Bị chàm tổ đĩa suốt 5 năm do bìa sách cứa tay

Lê Cầm
Lê Cầm
11/10/2022 18:02 GMT+7

Chị N.T.T.H. (38 tuổi, ở Tân Bình, TP.HCM) trong một lần sắp xếp tài liệu hồi 5 năm trước, chị bị bìa sách cứa vào ngón tay, vết xước nhỏ nhưng gây ngứa âm ỉ.

Kể từ đó, khi đến mùa lạnh hay ở lâu trong phòng lạnh, chị lại bị ngứa ở tay. Lúc đầu, vị trí ngứa khoanh vùng đốt ngón tay, sau lan đến lòng và mu bàn tay. Chị H. tự mua thuốc về bôi, đỡ ngứa nhưng lâu lâu lại tái phát.

Gần 2 năm nay, tay chị ngứa dữ dội. Chị đến phòng khám gần nhà, được kê thuốc bôi thấy đỡ ngứa, mùa lạnh lại tái phát. Thời gian đầu, mỗi năm chị bị ngứa tay 1-2 đợt nhưng tần suất xuất hiện càng lúc nhiều hơn. 3 tháng trước, chị bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người, khiến bàn tay tái phát ngứa dữ dội, xuất hiện các mảng bong tróc lớn hơn, nứt nẻ, rỉ máu ở lòng và các đốt ngón tay.

Dù đã đi khám ở vài bệnh viện, điều trị tốn nhiều tiền nhưng hai bàn tay vẫn ngứa nhiều, mảng bong da lan rộng, đau nhiều do vết thương hở. Chị H. lo lắng không dám chạm tay vào nước hay tiếp xúc với xà bông, chờ đến ngày công ty cho đi khám sức khỏe tổng quát để khám kèm da liễu.

Trong quá trình khám sức khỏe tổng quát định kỳ, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhận thấy các chỉ số xét nghiệm bình thường nhưng hai bàn tay lại ngứa dữ dội, xuất hiện các mảng bong da lớn rỉ máu. Khi tiếp xúc với nước hay xà bông làm đau rát, bắt tay thấy nhám xịt, khô ráp nên chuyển người bệnh sang chuyên khoa Da liễu.

Ngày 11.10, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, chị H. có nhiều mảng da nổi vảy theo vùng, ở giữa nứt nẻ nhiều đường làm chảy máu, đỏ ửng. Người bệnh ngứa, đau, tê khắp 2 bàn tay, gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như công việc.

Kết quả chẩn đoán cho thấy chị H. bị chàm tổ đỉa kéo dài đã lâu và thường xuyên tái phát. Bệnh trở nên nặng hơn khi người bệnh bị dị ứng toàn thân từ 3 tháng trước. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị mất hoàn toàn dấu vân tay do tổn thương da, hoặc viêm loét nặng, mưng mủ do nhiễm trùng.

Bàn tay chị H. nổi vảy, bong da, nứt da, ngón tay mất gần hết dấu vân tay

đinh tiên

Hiện chị H. được kê thuốc uống chống dị ứng và kháng sinh do cơ thể còn có một số mẩn đỏ trên người và tổn thương ở da tay. Bệnh nhân được chỉ định thêm thuốc bôi chống ngứa, phục hồi da, thuốc làm ẩm và mềm da. Ngoài ra, bác sĩ Bích hướng dẫn chị H. cách chăm sóc da tay để tránh chàm tổ đỉa tái phát.

Bác sĩ Bích chia sẻ, chàm tổ đỉa là một thể đặc biệt của bệnh chàm (eczema), biểu hiện với tình trạng viêm da, xuất hiện các mụn nước nhỏ, khô và ngứa ngáy. Các mụn nước thường tập trung tại bàn tay, bàn chân; chủ yếu ở lòng và rìa các ngón tay, ngón chân; rìa bàn tay, bàn chân. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi với nhiều giai đoạn khác nhau, bệnh có thể tự giới hạn, nhưng sau đó có xu hướng tiến triển bộc phát nhiều hơn, dai dẳng hơn theo thời gian nếu không điều trị.

Nhiều bệnh nhân đến phòng khám da liễu trong tình trạng chàm tổ đỉa gây sưng, ửng mủ, mất hoàn toàn dấu vân tay… nhưng đều chữa khỏi. Trước đó, hầu hết người bệnh nghĩ chàm tổ đỉa không thể chữa khỏi do tái phát nhiều lần, gây nản lòng không muốn điều trị.

Bác sĩ Bích khuyến cáo người có cơ địa dễ bị dị ứng, người từng bị chàm tổ đỉa không nên tiếp xúc nhiều với xà bông, chất tẩy rửa, dầu gội, sữa tắm có hóa chất tẩy mạnh. Người bệnh nên sử dụng găng tay chất liệu tốt không gây dị ứng khi lau dọn hay giặt giũ… Sau khi tiếp xúc với xà bông, hay ở trong phòng lạnh cần thoa kem dưỡng ẩm không mùi có chứa vitamin E hoặc tinh chất của lô hội để dưỡng ẩm cho da.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.