Huyền thoại ở Trường Sơn

25/07/2013 10:26 GMT+7

Có lẽ trên khắp đất nước này, không mấy nơi như Quảng Trị khi có tới 72 Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) lớn, nhỏ với hàng chục ngàn ngôi mộ những anh hùng có tên và chưa có tên.

 NTLS Trường Sơn lung linh trong đêm 27.7
NTLS Trường Sơn lung linh trong đêm 27.7.2011 với ánh nến, đèn, hoa… - Ảnh: Nguyễn Phúc

Nơi yên nghỉ của các anh hùng

Cách trung tâm TP.Đông Hà 30km, đường Hồ Chí Minh thẳng tắp dẫn chúng ta đến với NTLS Trường Sơn một cách dễ dàng. Rẽ phải để tiến vào nghĩa trang, ta như lạc vào một thế giới khác với cỏ cây hoa lá, với những ngôi mộ giống nhau và gió đưa mùi hương khói lan tỏa cả không gian rộng lớn. Hơn 10.000 chiến sĩ bộ đội Trường Sơn năm xưa nay đã về đây nằm lại bên nhau, giữa rừng thông vi vu reo hát, giữa những ngọn khói hương tri ân hầu như không bao giờ tắt... Có thể nhiều người không chú ý, nhưng ngay trên con đường lớn dẫn vào lễ đài chính của nghĩa trang, có 1 khối tượng nhỏ, đứng nép bên những hàng thông. Ở đó, có một chiến sĩ trẻ đang sẵn sàng ra trận và một người mẹ già tay cầm nắm cơm, tiễn con trai lên đường. Tưởng như khối tượng được đặt ở đó một cách vô tình và không hề có một dòng chú thích nhưng có lẽ đối với nhiều người hình ảnh này đã nói lên tất cả, tầm vóc của cuộc chiến là đây, ý nghĩa của sự hy sinh là đây. Giản dị thế thôi…

 

Với tầm vóc của mình, mỗi năm NTLS Trường Sơn đón chừng 80 ngàn lượt khách tham quan, dâng hương, vào những dịp lễ mỗi ngày có thể đón chừng 120 đến 140 lượt khách. “Các vị khách có thể đến vào 12 giờ trưa hoặc 1, 2 giờ đêm với nhiều lý do khác nhau. Họ vượt đường sá xa xôi để đến đây, vì vậy lương tâm của chúng tôi không thể làm điều gì đó khiến họ và các liệt sĩ phải thất vọng…”, một cán bộ trong BQL NTLS Trường Sơn đúc kết.

Tôi gặp ông Nguyễn Bá Anh, Phó BQL NTLS Trường Sơn khi ông đang làm nghi lễ dâng hương cho một đoàn khách đến từ Hà Nội bên tượng đài liệt sĩ, giữa tiếng nhạc đưa linh trầm hùng. Ông nói công việc của ông 30 năm rồi vẫn chỉ có thế mà không hề cảm thấy nhàm chán. “Cứ mỗi lần nghiêng mình bên tượng đài này có nghĩa là tôi đang tưởng nhớ đến đồng đội của tôi, những người không may mắn sống sót như tôi...”, ông Anh tâm sự. Theo những thông tin mà người “quản trang” già này cung cấp thì NTLS Trường Sơn được xây dựng từ tháng 10.1975 với diện tích hơn 40ha, từ đó đến nay đã qua nhiều lần sữa chữa và hiện là nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ chủ yếu là của đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Nghĩa trang này án ngữ trên 5 quả đồi và cũng chia thành 5 khu tương ứng với quê quán các liệt sĩ (Khu 1 là “trái tim” của nghĩa trang với đài Tổ quốc ghi công, một số liệt sĩ quê Hà Nội, Bình Trị Thiên, trong đó có 5 cán bộ trung cao cấp và 8 anh hùng cùng 68 liệt sĩ vô danh; Khu 2 là các liệt sĩ quê Hà Tây, Hà Nam Ninh; Khu 3 gồm các liệt sĩ quê Hải Hưng cũ, Thái Bình, Hà Bắc cũ; Khu 4 gồm các liệt sĩ quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa; Khu 5 gồm các liệt sĩ quê ở vùng Tây bắc và Đông Bắc bộ). “Mỗi khu như vậy rất dễ nhận ra bởi nhớ ơn sự hy sinh các anh hùng liệt sĩ, lớp người sau đã mang cả biểu tượng quê hương vào xây dựng ở trong này. Hà Nội là chùa Một Cột, Thái Bình là chùa Keo, Hà Nam Ninh là chùa tháp Phổ Minh, Hải Phòng là cánh hoa phượng… Nên các anh nằm đây nhưng vẫn như nằm trong lòng quê hương mình”, ông Anh giới thiệu.

Chuyện chỉ có ở Trường Sơn

Lên với NTLS Trường Sơn, bạn sẽ lắng nghe được những câu chuyện như huyền thoại, dù chúng chỉ mới xảy ra vài chục năm đây thôi mà ngỡ có một quá khứ thật lâu đời. Bao nhiêu người đến rồi đi luôn mang theo những câu chuyện linh thiêng. Và người lưu giữ những câu chuyện đó để kể lại cho mọi người là chị Nguyễn Thị Bé (55 tuổi nhưng đã có 33 năm chăm sóc hương khói cho các anh hùng liệt sĩ tại NTLS Trường Sơn). Câu chuyện của người phụ nữ từng là bộ đội Trường Sơn ngày nào bắt đầu từ cây bồ đề xõa bóng mát rượi, ôm trọn đài Tổ quốc ghi công ở trung tâm nghĩa trang. Tương truyền rằng khi tượng đài vừa hoàn thành, có một con chim lạ tha về những hạt giống và một cây bồ đề thiêng, chẳng ai trồng, chẳng ai chăm sóc mà vẫn mọc lên xanh tốt, rậm rạp. Tán cây vươn xa và om lại thành một hình khối tròn trịa, như một bức bình phong tự nhiên tuyệt vời cho tượng đài cao sừng sững. “Tôi cũng chẳng dám chắc đâu nhưng lâu nay mọi người vẫn gọi đây là cây bồ đề linh thiêng, dưới những tán cây này những buổi trưa đứng bóng hay trong đêm khuya thanh vắng sẽ là nơi các anh ngồi lại bên nhau vui vẻ chuyện trò...”, chị Bé nói. Hay như một hồ nước lớn ở phía đối diện tượng đài cũng có một câu chuyện cho riêng mình. “Tôi nhớ trước đây hồ cũng nhỏ thôi nhưng về sau người ta có đào rộng ra và phát hiện những mạch nước ngầm. Từ đó đến nay hồ không bao giờ cạn nước dù mùa hè có khô khốc đến mấy và luôn trong xanh đến lạ thường…”, chị Bé cũng không thể lý giải những chuyện kỳ lạ mà chính mình đang kể lại.

Chính những người đã công tác nhiều năm tại NTLS này đã thừa nhận rằng, họ thường xuyên được các anh báo mộng, nhắc nhở. “Có hôm rảnh rổi anh em chúng tôi hẹn nhau từ buổi chiều là sẽ đi chơi vào sáng hôm sau. Nhưng đêm đó tôi chiêm bao thấy các anh về nhắc là “mai sẽ có nhiều đoàn đến đấy” thì y như rằng là vậy…”, ông Anh vui vẻ kể.

Hay chính những đồng nghiệp làm truyền hình cũng có vài phen “thót tim” để rồi ngỡ ngàng bởi sự trùng hợp ngẫu nhiên mà kỳ lạ ở nghĩa trang này. Ví như cách đây mấy năm, trước giờ truyền hình trực tiếp ngay tại nghĩa trang bỗng trời mưa như trút nước. Khi cả ê kíp làm chương trình đang tính đến phương án khác kẻo sợ “bể dĩa” thì trời tạnh hẳn mưa, quang đãng như chưa hề có gì xảy ra chỉ trước thời gian lên sóng 5 phút đồng hồ. Hay chuyện giữa lúc Quảng Trị mưa to gió lớn thì trong khu vực nghĩa trang này, đến một chiến lá vàng khô cũng chẳng buồn rơi…

Những câu chuyện lạ này vẫn tồn tại một cách hiển nhiên trong không gian riêng biệt của NTLS Trường Sơn. Ai đến Trường Sơn rồi hẳn sẽ tin hơn những điều tôi kể, bởi đơn giản đó là chốn yên nghỉ linh thiêng của các anh, những vị anh hùng dân tộc…

Nguyễn Phúc

>> Người thắp lửa của Trường Sơn
>> “Dâng tranh” ở nghĩa trang Trường Sơn
>> Triển lãm tranh có một không hai ở Nghĩa trang Trường Sơn
>> Phát sóng Trở lại Trường Sơn huyền thoại
>> Trên đường Trường Sơn xưa
>> Nghĩa tình Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.