Hạ hỏa trước, cứu hỏa sau

02/12/2013 00:56 GMT+7

Chuyến đi Đông Bắc Á từ ngày 1.12 của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden lẽ ra nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác chính trị - kinh tế của nước này với Trung Quốc cũng như quan hệ đồng minh chiến lược với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, tình hình thời sự ở khu vực biến mục đích chuyến thăm thành xử lý khủng hoảng chính trị an ninh. Việc Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông tạo ra cục diện quân sự - an ninh mới, ảnh hưởng trực tiếp lợi ích chiến lược của Mỹ và cả Hàn Quốc. Căng thẳng và gay cấn trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc luôn thử thách quan hệ giữa chính nước này với Trung Quốc.

Sứ mệnh hạ hỏa của ông Biden không dễ khả thi bởi Mỹ vừa trong lại vừa ngoài cuộc. Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong khi Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản. Hơn nữa, nếu việc Trung Quốc vừa làm là tạo tiền lệ, tức báo hiệu khả năng có thể hành động tương tự ở cả những vùng biển khác nữa thì chắc chắn tự do thông thương hàng hải và hàng không của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Chính vì thế mà ông Biden phải tìm cách hạ hỏa trước khi bị đẩy vào trách nhiệm tham gia cứu hỏa. Cách ứng xử của Mỹ trước chuyến thăm là khẳng định hậu thuẫn Nhật Bản và cảnh báo, răn đe Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ lại có cách xoa dịu Trung Quốc khi cho máy bay quân sự phớt lờ vùng phòng không nói trên nhưng lại khuyến cáo các hãng hàng không dân sự của mình không làm thế.

Mặt khác, Trung Quốc làm găng với Nhật Bản nhưng luôn lưu ý không để Mỹ quá khó xử. Trong chuyện này, đúng là Trung Quốc đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng nhưng sẽ không để lây lan thành hỏa hoạn, ít nhất thì cũng trong thời gian tới.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.