tinh tế trong các pha xử lý bóng Trường Giang sớm trở thành đội trưởng và cùng CLB vô địch Việt Nam 2 năm liên tiếp 2007, 2008.

Trường Giang (trái) đội trưởng của Bình Dương

Dương Thu

Nói về Trường Giang là “playmaker” (cầu thủ làm bóng) hay nhất của bóng đá Việt Nam cũng chẳng ngoa, bởi những gì mà anh thể hiện tại đất Thủ suốt 6 mùa giải. Từ thời Nam Dae Shik (2004), đến Vital (2009) .. Trường Giang luôn là sự lựa chọn số 1 ở khu giữa sân và đội bóng Bình Dương do anh dẫn dắt luôn trở nên mạnh mẽ qua từng mùa bóng, với vị trí thứ 6 V-League 2004, hạng 3 năm 2005, á quân năm 2006 và 2 chức vô địch liên tiếp 2007 & 2008.

Năm 2008, một lần nữa “Phù thủy” Calisto đã  gọi Trần Trường Giang vào đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho AFF Cup 2008. Và tại giải đấu này, Trường Giang cùng đội tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á. Tiếp đó sau trận thắng Li-băng trong Vòng loại Cúp bóng đá châu Á 2011. Trường Giang xin từ giã đội tuyển Việt Nam vì lý do tuổi tác và đá thêm cho Bình Dương rồi Navibank Sài Gòn một thời gian ngắn trước khi chia tay nghiệp quần đùi áo số ở tuổi 35.

Trường Giang (bìa trái), đội trưởng của Bình Dương

Dương Thu

Nhớ lại ngày xưa ấy, Trường Giang xúc động: “Quả là thầy “Tô” đã sinh ra tôi lần thứ 2. Nếu không có ông ấy, chắc chắn sẽ không có một Trường Giang đầy đủ “hình hài” để thành công với bóng đá. Tôi luôn biết ơn thầy vì ông luôn theo sát, tin tưởng và tạo cơ hội tốt cho tôi. Chính tấm lòng và nhãn quan chiến thuật sắc sảo đó của ông đã giúp tôi luôn  như được truyền lửa, luôn được thôi thúc để tạo được cảm hứng và bền bỉ trong thi đấu”

Gần 10 năm chơi ở đỉnh cao, Trường Giang đã khép lại sự nghiệp một cách âm thầm nhưng rất ấn tượng. Anh như một “hiện tượng” ở đội tuyển quốc gia khi nổi lên thật bất ngờ giống như sau cái chớp mắt (Tiger Cup 2002), rồi khi phong độ tỏa sáng rực rỡ ở thời điểm 2002-2004 thì đội tuyển lại thảm bại nhất (Tiger Cup 2004) và lúc anh ít đổ mồ hôi nhất thì nhận chức vô địch (AFF Cup 2008)

Trường Giang, ông chủ bán cà phê

Dương Thu

Trường Giang nhận giải cầu thủ xuất sắc ở giải phong trào

Thiên Long

Trường Giang thi đấu phong trào đối mặt với ca sĩ Chế Thanh

Dương Thu

Giờ đây, Trường Giang đang sống tại quê nhà (phường Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) với ngôi nhà vừa phải, nhưng khá khang trang. Anh mở quán café Trường Giang, nhằm làm nhịp cầu nối với các cầu thủ bóng đá Phủi (Giang cũng tham gia các giải phong trào) và cũng là nơi nhiều bạn bè cũ sum họp, tâm sự. Trong khi vợ của Trường Giang- chị Hồng Ngọc ở nhà mở spa (chăm sóc, làm đẹp cho phụ nữ) nhằm cùng chồng có thêm thu nhập chăm sóc 3 đưa con: 2 cháu trai (19 tuổi, 16 tuổi và cô gái út 8 tuổi). Giang nói "Với tôi như vậy là mãn nguyện rồi. Tôi không mong gì hơn ngoài sức khỏe và niềm hạnh phúc cùng gia đình"

Tác giả trao đổi cùng Trường Giang

Tuyết Sương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.