Báo chí cần được chia sẻ kịp thời

30/11/2023 09:21 GMT+7

Một loạt các quy định về tài chính, thuế, chi phí... liên quan đến báo chí đã lỗi thời nhưng chưa sửa đổi đang khiến hàng vạn nhà báo đứng trước nguy cơ bị giảm mạnh thu nhập; các cơ quan báo chí đã khó khăn lại càng thêm khó.

Chẳng hạn như Thông tư (TT) 150 ban hành năm 2020, với mục đích hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì ổn định bộ máy tổ chức và đảm bảo nguồn chi trả lương cho đội ngũ nhân viên an tâm công tác, đã bị hủy bỏ từ 8 tháng nay nhưng vẫn chưa thấy Bộ Tài chính có động tĩnh gì.

Thực tế ngay sau khi TT này bị hủy bỏ, nhiều tờ báo đã lên tiếng, các chuyên gia cũng phân tích sự hợp lý, hợp tình của TT150 cần được kế thừa bằng một TT mới. Cụ thể, về tính hợp lý, nhiều tờ báo tự chủ về tài chính, thực hiện nộp thuế như doanh nghiệp nhưng vẫn nằm chung trong nhóm các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập và bị chi phối bởi các quy định thuộc nhóm này, tức là chi phí tiền lương áp dụng theo Nghị định 60/2021. Mà thực hiện theo lương ngạch bậc nhà nước, lương phóng viên, người lao động sẽ ở mức thấp. TT150 quy định "chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp" đã giúp các cơ quan báo chí phản ánh đúng các khoản chi phí, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu nhập cho lực lượng phóng viên, người lao động.

Còn hợp tình thì chúng ta đều biết, bối cảnh kinh tế nói chung và ngành báo chí nói riêng hiện nay còn khó khăn hơn nhiều so với thời điểm ban hành TT150. Cụ thể, năm 2023 là năm được xác nhận là khó khăn lịch sử với Việt Nam và đến lúc này, chúng ta đã chấp nhận không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% đặt ra từ đầu năm. Báo chí vừa bị tác động từ bối cảnh chung vừa ở giai đoạn bùng nổ thông tin với sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội. Ngay cả nhiều tờ báo lớn trên thế giới cũng phải đóng cửa, dừng in. Trong nước, nhiều cơ quan báo chí phải mạnh tay cắt giảm lương, thưởng của người lao động để tồn tại. Nhiều tòa soạn phải thu hẹp, sa thải bớt lao động để có thể hoạt động... Có thể nói, đây là lúc báo chí cần được hỗ trợ nhiều nhất. Vì vậy, rất khó hiểu khi một quy định hợp lý và đầy tính sẻ chia như TT150 bị hủy bỏ nhưng Bộ Tài chính lại chưa kịp thời có quy định kế thừa và chuyển tiếp. Nên nhớ, nếu không áp dụng quy định trong TT150, thu nhập của nhà báo có thể bị giảm gần một nửa so với hiện tại.

Tương tự, có những quy định chưa theo kịp sự phát triển của thị trường báo chí, cũng cần được điều chỉnh sớm để tạo điều kiện cho sự phát triển trong dài hạn. Ví dụ nhiều cơ quan báo chí hiện nay phát triển truyền thông đa phương tiện gồm báo in, online, truyền hình, mạng xã hội... thế nhưng mới chỉ có báo giấy được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% thay vì áp dụng mức 10% cho tất cả các loại hình. Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng mới có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị gỡ vướng về thuế, tài chính... cho các cơ quan báo chí. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát quy định về thuế liên quan đến báo chí... Những việc này cho thấy sự cần thiết và cấp bách trong điều chỉnh cơ chế, chính sách để kịp thời hỗ trợ, kịp thời thúc đẩy lĩnh vực báo chí phát triển.

Kinh tế vẫn đang đối mặt với khó khăn, báo chí vẫn đang chịu tác động kép và hơn lúc nào hết, người làm báo cần sự sẻ chia để tiếp tục bảo đảm mặt trận thông tin, phục vụ bạn đọc, phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.