Bảo vật quốc gia: Chiếc thạp hoa nâu thời Trần nghi là quan tài cho quý tộc

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/05/2024 07:38 GMT+7

Thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần có thể đã được dùng làm quan tài mai táng người chết sau khi hỏa thiêu.

Chiếc thạp hoa nâu nhiều tên

Bảo vật quốc gia thạp gốm hoa nâu thời Trần có đính tên Hiệp An, do được phát hiện trong quá trình nhân dân đào huyệt tại nghĩa trang xã Hiệp An (H.Kim Môn nay là TX.Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) hồi năm 1981. Khi đó, do người dân tình cờ đào thấy, lại không có chuyên môn về khai quật khảo cổ học nên chiếc thạp đã bị vỡ mất 3 quai, sứt nhỏ ở miệng, đầu cánh sen và tróc một số mảng men. Mặc dù vậy, đây vẫn là chiếc thạp còn khá nguyên vẹn, nguyên bản về cấu trúc, hình dáng và hoa văn trang trí. Thạp hiện đang được trưng bày tại hệ thống trưng bày cố định thuộc không gian văn hóa lịch sử thời Lý - Trần của Bảo tàng tỉnh Hải Dương.

Thạp gốm Hiệp An

Thạp gốm Hiệp An

TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Chiếc thạp gốm này cũng được gọi với nhiều tên gọi khác nhau. Hồ sơ đăng ký hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương và tác giả Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương, đều gọi đây là thạp. PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, gọi là vò lớn. TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia và TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, lại gọi hiện vật này là chum. Cách gọi này cũng được ông Quân và ông Chiến đưa vào sách Cổ vật VN2.000 năm gốm VN. Mặc dù vậy, hồ sơ bảo vật quốc gia do Sở VH-TT-DL Hải Dương thực hiện gọi là thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần.

Khi được tìm thấy, bên trong chiếc thạp gốm Hiệp An còn có nhiều đĩa men ngọc. Trong số này, có 2 chiếc đĩa men ngọc hiện là hiện vật của Bảo tàng Hải Dương. Đĩa thứ nhất, rộng 20 cm, cao 4 cm, trong lòng khắc chìm 2 chim hạc bay và 2 đám mây cách điệu. Đĩa thứ hai rộng 19,5 cm, cao 5 cm, giữa có một bông cúc nhỏ có niên đại thời Lý. Dựa vào những cơ sở trên, cùng với hoa văn trên thạp, các chuyên gia thống nhất xác định thạp (chum) gốm hoa nâu Hiệp An là hiện vật gốc có niên đại thời Trần (thế kỷ 13 - 14).

Trong lịch sử gốm Việt, ngay từ khi mới ra đời, gốm hoa nâu VN đã xuất trình một kỹ thuật khá đặc thù. Đó là kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền để tạo đồ án trang trí. Chính vì điều đó mà các nhà khoa học, giới nghiên cứu về gốm và mỹ thuật VN thường tôn vinh gốm hoa nâu như một truyền thống riêng biệt của gốm men VN. Thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần được phát hiện với tính nguyên bản, tiêu biểu và độc đáo đã góp phần quan trọng khẳng định giá trị riêng biệt của dòng gốm men nâu VN.

Đồ dùng quý tộc trong hoạt động tôn giáo

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, các trang trí thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là kết quả của sự kết hợp giữa bàn xoay, nặn tay, chạm khắc, đắp nổi và tô điểm men. Người thợ gốm nặn tay để tạo phần băng cánh sen với 62 cánh sen to, nhỏ xen kẽ nhau và tạo quai thạp, sau đó mới gắn vào thân thạp khi còn ướt. Việc này được thực hiện sau khi đã khắc các họa tiết hoa văn trên thân. Họ cũng khắc những chỉ giới hạn cho các băng hoa văn. Trên các băng hoa văn này có văn mây như ý, lá sen, sóng nước. Do khắc tay từng họa tiết và phải tiến hành trong thời gian khá dài, nên mỗi họa tiết đều có một hình, sắc thái riêng, không hoa văn nào giống tuyệt đối hoa văn nào. Kỹ thuật tô màu men cũng mang đến những hoa văn nâu trên nền ngà.

Thạp gốm có vẻ đẹp của sự kết hợp giữa điêu khắc và hội họa

Thạp gốm có vẻ đẹp của sự kết hợp giữa điêu khắc và hội họa

Các nhà khoa học đánh giá thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần có vẻ đẹp của sự kết hợp giữa điêu khắc và hội họa. Trên thạp có những hình khối mập mạp, khỏe khoắn, mạch lạc, kết hợp với những đường nét, những mảng màu, mảng hình đơn giản, đồ án trang trí gần gũi đời sống. Đây cũng là tiêu bản gốm tiêu biểu cho dòng gốm hoa nâu thời Trần nói riêng và gốm hoa nâu VN nói chung.

Căn cứ vào cấu trúc, hình dáng, kích thước, màu men và hoa văn trang trí được tạo tác hết sức tỉ mỉ, tinh tế, các nhà nghiên cứu bước đầu đưa ra nhận định, thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần có thể là đồ dùng của tầng lớp quý tộc hoặc đồ dùng trong các hoạt động tôn giáo (thờ cúng, tế lễ) hoặc dùng trong cung đình. Có khi còn được dùng làm quan tài mai táng người chết sau khi hỏa thiêu.

Khi phát hiện trong lòng thạp có chứa 29 đĩa men ngọc có hoa văn và độ lớn khác nhau, tất cả còn gần nguyên vẹn. Rất tiếc là chính quyền địa phương không quản lý và báo cáo cho cơ quan văn hóa biết kịp thời nên phần lớn hiện vật bị phân tán qua những người buôn bán cổ vật trái phép. Vì có kho đồ gốm quý trong thạp này nên thạp còn được nhận định là có thể dùng để cất giữ của cải, tài sản... Tuy nhiên, thạp gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần được sử dụng với chức năng công dụng gì thì đây cũng là một hiện vật quý và hiếm, một minh chứng, bằng chứng xác đáng về tài năng của thợ gốm thời Trần. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.