Bằng chứng mới về vụ sát hại bà Bhutto

01/01/2008 00:39 GMT+7

Lời giải thích của Chính phủ Pakistan về cái chết của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto tiếp tục bị nghi ngờ sau khi xuất hiện một đoạn băng video mới và một báo cáo y khoa.

Đoạn băng mới nhất, do Kênh truyền hình Channel 4 (Anh) thu thập được, cho thấy một người đàn ông cầm súng ngắn bắn vào bà Bhutto từ cự ly gần khi bà đang vẫy chào người ủng hộ qua nóc xe bọc thép sau cuộc mít tinh hôm 27.12. Tóc và khăn choàng của bà tung lên sau đó và bà ngã vào trong xe không lâu trước khi một vụ nổ, rõ ràng do một người thứ hai thực hiện, làm rung chuyển chiếc xe. Các trợ lý của bà Bhutto, trong đó có người đưa bà đi cấp cứu, cho biết họ chắc chắn rằng bà đã bị bắn. Bà được chôn cất vào ngày 28.12 không qua khám nghiệm tử thi.

Hôm 30.12, kênh truyền hình Dawn của Pakistan đã công bố 3 bức ảnh cho thấy bà bị một tên sát thủ đeo kính râm chĩa súng vào khi bà đang đứng trên nóc chiếc xe và tên thứ hai, có thể là kẻ đánh bom tự sát, đeo khăn choàng trắng đứng gần đó. Hãng tin ANI (Ấn Độ) hôm qua dẫn lời bà Sherry Rehman, trợ lý thông tin của bà Bhutto, nói rằng có thể bà bị sát hại bằng súng laser và vết thương còn rỉ máu đến phút cuối.

Trong khi đó, Chính phủ Pakistan dẫn một báo cáo của các bác sĩ tại bệnh viện nơi bà Bhutto trút hơi thở cuối cùng, nói rằng bà không bị trúng đạn mà chết do sức ép từ vụ nổ bom khiến bà va đầu vào thành cửa nóc xe và bị nứt sọ. Tuy nhiên, theo Hãng tin AP, một bản sao của báo cáo trên được gửi cho các phóng viên cho thấy các bác sĩ không đưa ra kết luận gì về việc bà Bhutto có bị bắn chết hay không.

Báo cáo cho biết nguyên nhân tử vong của bà Bhutto là "vết thương hở miệng ở đầu với vết nứt sọ lõm, dẫn đến tim ngừng đập". Báo cáo được 7 bác sĩ ký tên vào nói rằng khi được đưa đến, bà đã ngừng thở. Máu chảy nhỏ giọt từ vết thương xuống phía bên trái đầu bà và có thể nhìn thấy được chất trắng, có thể là dịch não. Quần áo bà đẫm máu. Nhóm y bác sĩ đã cố gắng cứu chữa trong khoảng 41 phút trước khi tuyên bố bà đã qua đời. Báo cáo cho biết vết thương rộng 5 x 3 cm. Không có những vết thương hoặc khu vực thâm đen xung quanh. "Không thấy có ngoại vật bên trong vết thương. Vết thương không được kiểm tra thêm", báo cáo viết.

Luật sư Athar Minallah, thành viên hội đồng quản trị Bệnh viện Rawalpindi nơi bà Bhutto qua đời, cho biết các bác sĩ đã kêu gọi tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định chắc chắn nguyên nhân tử vong, nhưng Cảnh sát trưởng Rawalpindi Saud Aziz từ chối. "Vết thương có thể do trúng đạn, nhưng nếu không có khám nghiệm tử thi, không bác sĩ nào có thể đưa ra ý kiến kết luận đó có phải là vết thương do đạn gây ra hay không", AP dẫn lời ông Minallah. "Không khám nghiệm tử thi, coi như chẳng có điều tra gì cả".

Tuy nhiên, ông Aziz đã bác bỏ cáo buộc của ông Minallah. "Tôi chưa hề bảo ai ngừng khám nghiệm tử thi cả. Đó là một yêu cầu pháp lý bắt buộc, nhưng nó tùy thuộc vào người kế thừa hợp pháp của người chết", ông Aziz nói. Tại một buổi họp báo hôm 30.12, chồng bà Bhutto, ông Asif Ali Zardari, xác nhận ông từ chối yêu cầu khám nghiệm tử thi với lý do ông không tin chính quyền của Tổng thống Pervez Musharraf có thể thực hiện một cuộc điều tra đáng tin cậy. Ông cũng gọi thông cáo của nhà chức trách về cái chết của vợ ông là "những lời nói dối". Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Pakistan, gia đình Bhutto được tự do khai quật mộ của bà để tiến hành một cuộc khám nghiệm tử thi nếu muốn.

Cuộc tranh cãi nói trên tác động mạnh vào uy tín của ông Musharraf. Nhiều người ủng hộ bà Bhutto đã đòi tiến hành một cuộc điều tra tương tự như cuộc điều tra của LHQ về vụ ám sát cựu Thủ tướng Li-băng Rafik Hariri vào năm 2005. Văn phòng Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết ông Musharraf đã đồng ý xem xét nhận hỗ trợ quốc tế trong quá trình điều tra cái chết của bà Bhutto trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Anh hôm 30.12. Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Musharraf hôm qua tuyên bố ông Musharraf không đưa ra lời hứa trên. Chính phủ Pakistan cũng quy trách nhiệm cho một thủ lĩnh al-Qaeda về vụ sát hại bà Bhutto nhưng cả thủ lĩnh này lẫn đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của bà Bhutto đều bác bỏ.

Giới phân tích cho rằng Chính phủ Pakistan có vẻ ngớ ngẩn khi đưa kết luận về cái chết của bà Bhutto chỉ một ngày sau khi bà qua đời mà không điều tra kỹ lưỡng. Hậu quả là họ phải đối mặt với ngày càng nhiều nghi vấn.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.