Biện pháp nào phòng bệnh hô hấp cho trẻ?

20/02/2005 23:36 GMT+7

Thời tiết thay đổi đột ngột hiện nay tại khu vực TP.HCM sẽ khiến nhiều người mắc bệnh hô hấp, nhất là trẻ em. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó khoa Nhi về các bệnh hô hấp thường gặp (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM) - cho biết:

- Do trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh hô hấp khi thời tiết thay đổi. Những bệnh thường gặp là nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính và hen phế quản.

Đối với bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, tác nhân gây bệnh chủ yếu do các loại siêu vi như: RSV, Parainfluenza, Influenza virus, Adeno virus hoặc các loại vi trùng như: Hemophilus, phế cầu trùng, tụ cầu trùng... Tùy theo vị trí nhiễm khuẩn mà trẻ em có những triệu chứng và mức độ bệnh khác nhau như bị viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan, viêm tai... (nếu bị nhiễm khuẩn tại đường hô hấp trên); bị viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi... (nếu nhiễm khuẩn tại đường hô hấp dưới). Các triệu chứng thường gặp là sốt, ho khan, ho có đàm, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi xanh hoặc vàng, khàn tiếng... Trường hợp nặng làm trẻ thở nhanh, khó thở, co rút lồng ngực, cánh mũi phập phồng khi thở, có thể bị tím môi, đầu ngón chân, ngón tay.

Đối với bệnh hen phế quản, cơn hen thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm. Các triệu chứng điển hình là trẻ hắt hơi, nhảy mũi sau đó ho khan, rồi ho có đàm thành từng cơn, thở khò khè (có lúc có tiếng rít), có thể ói ra thức ăn và đàm nhớt khi ho nhiều. Nếu không xử lý kịp thời, trẻ sẽ khó thở, co lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, nói ngắt quãng, bỏ bú, khóc yếu. Trường hợp nặng hơn, trẻ sẽ bị tím môi, tím da, vẻ mặt hốt hoảng, sợ hãi.

* Cách xử lý ban đầu khi trẻ có biểu hiện bệnh?

- Đối với bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, nếu trẻ vẫn bú, ăn tốt, thở bình thường, gia đình cần giữ ấm cho trẻ, cho trẻ ăn bình thường, uống nhiều nước, uống thuốc hạ nhiệt (nếu trẻ sốt). Nếu trẻ thở nhanh, cần cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế để được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc thích hợp. Nếu trẻ bỏ bú, thở nhanh và thở co lõm lồng ngực chứng tỏ trẻ bị viêm phổi nặng, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Đối với bệnh hen phế quản, ngay khi trẻ lên cơn hen cần cho dùng ngay Salbutamol loại xịt có liều định chuẩn. Nếu sau 3 lần xịt (cách nhau 20 phút/lần) trẻ không giảm ho khò khè, khó thở, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị thích hợp nhằm tránh bị biến chứng suy hô hấp.

Cách phòng ngừa chung là giữ ấm cho trẻ vào ban đêm và sáng sớm. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh. Nên mang khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Hạn chế tối đa việc thay đổi chế độ sinh hoạt, nhất là việc ăn ngủ của trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói nhang, bụi, nhất là trẻ bị hen phế quản. Đảm bảo vệ sinh thân thể, vệ sinh trong ăn uống. Chủng ngừa đầy đủ cho trẻ...

Ngọc Trang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.