Có chống được triều cường

30/10/2007 00:07 GMT+7

Đang "đau đầu" với tình trạng ngập do mưa, TP.HCM lại tiếp tục đối mặt với tình trạng ngập do triều cường.

Nguy cơ ngập từ... biển

Triều cường là "đối thủ nặng ký" mà các phương án chống ngập đã và đang được triển khai gần như chưa tính đến. Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, vào những tháng cuối mùa mưa, thường xuất hiện những đợt triều cường lớn. Có khả năng tháng 11, 12 tới sẽ còn 1-2 đợt triều cường lớn nữa. Bà Lan cho rằng: "Nếu như chỉ xem xét mực thủy triều thiên văn thôi (tức là thủy triều do sức hút của mặt trăng và mặt trời), mà không xét đến yếu tố xả lũ, mưa và các yếu tố khác, thì hiện tượng triều cường dâng cao liên tục trong những năm qua là điều bất thường. Đây có thể là báo động về tình hình trái đất đang ấm dần lên".

Các nhà khoa học ở Hội Thủy lợi TP.HCM cũng cảnh báo hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại cuộc hội thảo khoa học về chiến lược chống úng ngập TP.HCM được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua GS Nguyễn n Niên (Hội Thủy lợi TP.HCM) nêu lên vấn đề lớn này với lời nhận định: "Đây là nguy cơ có thật mà lúc đầu chỉ có thể hiện bằng những đợt triều cường đột xuất và sau này là thường xuyên hơn". Cùng với suy nghĩ này, GS Nguyễn Sinh Huy, Hội Thủy lợi TP.HCM cũng lưu ý tới việc chống mối đe dọa ngập đến từ biển: "Địa hình TP.HCM phần lớn là thấp, hướng địa hình là thấp dần về hạ lưu, hướng ra biển. Thành phố hướng ra biển Đông sẽ phải là tất yếu và nếu điều đó được đưa vào trong quy hoạch lâu dài thì việc chống lại mối đe dọa ngập từ phía biển sẽ phải khác đi". Theo tính toán của các chuyên gia, trong vòng vài ba thập kỷ tới, mức nước biển có thể tăng thêm 0,3-0,4m. Trong quy hoạch kiểm soát thủy triều phải tính tới sự gia tăng đó.

Mọi sinh hoạt hằng ngày bị đảo lộn (ảnh: Diệp Đức Minh)

Một yếu tố khác cũng gây ngập úng tại TP.HCM là lũ từ thượng nguồn đổ về. Theo GS Nguyễn Sinh Huy, mùa lũ trên lưu vực sông Đồng Nai, Sài Gòn và sông Bé và vùng hạ lưu xảy ra khá đồng bộ. Song về thế nước, thì thế sông Sài Gòn là bất lợi nhất, vì nằm ở vị trí thấp nhất. Khả năng thoát nước của sông Sài Gòn kém hơn, điều đó có ảnh hưởng đến ngập lụt và điều kiện thoát nước cho TP.HCM.

Các dự án lớn có chống được triều cường?

Theo Quy hoạch tổng thể thoát nước của TP.HCM giai đoạn 2001-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2001, để giải quyết thoát nước cho khu vực nội thành và vùng đô thị mới phát triển có diện tích 650 km2, TP.HCM phải đầu tư khoảng 40.000 tỉ đồng để nạo vét 300 km kênh rạch, cải tạo sửa chữa, xây dựng 2.250 km cống chính và 3.750 km mương hở. Tính theo thời giá hiện nay, thì số tiền đầu tư sẽ là 60.000 tỉ đồng. Từ năm 2001 đến nay, TP.HCM mới thực hiện được khoảng 5.000 tỉ đồng. Như vậy, từ nay đến năm 2020, thành phố cần đầu tư khoảng 55.000 tỉ đồng nữa cho các công trình thoát nước. Tiền ở đâu và đầu tư như thế nào cho hiệu quả với số tiền khổng lồ này?

Hiện tại, hai dự án nổi cộm nhất liên quan đến việc thực hiện quy hoạch thoát nước tại TP.HCM đang thực hiện là dự án Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, đều sử dụng vốn vay ODA, với hàng trăm triệu USD. Cả hai dự án cũng chỉ dừng lại ở việc làm sạch các con kênh và giải quyết thoát nước mưa, nước thải là chủ yếu, không thấy giải quyết ngập do triều cường, ngoại trừ ở một số khu vực cục bộ là Mễ Cốc 1, Mễ Cốc 2 (Q.8) và Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) được xây dựng các công trình, trạm bơm chống ngập do triều cường.

Ở dự án Nâng cấp đô thị TP.HCM, cũng sử dụng vốn vay ODA, với rất nhiều hạng mục, nhưng cũng không thấy hạng mục nào đầu tư vào việc ngăn chặn triều cường. Tiền đầu tư chủ yếu là cải tạo cống thoát nước, nâng cấp kênh Tân Hóa - Lò Gốm, làm bờ kè, cống hộp, đường giao thông dọc 2 bờ kênh, xây dựng 10 cây cầu bắc qua kênh và nạo vét kênh để tăng khả năng thoát nước mưa và nước thải là chủ yếu. Việc này có thể giải quyết tình trạng ngập lụt ở vùng thượng lưu tuyến kênh, thuộc địa bàn Q.11, Tân Bình, Tân Phú vì có địa hình cao hơn, còn ở vùng hạ lưu thuộc Q.6, nơi luôn chịu tác động của 2 yếu tố là mưa và triều cường thì giải quyết ngập như thế nào đây?

Như ở dự án thành phần số 3 - Cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2, 3 trong lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, tốn đến 1.067 tỉ đồng (tương đương 70,226 triệu USD), đã được khởi công vào ngày 25.10 vừa qua, Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị TP.HCM cho biết khi hoàn thành (vào năm 2011), dự án cũng chỉ có thể giảm được 70% số điểm ngập trong lưu vực, với hơn 800.000 dân sinh sống, thuộc địa bàn các quận: 6, 11, Tân Bình và Tân Phú. Lưu vực này hiện có 65 điểm ngập, có nơi bị ngập sâu đến 1m.

Việc nạo vét thông thoáng dòng chảy là điều cần thiết để giải quyết thoát nước, nhưng nhận định dưới đây của TS Nguyễn Hồng Bỉnh (Hội Thủy lợi TP.HCM) rất đáng suy nghĩ: "Khi chúng ta càng nạo vét thông thoáng dòng chảy để thoát nước nhanh, thì ngược lại, sự truyền triều cũng nhanh, thâm nhập sâu vào kênh rạch, vào hệ thống cống, gây ngập đường và các khu nhà ở vùng thấp".

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.