Cân điêu là không thể chấp nhận được

06/02/2014 13:05 GMT+7

Thực trạng cân thiếu, cân điêu và người tiêu dùng phải chịu sự thiệt thòi vì bị bớt xén đã và đang tồn tại trên thị trường như một căn bệnh trầm kha khó bề… điều trị nổi.

Thực trạng cân thiếu, cân điêu và người tiêu dùng phải chịu sự thiệt thòi vì bị bớt xén đã và đang tồn tại trên thị trường như một căn bệnh trầm kha khó bề… điều trị nổi.


Nhiều bà nội trợ than phiền mua hàng bán rong thường xuyên bị cân thiếu - Ảnh minh họa: Hùng Vũ

Chiều một ngày đầu năm mới, khi đi làm về ngang qua khu vực ngã tư đường phố gần khu tập thể (Hà Nội), tôi được một người bán mít dạo mời mua.

Trời mát mẻ, nghĩ ăn mít sẽ ngon nên tôi tạt sang mua một ít. Khi nếm một múi mít tôi thấy rất ngon, ngọt và người bán hàng nói giá 1 ký mít bóc tách múi sạch sẽ là 50.000 đồng. Tôi mặc cả 40.000 đồng/kg, và người bán đồng ý. Khi nhìn thấy chiếc cân hoen rỉ, với quả cân buộc dây ruy băng tôi vội bảo họ là liệu cân như vậy có đảm bảo đúng trọng lượng không? Người bán hàng nhanh nhảu thanh minh: “Nhìn cân tuy vậy thôi nhưng em cân đủ, không thiếu một lai nào đâu. Thiếu một đền mười, không tin chị cứ đi cân thử khắc biết…”.

Nghe thì nghe vậy, nhưng tôi vẫn khả nghi, vì mặc dù người bán hàng cân ngay trước mặt song tôi thấy trọng lượng của 1 kg mít sao mà quá ít (?!).

Đoán chắc là thiếu nhưng tôi chẳng biết làm thế nào vì chẳng có chiếc cân nào mang theo cùng mà đối chiếu, nên trả tiền cho xong.

Về tới nhà, bỏ mớ hàng hóa lên chiếc cân ở nhà để so sánh thì chao ôi, khối lượng mít chỉ còn là… bảy lạng rưỡi, không hơn không kém. Ấm ức vì sự gian dối và lời thanh minh lèo lèo của người bán hàng kia, nhưng vì không mua của người ngồi ổn định một chỗ, với lại cũng… chẳng đáng là bao nên tôi cũng không quay ra tìm lại người bán hàng kia làm gì…

Sáng hôm sau mang chuyện mua 1 kg mít chỉ ăn… 7 lạng rưỡi tới nơi làm việc kể cho mọi người nghe thì một chị bạn ngồi cạnh cười bảo: “Ôi, tưởng gì chứ 1 kg ăn 7 lạng rưỡi còn tươm chán, chứ cái kiểu mua dọc đường, lề phố của những người bán hàng rong thì cân còn chỉ ăn… 6 lạng nữa chứ. Không chỉ dọc đường, mà ở nhiều khu chợ lớn hẳn hoi đại đa số các chủ buôn bán đều cân điêu một cách quá đáng…”.

Vâng, quả là thực trạng cân điêu và người tiêu dùng phải chịu sự thiệt thòi vì bị bớt xén đã và đang tồn tại trên thị trường như một căn bệnh trầm kha khó bề… điều trị nổi. Nếu như một số loại hàng hóa là hoa quả, nông thổ sản, rau… giá chỉ độ dăm bảy ngàn tới một vài chục ngàn/kg còn đỡ, đằng này nhiều loại hàng hóa rất đắt đỏ, giá lên tới cả trăm ngàn, tiền triệu, thậm chí cả vài ba triệu đồng/kg, thì khi người tiêu dùng bị cân thiếu một vài lạng/kg thì đó đã là cả một sự thiệt thòi lớn.

Theo như tôi được biết thì đã có một thời gian ở hầu hết các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn cả nước đều có đặt những chiếc cân công cộng của Ban tổ chức chợ để người mua cân kiểm tra khối lượng hàng hóa xem có đủ không. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà nhiều nơi việc duy gì những chiếc cân công cộng như thế đã không tồn tại nữa. Chính vì không có những chiếc cân công cộng như thế nên tình trạng những người buôn bán cân điêu để trục lợi kiếm lời của người tiêu dùng là điều dễ hiểu.

Mất tiền đủ cho khối lượng của 1 kg (1.000 gram) mà lại chỉ được hưởng thực có 600-700 hoặc 800 gram là một điều vô lý và khó lòng chấp nhận được. Thực trạng cân thiếu, cân điêu đang lũng loạn trên thị trường và nó cần được các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để chấn chỉnh. Cần kiên quyết và có hình thức xử lý thật nặng với những người buôn bán cân điêu, cân thiếu cho khách hàng.

Vấn đề chấn chỉnh này cần phải duy trì thường xuyên và nên bắt đầu ở các chợ với việc khôi phục lại những chiếc cân “công cộng” để mọi người tiêu dùng đỡ bị thiệt thòi…

Nguyễn Duy Hoàng (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một sinh viên Đại học Luật Hà Nội

>> Đong thiếu, cân điêu... thời “bão giá”
>> Cân thiếu, còn đâm chết người
>> ‘Độ’ cân móc túi người mua - Kỳ 2: Tràn lan cân gian
>> Cân gian

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.