Bầu Đức nói Global Witness từ chối đối chất, chỉ muốn "gặp riêng"

17/05/2013 21:15 GMT+7

(TNO) Ngày 17.5, liên quan đến cáo buộc “sỉ nhục” của Global Witness, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cho biết tổ chức này từ chối đối chất trực tiếp tại Campuchia và Lào, mà chỉ muốn "gặp riêng".

(TNO) Ngày 17.5, trong buổi họp báo trao đổi thông tin về hoạt động đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại Lào và Campuchia, tổ chức tại TP.HCM, Chủ tịch tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết Global Witness từ chối đối chất trực tiếp tại Lào và Campuchia, mà chỉ muốn "gặp riêng".

>> Trước cáo buộc “sỉ nhục” của Global Witness: HAGL “sẵn sàng đối chất từng vấn đề”

“Tôi có đề nghị Global Witness và các hãng tin lớn như BBC, CNN và Reuters cùng HAGL đến ngay hiện trường mà Global Witness đã tố cáo để xem xét, đánh giá và đưa tin cho toàn thế giới biết đúng sai thế nào”, ông Đức nói.

“Nhưng 6 giờ chiều ngày hôm qua (16.5), Global trả lời với tôi rằng họ không đồng ý và chỉ muốn gặp riêng tại văn phòng của HAGL ở Việt Nam. Tôi cho rằng ở đây có một điều gì đó không được rõ ràng. Tại sao lại ngại khi quãng đường từ Việt Nam sang Campuchia và Lào không hề xa?”, ông Đức đặt vấn đề.


Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (giữa) tại buổi họp báo ở TP.HCM ngày 17.5 - Ảnh: Hoàng Uy

Không biết phải kiện ai

Khi được hỏi rằng HAGL có yêu cầu Global Witness bồi thường vì những cáo buộc mà phía HAGL khẳng định là bịa đặt hay không, ông Đức nói HAGL “không biết kiện ai”.

“Global Witness là một tổ chức phi chính phủ, nên nếu muốn kiện thì cũng không biết kiện ai. Họ vô hình chung lợi dụng vai trò là một tổ chức phi chính phủ để muốn nói gì thì nói… Vì thế, tôi hay nói với anh em rằng mình chỉ nên chú tâm lo làm tốt công việc của mình”, ông Đức nói.

Ông Đức khẳng định HAGL “sẵn sàng đưa mọi việc ra ánh sáng”.

Người đứng đầu HAGL còn cho hay sẽ mời các tổ chức “độc lập và lớn nhất nhì thế giới” chuyên thẩm định tác động của doanh nghiệp đối với môi trường để rà soát lại toàn bộ hoạt động của HAGL.

Mục đích của ý tưởng này là giúp HAGL đạt được một tiêu chuẩn về môi trường được công nhận trên toàn cầu.

“Global Witness cũng giúp HAGL "thức tỉnh" để hoàn thiện mình”, ông Đức mỉa mai.


Công nhân của Tập đoàn HAGL chăm sóc cây cao su tại Attapeu, Lào - Ảnh: Minh Trần

Bác bỏ mọi cáo buộc

Global Witness hôm 13.5 đã đưa ra thông cáo báo chí cáo buộc HAGL và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã ký kết những thương vụ mờ ám với chính phủ Lào và Campuchia nhằm có được quyền sử dụng hơn 200.000 hecta đất.

Ông Đức thừa nhận HAGL có cho chính phủ Lào vay tiền để tổ chức SEA Games hồi tháng 12.2009 nhưng không nhằm mục đích lấy đất như Global Witness cáo buộc mà là để quảng bá thương hiệu của HAGL tại khu vực Đông Nam Á.

“Chính phủ Lào lúc đó gặp khó khăn trong việc xây dựng làng SEA Games. Tôi thì muốn giúp chính phủ Lào thành công với SEA Games đó và đương nhiên khi SEA Games thành công thì tên tuổi của HAGL sẽ được cả khu vực Đông Nam Á biết”, ông Đức cho biết.

Cụ thể, số tiền mà HAGL cho chính phủ Lào vay là 19 triệu USD, bao gồm 15 triệu USD tiền nợ trả dần và 4 triệu USD tài trợ không hoàn lại để xây làng SEA Games, ông Đức cho hay.

“Tôi cũng xin tiết lộ là chính phủ Lào có đề nghị trả nợ bằng gỗ, nhưng chúng tôi đã từ chối", Chủ tịch HAGL cho biết.

Đến nay thì chính phủ Lào cũng đã trả gần hết tiền, chỉ còn khoảng 5 triệu USD, ông Đức nói, đồng thời khẳng định quan hệ giữa HAGL với chính phủ Lào là “một quan hệ tốt vì mục đích đơn thuần là thể thao”.


Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức khẳng định các cáo buộc của Global Witness nhằm vào HAGL là bịa đặt - Ảnh: Khả Hòa

Trong báo cáo của mình, Global Witness cũng tố cáo HAGL ép nông dân Campuchia và Lào giao đất để trồng cây cao su.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch HAGL cho rằng cáo buộc trên không có căn cứ vì để được cấp đất, HAGL phải tuân thủ theo các quy định pháp luật của Campuchia và Lào, vốn bao gồm nhiều thủ tục pháp lý và qua nhiều bước thẩm định.

“Nhiều người có thể hiểu lầm rằng chính phủ Lào và Campuchia quá dễ dãi trong chuyện cấp đất, nên tôi nói ra đây để cho thấy quy trình rất chằng chịt. Và vì thế tôi khẳng định là HAGL không thể "cướp đất" của dân (Lào và Campuchia - PV)”, ông Đức cho biết.

Ông Đức cũng khẳng định hiện HAGL không hề có tranh chấp gì với nông dân hai nước nói trên.

Ngoài ra, chủ tịch HAGL cũng cực lực phản bác hình ảnh "từng đoàn xe chở gỗ do việc phá rừng mà có" trong video clip của Global Witness.

“Gỗ có được trong quá trình khai hoang rừng là gỗ của chính phủ Lào và Campuchia, doanh nghiệp không được đụng tới. Sau khi chính phủ họ kiểm tra, đóng dấu thì gỗ sẽ được đem ra đấu giá, nhưng HAGL không tham gia. Ngay cả quy trình khai hoang rừng thì HAGL cũng không đụng tới”, ông Đức khẳng định.

Được biết, Global Witness là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại London (Anh quốc) và Washington (Mỹ), chuyên điều tra, nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thiên nhiên và nhân quyền.

Hoàng Uy

>> HAGL tập trung đầu tư vào cao su, mía đường
>> HAGL đem máy móc, vật liệu qua Myanmar xây cao ốc
>> Vốn đầu tư tại Lào của HAGL đạt 1 tỉ USD
>> HAGL phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.