Tổng cục Thuế nói gì về thuế thu nhập cá nhân?

21/05/2006 23:48 GMT+7

Vài ngày qua, người lao động rất quan tâm về dự luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với những cách tính gây xôn xao dư luận. Để làm rõ hơn những vấn đề xung quanh dự luật thuế TNCN, PV Báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Bà Cúc cho biết:

Cho đến thời điểm này, Ban soạn thảo Luật thuế TNCN chưa có một phương án chính thức nào về thuế TNCN. Luật thuế TNCN sẽ có cách tính thuế hoàn toàn khác và thu nhập chịu thuế cũng được tính rất khác so với trước đây, diện chịu thuế cũng được mở rộng hơn so với trước.

* Đó là những điểm khác biệt gì, thưa bà?

- Thứ nhất, thuế TNCN sẽ được áp dụng thống nhất để điều chỉnh các loại thu nhập của cá nhân thay vì mỗi loại thu nhập được điều chỉnh bởi một sắc thuế như hiện nay. Luật sẽ xác định rõ các loại thu nhập để có mức điều tiết phù hợp. Thứ hai, thu nhập chịu thuế đối với cá nhân sẽ không phải là toàn bộ thu nhập mà cá nhân đó nhận được như hiện nay mà dự kiến thu nhập sẽ được trừ đi một số khoản chi phí.

Ví dụ, thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập của chủ hộ kinh doanh (sau khi trừ chi phí) dự kiến được chiết trừ gồm: Thứ nhất, một phần chi phí để tạo ra tiền lương, tiền công của cá nhân đó. Thứ hai, chi phí cho cá nhân người nộp thuế, trong đó có phân biệt người độc thân và người có gia đình. Thứ ba, phần chi phí cho việc nuôi dưỡng người thân của người nộp thuế theo quy định của pháp luật (như bố mẹ, vợ, chồng, con...), nếu con dưới 18 tuổi thì mục chiết trừ chi phí được nhiều hơn... Ngoài ra, các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của cả nhà người nộp thuế cũng được trừ trước khi xác định thu nhập chịu thuế.

* Những khoản giảm trừ này được tính theo mức cố định đối với tất cả mọi người hay được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tiền lương, tiền công của từng cá nhân?

- Cho tới thời điểm hiện nay, ban soạn thảo đang tính toán các phương án. Luật thuế TNCN dự kiến áp dụng năm 2009, tác động đến nhiều người; thế giới thì rất phổ biến nhưng là mới đối với nước ta nên phải tính đến các yếu tố thu nhập, tiền lương, chi phí, điều kiện kinh tế xã hội... cho kỹ càng để có phương án lựa chọn phù hợp. Có ý kiến cho rằng, chọn phương án tỷ lệ (%) thì thích hợp hơn mức cố định. Tuy nhiên, hiện ban soạn thảo chưa có quyết định cụ thể về vấn đề này.

* Như vậy, bất kỳ ai có thu nhập chịu thuế (tổng thu nhập trừ đi các khoản giảm trừ) đều phải đóng thuế TNCN?

- Dự kiến là sau khi trừ đi các khoản giảm trừ nói trên, thu nhập còn lại của người nộp thuế mới coi là thu nhập để tính thuế và dự kiến áp dụng thuế suất thấp hơn rất nhiều so với mức 10% khởi điểm hiện nay. Thuế suất 5% hay bao nhiêu thì ban soạn thảo đang tính toán, cân nhắc. Do vậy, đến mức nào phải đóng thuế TNCN thì ban soạn thảo chưa xác định được ngay vì còn phụ thuộc vào mức chiết trừ vào thuế suất... Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng có dự kiến: nếu sau khi giảm trừ chi phí mà mức thuế nộp quá ít thì được miễn.

* Mức thu nhập


Bà Nguyễn Thị Cúc - ảnh: D.Đ.Minh

“Hiện nay, Ban soạn thảo đang thảo luận để lựa chọn các phương án, sau đó trình lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét. Bộ Tài chính sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 7/2006 để Chính phủ có ý kiến chỉ đạo. Dự thảo này sẽ trình xin ý kiến Quốc hội trong phiên họp cuối năm. Chiều 22.5, Ban soạn thảo sẽ họp và đưa ra phương án trình Bộ Tài chính” - bà Nguyễn Thị Cúc 

chịu thuế tối thiểu mà ban soạn thảo đang tính toán có tính tới tác động của lạm phát đối với thu nhập của người chịu thuế?

- Mức tính toán của chúng tôi là dựa trên các dự báo về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từ năm 2009 trở đi. Mức tính toán này cũng gắn với phương án cải cách tiền lương theo chỉ tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010 được Quốc hội thông qua.

* Bà có nói là đối tượng chịu thuế của Luật thuế TNCN rộng hơn so với Pháp lệnh về thuế đối với người có thu nhập cao. Đó là những đối tượng nào?

- Theo chính sách thuế hiện hành, thu nhập của các cá nhân được điều chỉnh bởi các sắc thuế khác nhau: cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công thì được điều chỉnh bởi Pháp lệnh về thuế đối với người có thu nhập cao; cá nhân hộ kinh doanh có thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh thì bị điều chỉnh bởi thuế thu nhập doanh nghiệp; cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất thì nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất... Vì thế, Luật thuế TNCN đang được soạn thảo có mục tiêu thống nhất tất cả các chính sách điều tiết về thuế của các sắc thuế có liên quan đến thu nhập của cá nhân. Đây là lý do đối tượng của luật này rộng hơn.

* Một người có thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng theo quy định hiện nay sẽ phải đóng thuế thu nhập là 50.000 đồng/tháng. Theo dự thảo của Luật thuế TNCN đang được soạn thảo, mức thuế phải đóng sẽ nhiều hơn hay ít hơn?

- Mục tiêu của Luật thuế TNCN là giảm mức điều tiết thuế: giảm thuế suất, giảm khung bậc... nhưng từng bước mở rộng diện chịu thuế. So với biểu thuế thu nhập về tiền lương, tiền công của pháp lệnh hiện nay thì mức động viên theo các phương án của Luật thuế TNCN sẽ ít hơn. Nhìn chung, những người đang đóng thuế theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện nay sẽ phải đóng ít hơn, các hộ kinh doanh cũng vậy.

* Vậy với dự thảo Luật thuế TNCN, những người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng sẽ không phải đóng thuế?

-  Điều này tôi chưa thể khẳng định vì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể của mức chiết trừ cho người nộp thuế. Có trường hợp sẽ không phải đóng thuế nếu như sau khi trừ đi các khoản giảm trừ hoặc ngược lại. Tôi cũng xin nói thêm là, quan điểm về đối tượng phải nộp thuế TNCN hiện nay cũng rất khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, cứ có thu nhập từ tiền lương, tiền công là phải nộp thuế TNCN dù chỉ 1.000 đồng. Mức nộp có thể là rất ít nhưng "góp gió thành bão" để xây dựng đất nước, thể hiện nghĩa vụ của công dân với nước nhà. Trong nhóm ý kiến này có cả ý kiến của một số lãnh đạo cấp rất cao của Nhà nước. Một số khác thì cho rằng, thu nhập chịu thuế phải đến một mức độ nào đó đủ để trang trải đời sống cho gia đình... mới phải đóng thuế TNCN; dưới mức đó không phải nộp thuế.

* Ý kiến của cá nhân bà về vấn đề này?

- Xây dựng một luật thuế mới thì phải học hỏi kinh nghiệm của các nước khác đã thực hiện Luật thuế TNCN để phát huy tính ưu việt, hạn chế các mặt tồn tại của họ, không để lặp lại các sai sót mà các nước đi trước đã gặp. Tuy nhiên, kinh nghiệm đó cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn tại Việt Nam, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của ta, không rập khuôn, máy móc.

Các ý kiến được đề xuất về một luật thuế có diện điều chỉnh rộng, nhạy cảm như thế này cần phải được nghiên cứu kỹ càng, cân nhắc phương án phù hợp để đưa ra thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của đông đảo nhân dân trước khi trình Chính phủ, Quốc hội phê chuẩn và đưa vào thực hiện. Nếu nghiên cứu không toàn diện, kỹ càng, có những quy định đi ngược lại ý kiến của đông đảo nhân dân thì sẽ rất khó thực hiện. Nhưng đã gọi là thuế TNCN thì nên mở rộng diện chịu thuế chứ không chỉ vài trăm nghìn người như hiện nay; quan trọng là mức điều tiết phải hợp lý.

Hoàng Ly (thực hiện)

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.