Những "cái bỏ" không chạnh lòng

24/12/2005 23:29 GMT+7

Một bé trai mới sinh, trên mình máu me bê bết, rốn quấn ngang bụng, toàn thân tím tái vì lạnh, nằm gọn trong bịch nylon với nước mưa ngập nửa người, không một mảnh vải che thân... Những cảnh tượng đau lòng như thế đang xảy ra ngày một nhiều ở những khu vực có đông công nhân ở trọ tại TP.HCM.

Những đứa trẻ đáng thương

Mới đây, trên đường đến nơi làm việc, khi ngang qua tổ 12, khu phố 3 P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 (TP.HCM), anh công nhân tên V. (Công ty may P.Kh. Q.12, TP.HCM) bỗng nghe tiếng khóc trẻ sơ sinh vọng ra từ một... sọt rác bên đường. Bước đến nơi phát ra tiếng khóc, anh V. nhìn thấy bên trong sọt rác có một bịch nylon màu đen đang... động đậy. Vừa sợ, vừa run nhưng V. vẫn vạch ra xem, thì bất ngờ thấy một đứa trẻ sơ sinh nằm gọn bên trong, miệng đỏ hỏn đang kêu khóc oe oe. Vội nhặt lên, anh V. gọi mọi người tới để cùng cứu lấy đứa bé đáng thương. Đó là một bé trai, thân mình bê bết máu, rốn quấn ngang bụng, toàn thân tím tái vì lạnh do nước mưa ngập nửa người lại không một mảnh vải che thân. Mọi người vội đưa bé về nhà đốt lửa sưởi. Lát sau, anh Ba, một bác sĩ nhà gần đó mang y cụ tới cắt rốn cho bé. Sau khi sơ cứu, mọi người đưa bé tới Trung tâm y tế Q.12. "Nhìn thằng bé đáng thương lắm! Nếu không được phát hiện, chậm mươi phút thôi thì không chết rét cũng chết ngạt bởi lúc đó trời đang mưa. Chúng tôi vệ sinh cho cháu, đến Trung tâm y tế cân được 3,3 kg. Tội nghiệp thằng bé, không hiểu người mẹ ác tâm nào lại đi vứt bỏ núm ruột của mình một cách dã man như vậy?" - một chị bán bánh mì ở gần

Cuộc điều tra quốc gia gần đây do Bộ Y tế phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Unicef ... thực hiện trên 7.584 thanh thiếu niên trên cả nước ở độ tuổi từ 14 - 25 cho thấy: 7,6% thanh thiếu niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tại buổi tọa đàm "Thực trạng tình hình nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên và các giải pháp hỗ trợ", do Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (TP.HCM) tổ chức ngày 21/12 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM cần có một chiến lược, giải pháp trong vấn đề này. Các ý kiến cũng nhấn mạnh về việc sớm đưa giáo dục giới tính vào trường học...

đó than trách.    

Không được may mắn như vậy là trường hợp của một bé trai khác. Trước đó, tờ mờ sáng một ngày đầu tháng 5, vợ bác sĩ Th. (khu phố 3, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) thức dậy mở cổng thì thấy có một em bé nhỏ xíu, nằm co rút lại trên đống đá dăm. Chị tá hỏa la lên và khi mọi người xúm lại, bé trai mình dính đầy máu, người lạnh và tím ngắt, kiến bu khắp cơ thể. Sau khi sơ cứu, mọi người lập tức đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện, nhưng đứa trẻ xấu số đã chết vì lạnh và đói suốt đêm!

Nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi... gần khu vực có đông công nhân trọ ở TP.HCM thường xuyên gặp phải những tình huống như trên. Như chùa Trì Quang II (Q.Gò Vấp, TP.HCM), lâu lâu, sáng sớm mở cửa ra lại bắt gặp một đứa trẻ mới sinh bị ai đó đem đến đặt trước cổng chùa từ đêm qua. Thế là nhà chùa đem vào để nuôi nấng, dạy dỗ. Mỗi lần cùng đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh, tặng quà cho các cháu tại đây, chúng tôi lại được nghe các chị chăm sóc cho các cháu kể về một hoàn cảnh đáng thương nào đó. Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, nằm gần khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), cũng là một trong những nơi nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi kiểu như trên. Thi thoảng, sáng ra, người dân sống gần trung tâm lại "lượm" được một đứa trẻ sơ sinh, nếu trẻ còn sống thì được đưa tới trung tâm. Gần đây, bảo vệ đã bắt được quả tang một phụ nữ mang con bỏ trước cổng trung tâm. Khi vừa định bỏ trốn thì người mẹ bị bảo vệ phát hiện. Bình tĩnh lại, cô này cho biết, đó là kết quả một cuộc tình trong khu nhà trọ dành cho công nhân. Nước mắt ngắn dài, cô bộc bạch: "Bỏ con như thế là sai, nhưng vì nhiều lý do, nên đành đem con "nhờ" trung tâm nuôi hộ!". Tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM, thỉnh thoảng cũng phải "ôm show" những trường hợp mẹ "để lại" con cho bệnh viện, rồi "ra đi không hẹn ngày trở lại". Bệnh viện Nhi đồng II, là nơi "lãnh đạn" nhiều nhất, nhân viên khoa Sơ sinh của bệnh viện trở thành vú nuôi, chăm sóc đến khi trẻ qua khỏi bệnh, rồi liên lạc với các cơ sở nuôi trẻ bị bỏ rơi, cơ sở từ thiện để đưa các em về đây nuôi dưỡng.
Mỗi lần chúng tôi có việc vào đây, các nhân viên của khoa thường cố nài: "Nhà báo ghé lại thăm đứa bé tội nghiệp, xem có giúp được gì cho bé thì giúp".

Công nhân trẻ, "khách" thường xuyên của khoa kế hoạch hóa gia đình

Bác sĩ Nguyễn Viết Minh Đức (khoa Sản, Trung tâm y tế H.Bình Chánh, TP.HCM - gần khu chế xuất, khu công nghiệp có rất đông công nhân ở trọ) cho biết: "Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2005, trung tâm đã tiếp nhận gần 500 trường hợp đến nạo phá thai, trong đó công nhân chiếm gần 70%. Còn những trường hợp công nhân đi phá thai bên ngoài thì không thể nắm được". Tại Trung tâm y tế Q.Thủ Đức, TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm có đến 753 ca nạo phá thai. Chị Lê Thị Ánh Hồng, nữ hộ sinh khoa Sản của trung tâm cho biết, trong số đó, công nhân chiếm 50%. Tại Trung tâm y tế H.Củ Chi (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Văn Châu - Giám đốc trung tâm cho biết, bình quân vài ngày nơi đây lại tiếp nhận một trường hợp đến nạo phá thai là công nhân. Bác sĩ Dương Phương Mai - Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) cũng cho biết: "Mặc dù chúng tôi chưa có thống kê riêng về số công nhân đến nạo phá thai ở khoa, nhưng công nhân là đối tượng mà khoa thường xuyên tiếp nhận, chứ không phải thỉnh thoảng". Còn tại các trạm y tế quanh khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), nơi cũng tập trung đông đúc công nhân ở trọ thì bình quân mỗi tháng, mỗi trạm y tế tiếp nhận cả trăm ca nạo phá thai, phần đông trong số họ là công nhân.       

Để hạn chế tình trạng nạo phá thai ở công nhân, nhất là ở những nữ công nhân trẻ chưa có gia đình, các bác sĩ cho rằng, các công ty, xí nghiệp cần phối hợp với các tổ chức thanh niên, y tế, phụ nữ... tạo điều kiện để công nhân được tiếp cận, hiểu biết về kiến thức sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục. Lâu nay, hầu như công nhân chỉ biết làm việc, ngoài ra họ rất ít có thời gian, điều kiện tham gia các buổi truyền thông, giao lưu... Trong khi cuộc sống xa nhà, xa quê, thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện giải trí lành mạnh, cộng với sự tác động của nhiều yếu tố, khiến dễ dẫn đến việc họ mang thai ngoài ý muốn.

Bình quân, hằng năm các cơ sở y tế công trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận từ 120 - 150 ngàn trường hợp nạo phá thai (cả nước khoảng 800 ngàn trường hợp/năm), trong đó có cả ngàn trường hợp phải áp dụng phương pháp sinh non, vì thai quá lớn. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, đó chỉ là con số bề nổi thống kê được, bởi một lượng lớn trường hợp lỡ có thai đã âm thầm giải quyết riêng ở các phòng mạch tư. Riêng tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) hiện nay, bình quân mỗi ngày số trường hợp đến "bỏ" thai đã ngang bằng với số ca sinh đẻ tại bệnh viện này (bình quân từ 80 - 100 trường hợp/ngày). Nghiên cứu của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tai biến do nạo phá thai dẫn đến tử vong mẹ chiếm 5% trong tổng số bà mẹ tử vong hằng năm. Các tai biến thường gặp là: xuất huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung, nhiễm độc... 

T.Tùng - H.Nam - H.Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.