ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam: Tấm HCV lịch sử sau 36 năm chờ đợi

13/09/2023 05:41 GMT+7

Sau khi vượt qua 'ngọn núi lớn' là võ sĩ nước chủ nhà Nhật Bản ở bán kết, võ sĩ Trần Quang Hạ tiếp tục thắng thuyết phục VĐV Indonesia tại chung kết môn taekwondo để giành HCV ASIAD 1994, đồng thời tạo cột mốc lịch sử khi giúp thể thao VN chấm dứt 'cơn khát vàng' kéo dài 36 năm.

Sau tấm HCV đầu tiên của môn bóng bàn từ năm 1958 (Nhật Bản), thể thao VN không thể có thêm lần nào bước lên bục cao nhất tại Đại hội thể thao châu Á. Mãi cho đến ASIAD 1994, cũng tại xứ sở hoa anh đào, thể thao VN mới giải được "cơn khát vàng" bằng tấm HCV môn taekwondo. Người tạo nên cột mốc đặc biệt này là võ sĩ Trần Quang Hạ.

KÝ ỨC VỀ TẤM HCV LỊCH SỬ

Khi vừa tròn 20 tuổi, trong lần đầu tiên được lên đội tuyển VN để trình làng tại SEA Games 1991, VĐV Trần Quang Hạ đã gây ấn tượng mạnh khi giành HCV taekwondo hạng cân 58 kg. Với thành tích này, võ sĩ sinh năm 1971 được đầu tư để hướng đến sân chơi lớn hơn là ASIAD 1994. Đầu tư là vậy, nhưng thành tích thì chưa ai dám nghĩ tới. Nói như cựu võ sĩ Trần Quang Hạ: "Taekwondo VN khi đó chỉ mới trở lại, chưa có "số" ở sân chơi châu Á. Khi đó, chỉ cần đoạt huy chương thôi là thành công ngoài mong đợi rồi".

ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam: Tấm HCV lịch sử sau 36 năm chờ đợi - Ảnh 1.

Võ sĩ Trần Quang Hạ là người đầu tiên giành HCV ASIAD cho taekwondo VN

Tư Liệu

Trước năm 2000, công nghệ chưa phát triển nên thông tin về các đối thủ là hoàn toàn không có. Chính vì vậy, võ sĩ Trần Quang Hạ chỉ có thể tự trông chờ vào chính bản thân mình, không ngừng tập luyện để cải thiện chuyên môn. "Lúc đó, tôi chỉ biết nỗ lực tập luyện thôi chứ không hề biết trình độ tới đâu so với các nước khác. Khi đến nơi thi đấu, nhìn đối thủ đánh với người khác, tôi cùng HLV mới bắt đầu đưa ra đấu pháp", ông Hạ kể.

Khó khăn là vậy, nhưng bằng sự nhanh nhạy và sáng tạo trong lối đánh, VĐV Trần Quang Hạ đã thắng cả 3 trận trước các võ sĩ sừng sỏ của khu vực, để một lần nữa tạo ra cú sốc lớn với tấm HCV ở Đại hội thể thao châu Á 1994. VĐV của VN thắng võ sĩ Đài Loan (HCĐ Olympic Barcelona 1992) ở tứ kết, hạ võ sĩ Nhật Bản (HCĐ thế giới) tại bán kết và đánh bại võ sĩ Indonesia trong trận chung kết. "Các VĐV đấu hạng cân 58 kg đều đã có huy chương thế giới, trong khi không ai biết tôi là ai. Một phần là do đối thủ chủ quan, nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân, tôi đã đánh ngang ngửa với họ và giành những chiến thắng sít sao", cựu võ sĩ cho biết.

KỲ VỌNG CỦA NHÀ VÔ ĐỊCH CHÂU Á

Tấm HCV của võ sĩ Trần Quang Hạ đã chấm dứt 36 năm "khát vàng" của thể thao VN ở đấu trường châu Á. ASIAD 1994 cũng là năm đầu tiên taekwondo VN trở lại sân chơi này. Chính vì vậy, thành tích của cựu võ sĩ này được xem là dấu ấn lịch sử với thể thao VN nói chung và taekwondo nói riêng. Cựu võ sĩ 52 tuổi tự hào kể lại: "Thật ra, tôi cũng không biết vụ 36 năm đâu. Lúc đó, có anh phóng viên hỏi tôi vụ này, tôi cũng ngơ ngác. Sau này, tôi mới nhận thấy ý nghĩa lịch sử của chiếc HCV này đối với thể thao VN, đặc biệt là với taekwondo. Chiếc HCV đó đã góp phần mở ra một trang mới cho taekwondo VN, trở thành môn trọng điểm được đầu tư để lấy huy chương. Trước đó, sự đầu tư dành cho môn võ này là chưa nhiều. Chính vì vậy, tôi cũng cảm thấy rất hãnh diện, khi mình như người đi mở đường, đặt dấu mốc".

ASIAD và dấu ấn thể thao Việt Nam: Tấm HCV lịch sử sau 36 năm chờ đợi - Ảnh 2.

Cựu võ sĩ tài danh Trần Quang Hạ

NGHI THẠO

Năm 1996, võ sĩ Trần Quang Hạ giải nghệ và theo nghiệp huấn luyện. Đến ASIAD 1998, ông Hạ là người dẫn dắt trực tiếp học trò Hồ Nhất Thống bảo vệ thành công tấm HCV taekwondo hạng cân 58 kg. Hai tấm HCV liên tiếp ở ASIAD tưởng chừng là bước đệm tuyệt vời để taekwondo VN bay cao hơn nữa ở sân chơi khu vực, nhưng thực tế lại không được như vậy. Dù điều kiện cơ sở vật chất phát triển so với trước, sự đầu tư cũng nhiều hơn, nhưng taekwondo VN vẫn chỉ quanh quẩn ở Đông Nam Á, chưa thể bứt lên để giành thành tích đáng kể nào tại ASIAD.

Ông Hạ nhận định sự đổi mới trong luật thi đấu đã ảnh hưởng lớn đến việc cạnh tranh thành tích của taekwondo VN, đặc biệt là từ khi sử dụng giáp điện tử trong đấu đối kháng. Kinh phí đầu tư cho giáp điện tử rất lớn. Chỉ đội tuyển taekwondo VN mới được tập luyện với giáp điện tử, và giải vô địch quốc gia mới sử dụng công nghệ này, nhưng cũng với số lượng rất hạn chế. Trong khi đó, các nước khác có thể tự sản xuất hàng loạt giáp điện tử phục vụ tập luyện, hoặc có nguồn kinh phí dồi dào để trang bị rộng rãi. Chính vì vậy, võ sĩ VN dù tài năng nhưng điều kiện tập luyện, kinh nghiệm thực chiến sẽ thua thiệt hơn nhiều nước khác. Bên cạnh đó, theo nhà vô địch ASIAD 1994, phong trào taekwondo ở VN hiện chưa mạnh. Trong đó, "cái nôi" tốt nhất cho thể thao VN nói chung và môn taekwondo nói riêng chính là học đường, vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Chìa khóa cho thành công là sự đầu tư xứng tầm. Tuy nhiên, yếu tố con người cũng quan trọng không kém. Cựu võ sĩ Trần Quang Hạ đánh giá, taekwondo VN cũng có thể sẽ làm nên chuyện tại ASIAD 19 sắp tới: "Tôi hy vọng toàn đội sẽ thi đấu tốt. Nhưng thực tế, các hạng cân nữ được kỳ vọng nhiều hơn. Trương Thị Kim Tuyền có cơ hội cạnh tranh ở hạng cân 49 kg, khi em ấy bản lĩnh, giàu kinh nghiệm". Ông Hạ cũng đưa ra lời khuyên: "Các VĐV cần phải nỗ lực và tự tin. Đấu trường ASIAD không dành cho người thiếu tự tin. Sự tự tin giúp mình tỉnh táo, từ đó mới sáng tạo được cách đánh biến hóa, dẫn dụ đối thủ… Khi có sự tự tin, nội lực được phát tiết, còn nếu mất kiểm soát, thể lực sẽ tiêu hao rất nhanh".

"Tôi chúc đoàn thể thao VN đạt được chỉ tiêu đề ra. Tôi hy vọng, đội taekwondo cũng sẽ gặt hái được huy chương, góp phần vào thành công cho đoàn thể thao VN tại ASIAD 19", ông Hạ chia sẻ. (còn tiếp)

Thể thao Việt Nam kỳ vọng gì ở ASIAD 19 sắp tới?

Sau khi giành thêm HCV SEA Games 1995, cựu võ sĩ Trần Quang Hạ giải nghệ vào năm 1996 và bắt đầu theo nghiệp huấn luyện. Sau 15 năm làm HLV môn taekwondo, ông Hạ chuyển sang công tác ở Sở VH-TT TP.HCM, và hiện là Phó trưởng phòng Quản lý TDTT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.