Xét xử đại án Huyền Như: Căng thẳng quanh trách nhiệm của Vietinbank

16/01/2014 18:48 GMT+7

(TNO) Ngày 16.1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần tranh luận. 49 luật sư tham dự phiên tòa hoàn tất việc bào chữa cho các bị cáo cũng như bảo vệ quyền lợi cho các bên.

(TNO) Ngày 16.1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần tranh luận. 49 luật sư tham dự phiên tòa hoàn tất việc bào chữa cho các bị cáo cũng như bảo vệ quyền lợi cho các bên.


Bị cáo Huyền Như sau phiên xử - Ảnh: Lê Quang

Tiếp tục đòi Vietinbank phải có trách nhiệm

Mở đầu ngày làm việc, luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank, bị chiếm đoạt 200 tỉ đồng) cho rằng vụ án này là một bài học xương máu liên quan đến quyền lợi vô cùng quan trọng và chính đáng của hàng triệu người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.

Theo luật sư Đức, có điều mà ông khó hiểu là Viện KSND tối cao xác định đây là 1 trong số 10 vụ đại án tham nhũng, tuy nhiên cho đến thời điểm sắp kết thúc giai đoạn tranh luận, vẫn không thấy có hành vi nào được coi là tham nhũng? (Trước đó, đã có nhiều tranh luận trái chiều cho rằng trong một chuỗi hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như, có một số hành vi là tham ô, nhưng hiện nay chỉ truy tố Như về tội lừa đảo - PV).

Đối với Navibank, luật sư Đức xác định đơn vị này không phải là “Nguyên đơn dân sự” (pháp nhân bị thiệt hại) trong mối quan hệ với Huỳnh Thị Huyền Như vì không có đơn yêu cầu bị cáo Như bồi thường thiệt hại và không “Được thông báo về kết quả điều tra” theo quy định tại điều 52 của bộ luật Tố tụng hình sự. Về vấn đề gửi tiền vượt trần lãi suất, luật sư Đức thừa nhận là sai, nhưng sai đến đâu thì chịu đến đấy. “Chẳng có quy định nào, lý lẽ nào lại cho rằng gửi tiền vượt trần lãi suất thì bị mất quyền sở hữu đối với tiền của mình”, luật sư Đức nói.

Ngoài ra, Navibank không gửi tiền cho cá nhân Huyền Như mà gửi tiền vào một ngân hàng được xếp hạng A, uy tín thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Navibank không tin vào Huyền Như một cách vô căn cứ như Viện KSND đánh giá vì Huyền Như được Vietinbank tuyển dụng giao quyền hạn đại diện cho Vietinbank. 

Sau khi giao dịch gửi tiền của Navibank vào Vietinbank hoàn tất, không hề có bất kỳ sự đồng ý nào của người gửi tiền nhưng Như đã thực hiện các thủ đoạn gian dối lừa Vietinbank để chuyển tiền khỏi các hợp đồng tiền gửi. Về nguyên tắc, cán bộ ngân hàng làm sai, thì trước hết ngân hàng phải chịu trách nhiệm theo quy định tại điều 618 bộ luật Dân sự.

Luật sư Đức còn lập luận nếu Vietinbank không trả tiền gửi cho khách hàng, thì dẫn đến sự bất ổn là: tất cả các bị cáo là nhân viên của Vietinbank đang bị xét xử oan sai; chức danh trưởng phòng của Vietinbank không có giá trị đại diện cho Vietinbank trong các giao dịch; ngân hàng không chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng; tiền gửi nằm trong tài khoản hợp pháp tại ngân hàng cũng chẳng có gì bảo đảm…

Luật sư Vũ Viết Vạn Xuân (bảo vệ cho Công ty cổ phần đầu tư và thương mại An Lộc, bị thiệt hại 170 tỉ đồng) cho rằng nếu Vietinbank phủ định sạch trơn trách nhiệm là nguy cơ cảnh báo sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng khi khách hàng mất niềm tin, kéo nhau đi rút tiền.

“Vậy Huyền Như rút tiền của ai? Tôi xin khẳng định tiền này là tiền của Vietinbank. Bởi lẽ khi An Lộc chuyển tiền hợp pháp vào Vietinbank ngay lập tức thuộc quyền quản lý, định đoạt của Vietinbank. Với tư cách là một tổ chức tín dụng, kinh doanh tiền tệ, Vietinbank hoàn toàn có quyền sử dụng tiền của khách hàng để kinh doanh, cho vay và chỉ chịu trách nhiệm với khách hàng số tiền gốc, lãi suất… Còn khách hàng phải cam kết không được rút số tiền này trong thời hạn quy định”, luật sư Xuân phân tích. Từ đó, luật sư phản bác rằng Viện KSND nhận định rằng Huyền Như chiếm đoạt tiền của An Lộc là không có cơ sở.

Luật sư Vietinbank phản pháo

Bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, luật sư Nguyễn Thị Bắc (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng luận tội của Viện KSND là khách quan. Theo luật sư Bắc, do sức ép trả nợ, Như nảy sinh ý định huy động tiền của các tổ chức, cá nhân để lấy tiền người sau trả cho người trước. Tất cả những việc huy động vốn để chiếm đoạt tài sản là giao dịch bất hợp pháp do cá nhân Như thực hiện, thực hiện ngoài trụ sở của Vietinbank.

Luật sư Bắc dẫn chứng thêm, chẳng hạn như vụ Huyền Như gặp Huỳnh Hữu Danh đề nghị VIB cho vay tiền là giao dịch với cá nhân Huyền Như dẫn đến VIB bị Như chiếm đoạt 180 tỉ đồng. Các hợp đồng ủy thác đầu tư ký với Công ty CPVT dầu khí Thái Bình Dương, Công ty TNHH ZenPlaza, bà Giã Thị Mai Hiên, Phạm Anh Tuấn, Lê Kim Tuyến là các hợp đồng giả và giao dịch với cá nhân Huyền Như. Còn 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên đã mắc bẫy lãi suất cao và sai lầm khi đưa hồ sơ mở tài khoản cho cá nhân Như đăng ký và chuyển tiền theo hợp đồng giả nên mất tiền.

Tương tự là trường hợp của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Saigonbank - Berjaya ký kết chuyển tiền theo hợp đồng giả bị Như lừa mất tài sản. Các Công ty Phương Đông, An Lộc đã phạm sai lầm giao lệnh chi khống cho Như và khi thấy giao dịch tài khoản phát sinh dòng tiền “lạ” cũng không có ý kiến gì. Chính vì vậy, Như đã tận dụng các sai phạm của hai đơn vị này thực hiện hành vi gian dối với tư cách cá nhân chiếm đoạt tài sản.

Đối với số tiền ACB gửi vào Vietinbank, luật sư Bắc cho rằng đơn vị này đã phó mặc cho Như giữ các thẻ tiết kiệm muốn làm gì thì làm nên Như mới có cơ hội sử dụng các thẻ này cầm cố, thế chấp và tất toán chuyển khoản tiền khỏi tài khoản.

Tóm lại, theo luật sư Bắc, Như có thể chiếm đoạt tiền là vì các cá nhân, tổ chức đã bị sập bẫy lãi suất. Theo luật sư Bắc đó là bài học tham thì thâm…

Ngay sau khi luật sư Bắc trình bày ý kiến, các luật sư của bị hại bức xúc đòi tranh luận ngay nhưng HĐXX không chấp thuận, yêu cầu phải theo trình tự, việc tranh luận sẽ diễn ra sau.

Ngày 17.1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, người đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Nam Việt cho rằng các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong vụ án này đã trở thành nguyên đơn dân sự bất đắc dĩ trong phiên tòa. Quan điểm “giải thoát” cho Vietinbank là không phù hợp và đó là sự sáng tạo không thể chấp nhận. Tiền gửi vào Vietinbank là tin vào thương hiệu Vietinbank chứ không phải tin vào một cá nhân nào nên buộc Vietinbank phải có trách nhiệm, phải trả tiền cho khách hàng là tất yếu. Luật sư Nghiêm còn đề nghị khởi tố những người có trách nhiệm của Vietinbank liên quan đến những khoản vay bị thất thoát, chiếm đoạt nói trên.

Lê Quang

>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Lời bào chữa ‘gai góc’ của các luật sư
>> Xét xử đại án Huyền Như: Luật sư nói HĐXX vi phạm pháp luật
>> Ông Nguyễn Bá Thanh dự khán phiên tòa xử Huỳnh Thị Huyền Như
>> Xét xử 'đại án' Huyền Như: Quy tội Huyền Như để 'giải thoát' Vietinbank?
>> Xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Các bị cáo vi phạm quy định cho vay được vô tội ?
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Các bị cáo là nạn nhân của 'sếp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.