Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn

24/12/2013 09:00 GMT+7

Mâu thuẫn ở các trường ĐH tư thục ngày càng trầm trọng, hiện tượng kinh doanh giáo dục trở nên phổ biến… đã làm biến dạng môi trường giáo dục, dẫn đến cần đặt ra yêu cầu xem xét lại các chính sách của loại hình trường ĐH này.

 ĐH Hùng Vương
Nội bộ Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) phân thành 2 phe, tranh chấp con dấu từ tháng 6.2013 đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến sinh viên chịu thiệt thòi - Ảnh: Đăng Nguyên

Càng nhiều tiền, càng có quyền

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất ổn ở trường ĐH tư thục là những quy định về loại hình trường này đã đi chệch mục tiêu.

 
Rõ ràng người có tiền được quyết định rất nhiều thứ. Điều này chỉ phù hợp với doanh nghiệp. Đây là sai lầm của chính sách

GS-TSKH Đào Văn Lượng
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn

Trong khi nhà nước khuyến khích các cơ sở ĐH ngoài công lập phát triển theo cơ chế phi lợi nhuận thì một số quy định quan trọng về loại hình trường ĐH tư thục lại buộc các trường này hoạt động theo cơ chế vì lợi nhuận. Cụ thể, Quyết định 61/2009/QĐ-TTg (ban hành kèm theo quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH tư thục) và Quyết định 63/2011/QĐ-TTg (về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế ban hành kèm theo Quyết định 61) của Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động trường ĐH tư thục theo mô hình của một công ty cổ phần. Theo đó, tất cả mọi hoạt động của trường đều được quyết định từ đại hội đồng cổ đông. Đại hội này bầu ra Hội đồng quản trị đại diện cho nhà trường và có những quyền hạn rất lớn quyết định mọi đường hướng phát triển của trường.

Thông qua đại hội cổ đông, những người càng có nhiều tiền sẽ càng có quyền quyết định những vấn đề của trường vì quy chế quy định “số phiếu biểu quyết tương ứng với số cổ phần đang sở hữu”. Cũng theo quy chế đó, các nhà giáo dục, khoa học và quản lý chỉ giữ vai trò thụ động và luôn chịu sự áp đặt quyền lực của những người góp vốn. Quy chế quy định Hội đồng quản trị chỉ bao gồm “những người góp vốn xây dựng trường”, không nhắc đến các thành phần đại diện cho cộng đồng xã hội và đại diện cho sinh viên. Như vậy, những nhà đầu tư có nhiều tiền sẽ có quyền quyết định những vấn đề của trường, còn các nhà giáo dục dù có đóng góp nhiều trí tuệ nhưng số vốn ít ỏi thì tiếng nói sẽ không mấy giá trị.

Trường học hay công ty?

Quy chế cũng quy định: “Tổng thu nhập sau khi đã trừ các khoản chi phí cần thiết cho hoạt động của nhà trường thì được phân chia cho các cổ đông theo tỷ lệ góp vốn”. Như vậy trường ĐH tư thục thực chất chỉ là các công ty cổ phần hoạt động theo cơ chế vì lợi nhuận. Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng không ít trường ĐH tư thục trở thành những công ty kinh doanh giáo dục.

Đặc biệt, quy định cho phép quyết định của đại hội đồng cổ đông có giá trị hiệu lực khi được ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận, đã dẫn tới tình trạng ở nhiều trường các cổ đông chạy đua bán hoặc thu gom cổ phần để giành giật quyền lực, hình thành các nhóm lợi ích chi phối mọi hoạt động. Quy định này cũng vô hình trung tạo điều kiện làm thay đổi nhanh chóng thành phần cổ đông được quyền biểu quyết và làm cho đường hướng phát triển của trường ĐH tư thục không ổn định. Mỗi lần thay đổi nhà đầu tư thì đường hướng phát triển của trường ĐH tư thục có thể bị thay đổi theo quyết định của nhà đầu tư mới. Đó là chưa nói đến các tình huống rủi ro khi nhà đầu tư làm ăn thua lỗ, không thể duy trì việc đầu tư thì trường có nguy cơ… phá sản. Trong bối cảnh đó, số phận người học trở nên bấp bênh và hậu quả xấu cho xã hội vô cùng lớn.

Tất cả đều vì lợi nhuận

Trong khi mô hình trường ĐH tư thục có nhiều bất ổn thì Chính phủ lại quyết định chuyển toàn bộ 19 trường ĐH dân lập sang loại hình tư thục. Điều đó cũng có nghĩa là chấm dứt sự tồn tại của dân lập, một loại hình mang khá đậm sắc thái không vì lợi nhuận. Với quyết định này, các trường  dân lập buộc phải chuyển sang cơ chế hoạt động vì lợi nhuận.

Thông tư 20 hướng dẫn chuyển đổi của Bộ GD-ĐT yêu cầu trường chuyển đổi phải có vốn điều lệ không dưới 50 tỉ đồng. Vì vậy, những trường ĐH dân lập do các nhà giáo sáng lập do không có nhiều tiền và không đủ số vốn quy định buộc phải kêu gọi nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư vào trường và nắm giữ số vốn lớn thì họ lại có quyền quyết định sự phát triển của trường. Lúc này nhà giáo dục gần như mất trường vì với số vốn ít ỏi họ sẽ chẳng thể quyết định được các vấn đề của trường theo cơ chế đại hội đồng cổ đông.

Cũng theo hướng dẫn của Thông tư 20, sẽ có sự chuyển đổi từ chủ sở hữu tập thể các thành viên trong nhà trường qua chủ sở hữu tư nhân của những người góp vốn. Trong khi đó, căn cứ để được công nhận là "người góp vốn" lại  không tính đến các loại vốn "trừu tượng" như trí tuệ, công sức của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý. Bởi vậy có tình trạng là sau chuyển đổi, trường ĐH bị tuột khỏi tay số đông người thực sự có công lớn trong việc thành lập và xây dựng  trường để chuyển vào tay những nhà đầu tư có nhiều tiền. Đó là một trong những nguyên nhân mà một số nhà giáo dục đã quyết định bán trường để không bị thiệt thòi khi trường đã chuyển đổi.

Theo GS-TSKH Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, Quy chế 61 và Thông tư 20 không thể hiện rõ vai trò của nhà giáo và người học. Ông Lượng nói: “Theo các quy chế hiện hành, Hội đồng quản trị trường ĐH tư thục có quyền rất to, quyết định rất nhiều vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển trường... Rõ ràng người có tiền được quyết định rất nhiều thứ. Điều này chỉ phù hợp với doanh nghiệp. Đây là sai lầm của chính sách”.

Chuyển đổi bất thành

Theo Nghị định 75 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Giáo dục thì VN chỉ có 2 loại hình trường ĐH là công lập và tư thục. Do vậy Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg cho phép 19 trường ĐH dân lập được phép chuyển đổi sang loại hình trường tư thục. Quyết định này yêu cầu Bộ GD-ĐT hướng dẫn việc chuyển trước ngày 30.6.2007.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, vào ngày 16.7.2010, Bộ mới ban hành Thông tư 20 hướng dẫn về việc chuyển đổi trường. Khi triển khai, hầu hết các trường đều lúng túng vì thông tư này có nhiều vướng mắc, khó giải quyết, nhất là vấn đề sở hữu trường. Từ đó đến nay chỉ có 4/19 trường chuyển đổi nhưng hầu hết đều nảy sinh bất ổn.

Ngày 2.3.2013, Bộ có Công văn số 2071 đề nghị các trường dân lập chưa chuyển đổi sang tư thục được tiến hành bầu Hội đồng quản trị lâm thời của trường, nhưng khi thực hiện công văn này lại tiếp tục phát sinh những vướng mắc mới.

Tháng 10 vừa qua, Bộ đã công bố Dự thảo thông tư quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường ĐH dân lập sang tư thục để thay thế cho Thông tư 20. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục thì cơ bản những vướng mắc làm chậm quá trình chuyển đổi vẫn chưa được giải quyết.

Bùng nổ mâu thuẫn

Trong hơn 20 năm tồn tại, nhiều trường ngoài công lập cũng phát sinh mâu thuẫn giữa các nhà giáo dục và nhà đầu tư. Tuy nhiên từ sau năm 2005, khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế về trường ĐH tư thục và yêu cầu chuyển đổi loại hình trường thì các mâu thuẫn trở nên gay gắt hơn.

Điển hình là sự việc diễn ra tại ĐH Hùng Vương (TP.HCM). Từ khi thực hiện chuyển đổi (năm 2010), trường này có thêm nhà đầu tư mới và trường bắt đầu mất ổn định. Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM) khi thực hiện chuyển đổi cũng bùng nổ mâu thuẫn do Hội đồng quản trị đã tổ chức “bán vốn” cho nhà đầu tư mới mà không được sự chấp thuận của tập thể nhà trường.

Mâu thuẫn không chỉ diễn ra ở các trường dân lập thực hiện chuyển đổi sang mô hình tư thục mà còn ở các trường ĐH tư thục mới ra đời. Trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) khi mới đi vào hoạt động cũng đã phát sinh mâu thuẫn do Hội đồng quản trị trường này từng tùy tiện bán vốn cho nhà đầu tư mới mà không thông qua đại hội đồng cổ đông. Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) cũng từng diễn ra những mâu thuẫn gay gắt giữa nhà giáo dục và nhà đầu tư mà nguyên nhân cũng do nhóm đầu tư khống chế và muốn kinh doanh giáo dục. Tình trạng mâu thuẫn kéo dài giữa nhà trường và nhà đầu tư cũng từng diễn ra tại Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM và một số trường khác…

Vũ Thơ

 >> Trường ĐH tư thục phải trích 25% thu nhập để đầu tư
>> Cần thay đổi cơ chế quản lý trường ĐH tư thục
>> Mỹ: ĐH tư thục là một tổ chức phi lợi nhuận
>> ĐH tư thục đang bị buôn bán: Phi lợi nhuận hay siêu lợi nhuận?
>> UBND tỉnh có quyền không công nhận hiệu trưởng trường ĐH tư thục
>> Vay 200 triệu USD phát triển ĐH tư thục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.