Bạo lực học đường: Khi giáo viên cũng là nạn nhân

12/11/2023 09:55 GMT+7

Khi nói đến bệnh nghề nghiệp của nhà giáo, người ta hay nhắc đến các chứng bệnh liên quan đến phổi, họng, thanh quản. Nhưng thực sự chưa có một thống kê, hay một nghiên cứu nào về số lượng, tỷ lệ giáo viên bị trầm cảm, tự kỷ, hay các chứng bệnh về tâm lý khác.

Thực tế cho thấy tình trạng giáo viên bị các bệnh về tâm lý ngày càng nhiều và nguồn gốc phát sinh chính là nạn bạo lực học đường, trong đó giáo viên là nạn nhân.

Người viết từng chứng kiến cảnh một phụ huynh xông vào lớp học tìm thầy giáo để "hỏi tội" chỉ vì thầy giáo tịch thu điện thoại của học sinh khi sử dụng trong giờ học với những lời lẽ khó nghe "mạng của thầy còn không đáng giá bằng cái điện thoại của con tôi".

Trong quá trình tiếp xúc, nhiều phụ huynh chỉ nhắn tin, gọi điện vào những giờ riêng tư giữa trưa, hoặc quá khuya mà không cần biết giáo viên cũng cần nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng cả về tinh thần và thể chất. Nhiều phụ huynh nóng tính, hoặc bênh con cách vô lối cũng trấn áp, khủng bố tinh thần giáo viên với những cuộc gọi "xài xể", mắng vốn nhưng giáo viên chẳng thể đáp lại vì sợ bị gài bẫy, ghi âm, rồi cắt ghép...

Xếp học sinh hạnh kiểm trung bình, cô giáo cô V.T.K.Q (H.Đắk Glong, Đắk Nông) bị phụ huynh đến nhà đánh vào tháng 5. Trong tháng 10, Hiệu phó Trường THPT Hàm Tân (Bình Thuận) bị phụ huynh và một số người lạ xông vào nhà đánh phải đi cấp cứu 

TNO

Bên cạnh đó, việc bị cấp trên "bắt nạt" thông qua việc thường xuyên bị soi xét, la mắng, thậm chí nâng quan điểm để hù họa cũng khiến nhiều giáo viên ám ảnh. Có những trường, ban giám hiệu khi phê bình giáo viên lại to tiếng, la mắng, quát tháo trước mặt đồng nghiệp, thậm chí trước mặt học sinh. Thậm chí, một lỗi vi phạm nào đấy được nhắc đi nhắc lại trong mỗi cuộc họp, tạo tâm lý khủng hoảng cho giáo viên khi đến trường.

Bên cạnh đó, nhiều thầy cô chia sẻ cả ngày phải chăm chăm nhìn vào cái "group" trường, "group" giáo viên chủ nhiệm, tổ chuyên môn và vô số các nhóm Zalo vì tin nhắn liên tục. Nếu không đọc thì sợ tin trôi qua, bỏ qua một công việc nào đấy, hoặc một chỉ đạo nào đấy "khẩn" của ban giám hiệu rồi lại bị phê bình, đánh giá thi đua.

Học trò "cá biệt" cũng là những thủ phạm của tình trạng bạo hành giáo viên. Nhiều người nghĩ "trẻ con nó biết gì đâu", thế nhưng, trong thực tế luôn có những học sinh luôn cố tình tạo tâm lý ức chế cho giáo viên, hoặc cố ý khiêu khích. Nhiều học sinh cứ đến tiết một thầy cô nào "thấy ghét", hoặc hiền lành, dễ bắt nạt là cố ý ngủ, hoặc quậy phá, nói leo, nhiều khi với những ngôn từ xấc xược, vô lễ nhắm mục đích phá quấy, lấy le với bạn bè, thậm chí "gài bẫy" giáo viên. Không ít giáo viên trẻ bước chân vào lớp với đôi chân nặng nề, và bước ra với đôi mắt đỏ hoe bởi những học sinh này.

Trường học hạnh phúc khi giáo viên, học sinh đều hạnh phúc. Trước hết đó phải là môi trường an toàn, thân thiện, Giáo viên mong chờ luật Nhà giáo với những căn cứ pháp lý cụ thể, chặt chẽ để bảo vệ chính mình, để thầy cô không còn là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường. Chỉ khi đó, thầy cô mới có thể cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp trồng người.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.