Lớp “VIP” trong trường công - Kỳ 2: Không thể mập mờ công - tư

20/10/2012 03:05 GMT+7

Việc tồn tại lớp tư trong trường công dễ nảy sinh tình trạng lợi dụng trường nhà nước để hoạt động dịch vụ giáo dục mà không kiểm soát được.

>> Lớp “VIP” trong trường công

Dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh

Bộ GD-ĐT nên tách biệt hoàn toàn các mô hình, không nên lẫn lộn trong một trường học công lập như vậy

Ông TRỊNH NGỌC THẠCH -
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa -
Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Nhiều người cho rằng để con cái được học tập trong môi trường tốt là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, ngành GD-ĐT vì thế phải có trách nhiệm đa dạng hóa các mô hình học tập để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, trong cùng một trường công mà cho phép tồn tại lớp chất lượng cao, thấp phụ thuộc vào mức đóng góp khác nhau là hoàn toàn không nên.

Nhà giáo Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), đề nghị: “Nên để họ tự lựa chọn trường cho con em mình học, hơn là huy động họ để xây dựng nên môi trường đó. Nếu nhà nước không ôm nổi các trường công, nên tạo điều kiện để các trường tư phát triển”.

Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng bày tỏ quan điểm: “Nhà nước đầu tư ngân sách cho trường công lập là đảm bảo mọi học sinh đều có một mặt bằng chất lượng giáo dục như nhau. Nếu cho phép trường công mở một vài lớp chất lượng cao, thu học phí cao thì thực chất là lớp học tư thục nhưng cơ sở giảng dạy và lương giáo viên là do nhà nước trả. Nếu dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh là không đúng”.

Cùng chung e ngại, ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho rằng: “Đã là giáo dục công lập dựa trên phúc lợi xã hội thì nó phải phục vụ một cách công bằng cho toàn thể nhân dân. Việc có thêm mô hình thu phí cho cái gọi là chất lượng cao sẽ tạo sự bất công trong học sinh. Điều này còn bất hợp lý với chính những học sinh học ở nhóm, lớp chất lượng cao vì nếu không có mô hình này các em vẫn học trường đó, lớp đó với thầy cô giáo của mình mà hoàn toàn không phải đóng nhiều tiền hơn”.

Lớp “VIP” trong trường công
Nhiều lớp học “VIP” ở Hà Nội thu của phụ huynh hàng trăm triệu đồng đầu tư trang thiết bị, trong đó có bảng tương tác - Ảnh: Ngọc Thắng

Cần một mô hình riêng

Ông Thạch cho rằng: “Bộ GD-ĐT nên tách biệt hoàn toàn các mô hình, không nên lẫn lộn trong một trường học công lập như vậy. Trường nào là chất lượng cao là cả trường đều hoạt động theo phương thức như vậy chứ không phải chỉ vài lớp. Phụ huynh nào có nhu cầu, có khả năng đóng góp thì đăng ký vào đó học. Những trường này nếu thu đủ từ phụ huynh thì nên xem xét không cấp kinh phí của nhà nước nữa”.

 

Dịch vụ cao hay giáo dục chất lượng cao ?

Theo ông Trịnh Ngọc Thạch, điều quan trọng nhất mà Bộ GD-ĐT cần làm lúc này là đưa ra quy định về tiêu chí thế nào là giáo dục dịch vụ chất lượng cao và giáo dục chất lượng cao. Chấm dứt tình trạng bất cứ trường nào cũng “tự phong” trường chất lượng cao như hiện nay. “Làm được điều đó rồi thì mới có căn cứ để quy định về học phí hoặc hình thức thu chi ra sao”, ông Thạch đề nghị. Ông Thạch giải thích: “Nếu chỉ được trang bị máy móc thiết bị tốt, cơ sở vật chất tốt thì không thể gọi là giáo dục chất lượng cao được. Trong giáo dục, chất lượng cao ngoài cơ sở vật chất thì quan trọng hơn thì phải có đầu vào, giáo viên và giáo trình tốt, chất lượng ra trường cao”.

Hiện nay với nhiều phụ huynh và lãnh đạo các trường, chất lượng cao đồng nghĩa với cơ sở vật chất tốt. Trong đó bảng tương tác, máy chiếu là thiết bị không thể thiếu. Tuy nhiên, các chuyên gia thì lại có những lo ngại khi lạm dụng thiết bị này. TS Đặng Thu Thủy (Trung tâm nghiên cứu thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em, Viện Khoa học giáo dục) cho rằng, ở bậc tiểu học không nên lạm dụng thiết bị dạng trình chiếu mà nên dùng các thiết bị học sinh có thể cầm, nắm, thao tác được. Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó vụ trưởng Vụ Thiết bị giáo dục, Bộ GD-ĐT, cũng bày tỏ quan điểm: “Bảng tương tác chưa bao giờ lọt vào danh sách danh mục thiết bị bắt buộc trong nhà trường”.

Nguyên hiệu trưởng một trường THPT chuyên của TP.HCM bức xúc: “Khi mà nhà nước chưa bao cấp được hết để xây dựng các trường thành chất lượng cao thì cách tốt nhất là tạo một mô hình độc lập. Nếu để nhập nhằng như thế này mối quan hệ tồn tại trong môi trường giáo dục bấy lâu sẽ tan vỡ hết”.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay TP có 2 loại hình trường là công lập và ngoài công lập. “Trường ngoài công lập do các cá nhân, tập thể thành lập và mức thu do các trường quyết định có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Các trường công lập thuộc quyền sở hữu của nhà nước, được cấp kinh phí xây dựng và hoạt động. Tuy nhiên, từ khi Thủ tướng ban hành Nghị định 43 (năm 2006) về tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 10 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu thì các trường công lập phải hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính. Căn cứ vào thực tế của từng trường, TP quyết định trường tự chủ một phần hay tự chủ toàn phần”, ông Đạt giải thích. 

Trong hơn 1.000 trường từ mầm non cho đến THPT của TP.HCM, hiện có Trường mầm non và THPT Nam Sài Gòn thực hiện cơ chế tự chủ tài chính toàn phần. Nguồn thu của các trường này chủ yếu từ học phí và tự trang trải tất cả các hoạt động mà không có tiền ngân sách. Bắt đầu từ năm 2006, TP.HCM chọn Trường THPT Lê Quý Đôn thí điểm mô hình trường chất lượng cao. Mục tiêu thực hiện mô hình này là không dạy thêm, học thêm; không thu nhiều loại phí, thực hiện hiệu quả phương pháp dạy học tiên tiến và phát huy tốt năng khiếu của học sinh, tăng cường giảng dạy tiếng Anh. Về cơ sở vật chất, mỗi phòng học có một máy vi tính nối mạng, máy chiếu, màn hình, máy lạnh. Mỗi lớp học có 30 học sinh với mức học phí khoảng 1 triệu đồng/tháng. Đến năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT tiếp tục mở rộng thực hiện mô hình này ở 2 trường THPT Nguyễn Du (Q.10) và Nguyễn Hiền (Q.11).

Hiện nay dù Sở GD-ĐT TP.HCM chưa đánh giá hiệu quả của mô hình trường chất lượng cao nhưng đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Nguyên trưởng phòng GD của một quận bức xúc: “Đây là mô hình vớ vẩn, đã được nhà nước cấp kinh phí rồi mà còn được phép thu học phí cao hơn trường công khác gần 30 lần”. Một hiệu trưởng bày tỏ: “Thực hiện mô hình chất lượng cao chứ thực tế nó “cao” như thế nào thì chả ai biết. Mô hình này thực hiện theo kiểu nhà nước “vỗ béo” bằng cách xây dựng trường lớp khang trang, đầu tư cơ sở vật chất khá đầy đủ rồi đem ra thu tiền chất lượng cao”.

Ông Trịnh Ngọc Thạch cũng cho rằng một số ý kiến cho trường công lập tự chủ tài chính được phép làm điều này cũng không phải. “Trường tự chủ về tài chính tức là vẫn được cấp ngân sách nhưng vì uy tín và đặc thù của trường nên giao quyền chủ động về điều phối và sử dụng tài chính cho trường đó, với điều kiện phải có báo cáo cụ thể tình hình thu chi. Ở đây, tự chủ tài chính khác với tự có tài chính. Nếu tự có tài chính thì là trường ngoài công lập rồi”, ông Thạch giải thích.

Như vậy, dư luận vẫn mong muốn có sự rõ ràng trong các loại hình trường học. Nếu muốn có trường chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận học sinh thì xây dựng riêng chứ không nên lợi dụng trường công để thực hiện những dịch vụ giáo dục.

>> Lớp “VIP” trong trường công

Tuệ Nguyễn - Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.