Trung Quốc thử đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa

Khánh An
Khánh An
15/04/2023 19:32 GMT+7

Việc đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa có nhiều thách thức về công nghệ, nhưng sẽ giảm thiểu nguy cơ gây thiệt hại.

Trung Quốc thử đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa - Ảnh 1.

Các binh sĩ tại trung tâm chỉ huy phóng tên lửa đạn đạo trong một cuộc diễn tập ở địa điểm chưa rõ tại Trung Quốc

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Tờ South China Morning Post ngày 15.4 đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo thử nghiệm thành công đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay ở giai đoạn giữa.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành bên trong lãnh thổ, không gian phía trên Trung Quốc vào ngày 14.4 và "hoàn thành các mục tiêu". Kết quả nâng tổng số lần thử đánh chặn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn giữa lên ít nhất 6 lần.

"Thử nghiệm này về bản chất là phòng thủ và không nhằm riêng vào bất cứ quốc gia nào", theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Phòng thủ tên lửa đạn đạo có ý nghĩa quan trọng vì những tên lửa tốn kém hơn này thường nhằm vào những mục tiêu có giá trị cao, nhất là những tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thường có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Đánh chặn giai đoạn giữa là công nghệ tiên tiến khi tên lửa đạn đạo phóng đến bị bắn rơi ở giai đoạn giữa, khi bay bên trên bầu khí quyển của trái đất.

Việc đánh chặn này tốt nhất được tiến hành vào giai đoạn giữa vì các tên lửa còn ở xa và sau khi phóng chưa lâu. Trong khi đó, giai đoạn cuối khi trở lại bầu khí quyển, nó có thể chia ra nhiều đầu đạn và di chuyển với tốc độ có thể cao hơn gấp 20 lần so với vận tốc âm thanh (1234,8 km/giờ).

Quỹ đạo bay giai đoạn giữa cũng khá ổn định và dễ đoán, tăng cơ hội ngăn chặn thành công. Giai đoạn này cũng có thời gian lâu nhất trong hành trình của tên lửa, thường chiếm khoảng 2/3 tổng thời gian bay.

Một lợi thế khác là việc đánh chặn như thế sẽ phá hủy tên lửa của đối phương bên ngoài bầu khí quyển, giảm nguy cơ thiệt hại ở mặt đất.

Tuy nhiên, đánh chặn tên lửa ở giai đoạn giữa có nhiều thách thức. Để đánh chặn một tên lửa đạn đạo ở độ cao và khoảng cách như thế cần có hệ thống do thám và cảnh báo sớm toàn cầu, cũng như điều khiển chính xác tên lửa đánh chặn.

Tài liệu mật Lầu Năm Góc bị rò rỉ nói gì về tên lửa Trung Quốc?

Trung Quốc là nước thứ 2 sau Mỹ sở hữu công nghệ này. Tuy nhiên, mọi tên lửa đánh chặn của Trung Quốc đều được phóng từ các bãi thử nghiệm trên bộ, trong khi Mỹ còn có năng lực phòng thủ tên lửa giai đoạn giữa từ trên biển.

Bắc Kinh thông báo thử nghiệm đánh chặn tên lửa giai đoạn giữa lần đầu vào năm 2010, trước ít nhất 5 lần tương tự vào các năm sau đó, với lần gần đây nhất là tháng 6.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.