Những nụ cười ở Bệnh viện Ung Bướu

01/01/2006 22:26 GMT+7

Vài ngày nuôi người thân nằm viện ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, tôi đã chứng kiến nhiều mảnh đời khốn khó vì bệnh tật, những việc làm đẹp và những nụ cười ấm áp tình người...

“Sương gió phủ đời trai, thuốc tây phủ đời người"... Tuấn, chàng thanh niên 24 tuổi quê ở Thái Bình liến thoắng nói chuyện, chốc chốc lại đệm vào thơ, ca... và cả những "dị bản" tự sáng tạo khiến mọi người cười ồ lên. Tiếng cười tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ tạm xua đi không khí u ám triền miên của bệnh tật... Người khơi nguồn những tiếng cười ấy lại là một bệnh nhân sắp phải bị phẫu thuật cắt đi một nửa xương hàm vì chứng bướu xương!

"Sao người ta không... khâu mồm mày cho rồi, để mày bớt nói lại? Mày chọc tao cười động vết thương đau quá!", tôi nghe các cụ già mắng yêu anh như thế. Tuấn lại cười hềnh hệch đáp: "Cười vui vẻ mới mau hết bệnh! Cụ hồn nhiên rồi cụ sẽ bình yên".

Tuy là bệnh nhân nhưng anh cứ lăng xăng chạy tới chạy lui chuyện trò, thậm chí... trêu ghẹo các bệnh nhân khác để chọc cười. Vài tháng nằm viện, Tuấn được các bệnh nhân phong làm "trưởng khoa" vì lâu xuất viện. Thời gian nằm viện, thỉnh thoảng các bệnh nhân cùng phòng nhờ anh chạy mượn cuộn băng keo, mua ổ bánh mì, đổ giúp nước tiểu cho một đứa nhỏ, người già và không ít lần tôi gặp anh tẩn mẩn chăm chút lại vết thương cho các ông bà cụ...

"Xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm, nhưng nếu con về chắc mẹ... buồn hơn" - Tuấn nghêu ngao hát, sau khi chép miệng: "Gần đến Tết rồi...". Tôi hỏi: "Nếu được xuất viện trước Tết, anh có về quê thăm gia đình không?". Anh lắc đầu: "Còn phải đi làm để có "gì đó" mới về chứ chẳng chịu về tay không, dù rất nhớ nhà". Bệnh hiểm nghèo, anh một thân một mình nằm viện, quyết không nói cho gia đình hay bởi theo anh: "Thua thì phải tự chung, mình bệnh thì mình chịu, chẳng lẽ lại đem "bão" về nhà? Mình làm gia đình buồn đủ rồi...".

Tờ mờ sáng, Tuấn cùng chị Nguyễn Thị Đệ đã tất bật phụ các hộ lý lau quét phòng bệnh, đem khăn trải giường đi phân phát. Anh tâm sự: "Mỗi ngày tôi chỉ ngủ được 3-4 tiếng đồng hồ. Tôi không thích ngồi yên một chỗ và cũng không thích ngủ, vì sợ sẽ nghĩ ngợi mông lung...". Còn chị Đệ, quê ở Đắk Lắk đến TP.HCM nuôi chồng bị bệnh, bộc bạch: "Mình phụ giúp được gì thì làm cho vui, được các y tá, hộ lý thân thiện hơn cũng tốt". Nhiều lần chúng tôi cũng gặp chị Đệ xách nhiều cà-mên cơm giúp bệnh nhân từ bếp ăn từ thiện của bệnh viện về phòng. Chị Đệ cũng tình nguyện đến phụ giúp ở bếp cơm này. Ấy vậy mà khi chúng tôi biếu chị một hộp sữa, chị từ chối năm bảy lượt...

Ngày cuối cùng, người thân tôi được xuất viện, cũng là ngày tôi nhận được nụ cười rạng rỡ nhất của Tuấn khi anh đến từng phòng lễ phép chào và chúc tất cả mọi người: "Hôm nay con được xuất viện. con chỉ bị dị tật bẩm sinh, không phải u ác tính. Con chúc các cô các chú mạnh giỏi và mau lành bệnh"... Rời viện, tôi nhớ mãi ngày đêm phải chờ thân nhân nằm ở phòng hồi sức, tôi đã nhận được không ít sự quan tâm, chăm sóc. Thiếu giường bệnh, một số bệnh nhân phải chịu cảnh nằm chung 2-3 người/giường, vậy mà tôi - tuổi trẻ khỏe mạnh - lại được các bệnh nhân nồng hậu cho nằm ké nghỉ qua đêm! Có hôm tôi vừa ngả lưng trên dãy ghế thì được một ông cụ trông hom hem với miếng băng to dán nơi cổ đến đưa mượn chiếc chiếu rồi ông thều thào nói: "Con nằm chiếu kẻo đau lưng"... Tôi nhớ mãi "thang thuốc bổ" bằng nụ cười của anh Tuấn để mọi bệnh nhân mau hết bệnh. Và hình ảnh chị Đệ chạy tới chạy lui giúp bệnh nhân vượt qua cơn đau...

Thiên Di

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.