Bệnh u nguyên bào thần kinh ở trẻ

22/01/2007 14:54 GMT+7

Trẻ còn nhỏ, nhưng lại có triệu chứng đau lưng, đau xương, mắt gấu trúc... cộng với bụng to không bình thường, thì cần đưa trẻ đi khám, kiểm tra, vì có thể đó là dấu hiệu của căn bệnh u nguyên bào thần kinh ở trẻ em.

Triệu chứng mắt gấu trúc

Mới đây ê-kíp các bác sĩ khoa Ngoại của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã phẫu thuật 3,5 giờ đồng hồ để bóc tách toàn bộ khối u nặng 600 gr - chiếm 1/10 cân nặng cơ thể của bệnh nhi tên Biếu (10 tháng tuổi, ngụ ở tỉnh Gia Lai). Em bé này nhập viện cấp cứu trong tình trạng xuất huyết, thiếu máu nặng và bụng rất to... Kết quả giải phẫu và sinh thiết cho biết, bệnh nhi bị khối u nguyên bào thần kinh dạng ác tính nằm trong vùng bụng, phía sau phúc mạc, trên thận và chèn ép gan sát vào cơ hoành, chèn ép tĩnh mạch chủ dưới. Người nhà của bé cho biết, trước đó 4 tháng, thấy bụng bé hơi to, nhưng gần đây, bụng to lên quá nhanh, nên đưa bé vào viện.

U nguyên bào thần kinh là một loại u thường gặp ở trẻ em, dạng bẩm sinh (sinh ra đã bị rồi), và cho đến nay các nhà chuyên môn vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Đây không phải là căn bệnh nhiễm trùng và không lây từ người này sang người khác.

Theo bác sĩ Trần Vĩnh Hậu - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM): "U nguyên bào thần kinh có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể - nơi có mô thần kinh giao cảm. Bệnh thường được phát hiện ở thời điểm trẻ 2 tuổi. Đây là loại bệnh chiếm khoảng 8% ung thư ở thời kỳ niên thiếu, là ung thư được chẩn đoán thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Về nguyên nhân thì chưa rõ, chỉ biết rằng, lẽ ra những tế bào đó thay vì phát triển thành các tế bào thần kinh, nhưng do một trục trặc nào đó đã gây xáo trộn cấu trúc sắp xếp, làm tăng sinh bất thường, không theo một trật tự nhất định nào cả. Chúng tập hợp lại thành một khối u, mà thành phần chưa phải là tế bào mà là nguyên bào, nên gọi là u nguyên bào thần kinh... U nguyên bào thần kinh thể hiện dưới dạng một khối u ở bụng là vị trí thường gặp nhất (chiếm khoảng 60% các trường hợp), kế đến là các vị trí khác như: u nằm ở ngực, vùng chậu, đầu - cổ... Tùy vào vị trí khối u hiện diện mà triệu chứng bệnh thể hiện ra bên ngoài sẽ khác nhau. Chẳng hạn trẻ sẽ bị đau, tắc ruột (nếu u nằm ở vùng bụng); khó thở hay khó nuốt (nếu u nằm ở vùng ngực); hoặc có thể trẻ bị táo bón hay khó tiểu (nếu u nằm ở vùng chậu)... Ngoài ra, ở trẻ bị u nguyên bào thần kinh còn có những triệu chứng khác như: sụp mi mắt; đồng tử mắt cùng bên với khối u co nhỏ lại; rung giật cơ; cao huyết áp, tiêu chảy. Nếu u đã di căn (thường là di căn hạch, gan, xương) thì có thể có những triệu chứng như: sốt, dễ kích thích; chậm tăng cân, da niêm xanh xao (do khối u đã "ăn" hết các chất dinh dưỡng); đau xương; đau lưng; giảm hay mất phản xạ gân xương; giảm trương lực cơ; vết bầm xung quanh hốc mắt - mà giới chuyên môn thường gọi là “mắt gấu trúc".

Cần phát hiện, chữa trị sớm

U nguyên bào thần kinh là nguyên nhân gây tử vong khoảng 15% ở trẻ em mắc bệnh ung thư tại Mỹ. Riêng trong nước thì chưa có số liệu thống kê cụ thể. Đây là căn bệnh rất cần được phát hiện sớm để cứu chữa kịp thời, tránh gây tử vong cho trẻ. Việc chẩn đoán cần làm: siêu âm, CT scan, hay chụp MRI (cộng hưởng từ) vùng ngực và bụng, định lượng acid homovanilic và acid vanillylmande trong nước, sinh thiết tủy, scan xương và X - quang ngực.


Một khối u nguyên bào thần kinh điển hình

Việc chữa trị u nguyên bào thần kinh, theo bác sĩ Trần Vĩnh Hậu là phụ thuộc vào giai đoạn của u, tuổi bệnh nhi (sẽ tốt hơn nếu trẻ dưới 1 tuổi), cũng như một số yếu tố khác. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Phẫu thuật cần được thực hiện khi khối u chưa di căn hạch, để lấy toàn bộ u, hay càng nhiều mô u càng tốt. Nếu bệnh nhi đến bệnh viện sớm lúc u còn nhỏ, chưa bị di căn thì việc phẫu thuật dễ lấy hết được u, sau đó tiến hành xạ trị, hóa trị giúp tỷ lệ sống còn của bệnh nhi cao hơn. Nếu bệnh nhi đến bệnh viện trễ, khi u đã quá to, di căn, khó lấy hết trọn u. Khi đó, những tế bào di căn sẽ làm cho khả năng phát tán bệnh trở lại sẽ cao.

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ làm sinh thiết u để phân loại mức độ bệnh nặng, nhẹ; bản chất u; mức độ biệt hóa của tế bào ung thư... nhằm có hướng chữa trị thích hợp. Sau phẫu thuật, chữa trị, trẻ cần được theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 5 năm, nếu bệnh không tái phát thì là khả quan. Bác sĩ Trần Vĩnh Hậu cho biết: "Phần lớn các gia đình phát hiện trẻ mắc bệnh trong lúc tắm cho con, thấy bụng trẻ to. Thời điểm này khối u đã lớn rồi. Chính vì vậy, phần lớn các trẻ mắc bệnh u nguyên bào thần kinh vào viện là ở giai đoạn muộn, u đã xâm lấn, hoặc di căn. Do vậy, tiên lượng bệnh số đông là xấu, tỷ lệ sống còn dưới 30%”.

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.