Bão số 9 tàn phá nghiêm trọng

05/12/2006 09:36 GMT+7

Phóng sự video của Hãng phim Thanh Niên: Bà Rịa - Vũng Tàu tan hoang sau cơn bão Chiều tối 5/12, sau khi đi qua địa phận các tỉnh miền tây Nam Bộ xuống vịnh Thái Lan, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tối 5/12, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Bà Rịa - Vũng tàu thiệt hại nặng nề sau bão số 9

Theo các số liệu mới nhất, tổng số người chết là 34 người, số người mất tích do thuyền đắm và mất liên lạc là 24 người, trong khi 338 người khác bị thương phải điều trị ở bệnh viện. Thiệt hại nặng nhất là TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.

Về thiệt hại tài sản, đã có 4.482 căn nhà bị sập hoàn toàn,  39.656 căn bị tốc mái, trong đó nặng nhất là huyện Đông Điền và TP. Vũng Tàu. Ngoài ra còn 24 ghe bị chìm, trong đó có 3 ghe bị mất liên lạc, nhiều cơ quan, trường học, trạm y tế bị tốc mái.

Mai Vọng 

Tin cuối cùng về cơn bão số 9

Theo bản tin bão cuối cùng về cơn bão số 9 phát lúc 23h30 ngày 5/12 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong 2 ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 9 ở vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã có gió mạnh cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13. Các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Riêng đảo Phú Quý nơi tâm bão đi qua đã có gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12.

Ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và Nam Bộ đã có mưa, mưa vừa. Riêng các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa 2 ngày tính đến 19h ngày 5/12 đo được phổ biến 50 - 150mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi là 150 - 200 mm. Một số nơi trên 200mm như A Lưới: 186 mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế): 174mm; Trà My: 325mm; Tiên Phước (Quảng Nam): 255mm; Giá Vực: 243mm; Sơn Tây: 265 mm; Minh Long (Quảng Ngãi): 243mm...

Chiều tối ngày 5/12, sau khi đi qua địa phận các tỉnh miền tây Nam Bộ xuống vịnh Thái Lan, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tối ngày 5/12, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất vùng gần trung tâm vùng áp thấp đã giảm xuống dưới cấp 6, tức là dưới 39 km một giờ.

Hồi 22 giờ ngày 5/12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 8,4 độ vĩ bắc, 102,8 độ kinh đông, trên khu vực vịnh Thái Lan. Vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía tây, đi vào Ấn Độ Dương và không còn khả năng gây gió mạnh đối với nước ta.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa và mưa vừa, có nơi mưa to và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 9. M.G

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “Khẩn trương cứu trợ cho người dân vùng bị ảnh hưởng bão”

Lúc 20h tối nay (5/12), Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì buổi họp giao ban trực tuyến qua cầu truyền hình với các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương và các địa phương về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.

Sau khi nghe báo cáo từ các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, địa phương về tình hình thiệt hại nghiêm trọng do bão gây ra, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão phải khẩn trương phân loại, kịp thời cứu trợ cho dân, đặc biệt là các tỉnh bị thiệt hại nặng như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang… không để người dân bị đói sau khi cơn bão đi qua.

Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo cho Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nghiêm khắc phê bình lãnh đạo tỉnh Tiền Giang vì đã quá chủ quan trong công tác phòng tránh bão.

Công tác khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra tại tỉnh Bến Tre cũng đang được gấp rút triển khai. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết, ngay khi đoàn công tác do ông dẫn đầu đến nơi đã có cuộc họp chớp nhoáng với địa phương để triển khai công tác. Đoàn đã chia ra làm 3 nhóm khẩn trương xuống địa bàn xung yếu để kiểm tra và cùng chính quyền địa phương chỉ đạo đối phó với bão và khắc phục hậu quả sau bão.

Theo số liệu nhận lúc 15h hôm nay 5/12 từ Phân ban phòng chống lụt bão miền Nam, số người chết đã lên tới con số 36, hơn 37 người mất tích, gần 350 người bị thương, 14 ngàn căn nhà bị sập đổ, gần 84 ngàn căn nhà khác bị tốc mái, gần 600 phòng học bị bão làm hư hại, gần 700 chiếc thuyền bị đắm, chìm.

Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất, kế đến là Bến Tre, Bình Thuận và Tiềng Giang... Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, bằng mọi giá phải kịp thời khắc phục hậu quả, cứu trợ cho dân những vùng bị bão tàn phá, trước mắt Chính phủ đã xuất 200 tấn gạo cứu dân, không để dân đói sau khi cơn bão đi qua.

Trước khi kết thúc buổi họp giao ban, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng đã chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương trong ngày mai (6/12) phải đến từng địa phương bị thiệt hại nặng sau bão, nắm tình hình báo cáo lên Chính phủ để có hướng xử lý kịp thời khắc phục hậu quả. Dự kiến, sáng mai 6/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra.

Theo tin báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, đến 15h chiều nay 5/12, cơn bão số 9 đã suy yếu dần và di chuyển sang vịnh Thái Lan. Ngọc Thọ

Bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía tây Nam Bộ

Theo bản tin bão khẩn cấp (cơn bão số 9) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát lúc 14h30 ngày hôm nay 5/12, hồi 13 giờ ngày 5/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,5 độ vĩ bắc, 105,4 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật trên cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Như vậy khoảng chiều tối ngày 5/12, bão số 9 sẽ đi xuống vùng biển Cà Mau - Kiên Giang. Đến 13 giờ ngày 6/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,1 độ vĩ bắc; 101,0 độ kinh đông, trên khu vực phía tây vịnh Thái Lan.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, vượt qua biên giới Thái Lan-Malaysia sang Ấn Độ Dương.

Như vậy, chiều 5/12 bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía tây Nam Bộ gây ra gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh. Các tỉnh Nam Bộ và vùng biển Cà Mau - Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh Cà Mau - Kiên Giang cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 3 mét và sóng biển cao từ 4 - 6 mét. M.G

Đồng Tháp: Thời tiết xấu có mưa to kèm theo gió mạnh khắp trong tỉnh

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp, đến 8h sáng nay tình hình thời tiết tại các địa phương trong tỉnh xấu có mưa nhiều, mưa to kèm theo gió mạnh. Trước tình hình trên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã có công điện khẩn gửi đến các địa phương, đồng thời triển khai nhanh công tác phòng chống cơn bão số 9.

Lúc 6h sáng nay tại thị xã Cao Lãnh - trung tâm tỉnh lỵ Đồng Tháp, bắt đầu có gió mạnh mưa vừa và mưa to khắp nơi. Lực lượng công an, quân đội, bưu điện và các cơ quan đóng trên địa bàn thị xã... đã chằn néo mái nhà, bảo vệ kho tàng vũ khí quân dụng. Lực lượng công an đường thủy đã ra quân kêu gọi nhân dân có thuyền bè áp sát vào bờ, tìm nơi tránh bão...

Ngành bưu điện tỉnh Đồng Tháp đã có công điện khẩn gửi đến các bưu điện trực thuộc kiểm tra lại các tuyến cáp trụ, Ang-ten, đoạn cáp vượt sông... Đảm bảo truyền tải thông tin xuyên suốt 24/24. Tỉnh Đồng Tháp cũng cương quyết ngưng hoạt động của các bến đò không đảm bảo an toàn. Thiên Thanh 

Tường thuật của PV Thanh  Niên Trần Lê từ tâm bão Phú Quý (Bình Thuận)

Đúng 10h ngày 5/12, PV Thanh Niên có mặt trên chiếc máy bay VN SAR04 của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, đại diện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn quân khu 7 ra huyện đảo Phú Quý - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi cơn bão số 9 ập vào tối qua. 45 phút sau, máy bay đáp xuống huyện đảo. Khi cơn bảo đi qua, quan sát từ trên máy bay, chúng tôi thấy đảo Phú Quý vẫn còn vẻ đẹp diệu kỳ của nó, dù cảnh tang hoang sau bão vẫn hiện rõ.

Thông tin cập nhật mới nhất những thiệt hại trên đảo Phú Quý:
- Tàu thuyền bị chìm: 580 chiếc (từ 20CV trở lên)
- Nhà tốc mái, sập vách: 1.730 căn
- 6 người bị thương, trong đó có chị Cao Thị Nhiên, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ngũ Phụng bị chấn thương sọ não khi cùng đoàn cán bộ xã đi giúp dân.

Vừa đặt chân xuống đảo, ông Huỳnh Văn Tí - Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận đã cùng đoàn công tác đến ngay những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hơn 200 chiếc thuyền ở cửa biển Lạch Chùa của xã Tam Thanh bị đánh tan tành theo sóng biển. Ông Lê Phượng, 59 tuổi, một ngư dân và là chủ chiếc tàu mang số hiệu BTH 178 buồn bã cho biết: “Bão giật tới cấp 14 thì tàu thuyền nào mà chịu nổi”. Anh Hà Sông Lô - Phó bí thư huyện đảo cho biết năm 1988, ở đảo cũng có một cơn bão rất mạnh, nhưng 18 năm sau cơn bão số 9 lại mạnh hơn rất nhiều lần.


Trung tâm văn hoá huyện Phú Quý bị bão tàn phá - Ảnh: Trần Lê 

Tại cảng Phú Quý, cảnh bà con ngư dân lặn hụp chằng néo thuyền nhằm cố níu kéo những gì còn có thể cứu vãn được. Nhưng xem ra hi vọng ấy quá mong manh vì sự thật không chiếc tàu nào còn nguyên vẹn. Ông Nguyễn Công - một chủ tàu thu mua lớn ở đảo cho biết: "Tàu của ông có công suất đến 250CV, trị giá hơn 500 triệu đồng, mặc dù đã được chằng néo cẩn thận nhưng không chịu nổi sức gió vào lúc 23h đêm hôm qua". Hiện ông Công cùng những bạn thuyền được thuê cố gắng trục vớt lấy máy tàu.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Huỳnh Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc trên đảo đã bị tê liệt, chỉ bắt đầu liên lạc được với đất liền vào sáng hôm nay. Tính đến sáng 5/12 có 1.730 hộ dân bị thiệt hại về nhà ở; 158 trụ điện thông tin bị ngã đổ; có 4 dãy nhà Trung tâm quân dân y trên đảo bị tốc mái hoàn toàn. Huyện đội bị tốc mái nhà kho, hơn 4 tấn gạo bị ngâm trong nước.

Tan hoang sau bão

Ngoài ra, những người nuôi cá mú trên đảo mới bị thiệt hại nặng, một bè cá mú trị giá từ 1 đến 3 tỷ đồng chỉ sau một đêm đã trắng tay. Thượng tá Phan Minh Hảo - Chỉ huy trưởng quân sự huyện đảo cho biết: Đêm qua lực lượng bộ đội, biên phòng, công an trên đảo đã túc trực suốt đêm để gúp dân, nhưng đặc thù của đảo một mình nằm giữa biển Đông không thể làm gì hơn. Rất may là công tác ứng phó với bão được chuẩn bị tốt nên không có ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Đại tá Võ Hà Trung ở Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: Ngay ngày hôm nay sẽ có tàu Trường Sa ở Cam Ranh chở hàng thuốc men tiếp viện cho đảo Phú Quý. Đại tá Nguyễn Văn Mạng - Phó tham mưu trưởng quân khu 7 chỉ đạo tỉnh đội, huyện đội dùng lương thực dự trữ phát cho dân ngay trong ngày 5/12. Bí thư tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí căn dặn cán bộ trên huyện đảo: "Bằng mọi giá không được để dân đói, không nơi ở". Ông Tí chuyển lời của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng biểu dương tinh thần chống bão của quân và dân trên đảo, mau chóng khôi phục lại sản xuất, hoạt động đánh bắt hải sản, ổn định cuộc sống của người dân trên đảo. Trần Lê

Thẫn thờ, không tin vào những gì đang diễn ra trước mặt mình

Cần Thơ: Hoang tàn

Đến 14h chiều ngày 5/12, sự cố mất điện, mất nước toàn thành phố Cần Thơ mới được khắc phục. Trước đó, vào lúc 10h sáng, mưa giông và lốc mạnh đã thổi qua trung tâm thành phố khiến cho hàng loạt biển hiệu, cây xanh, cột biển báo hiệu trên đại lộ 30/4, đường 3/2, Trần Hưng Đạo... bị bật gốc và hư hại. Một cây cổ thụ trong công viên Lưu Hữu Phước bị trốc gốc. Trần và mái nhà của trường mẫu giáo 8.3 trên đường Trần Hưng Đạo, phường An Cư, Q.Ninh Kiều bị tốc mái toàn bộ. Rất may phần lớn trong số 400 cháu học tại đây đã được nghỉ sớm, một số cháu đã được đưa xuống các tầng dưới nên không bị ảnh hưởng. Cách đó không xa trường Mẫu giáo Xuân Khánh cũng bị tốc một phần mái...


Sập nhà trẻ 8.3 tại TP.Cần Thơ

Để chủ động phòng tránh bão, từ hôm qua 4/12, UBND thành phố đã chỉ đạo các quận huyện có phương án cụ thể bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Theo đó, cho tất cả học sinh các cấp lớp tạm nghỉ học từ chiều ngày 5 đến hết ngày 6/12; tổ chức cho các hộ dân có nhà tạm bợ sống ven sông di dời vào tạm cư ở những nơi an toàn; các quận huyện phải tổ chức và bố trí nhiều đội xung kích sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố; yêu cầu ngành điện lực, viễn thông phải bảo đảm hệ thống thông suốt và có phương án dự phòng, không để xảy ra mất điện, mất liên lạc; yêu cầu công ty công trình đô thị bố trí nhân sự ứng trực, xử lý nhanh khi có cây xanh đô thị bị đổ ngã... Đúng 9h sáng nay 5/12, các thành viên UBND thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình phòng chống bão ở các huyện.

Bến Tre: 19 người chết và hơn 100 người bị thương

Cho đến chiều ngày 5/12, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng vẫn xảy ra tình trạng mất điện toàn tuyến. Một số nơi hệ thống thông tin liên lạc về tuyến huyện bị mất hoàn toàn. Từ Bến Tre, PV Hoàng Phương cho biết đến giờ này (hơn 15h) tại địa phương đã có 19 người chết, bị thương hơn 100 người, sập 3.893 căn, tốc mái 25.575, 4 ghe chưa liên lạc. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch nói sẽ chi hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng 2 triệu đồng, riêng 200 người đang bị thương ở bệnh viện thì địa phưong lo chi phí điều trị toàn bộ. Bộ đội đã chi viện lực lượng đi sửa chữa nhà ở cho dân.

Hồi 17h30 vẫn còn mưa to, gió giật. Toàn thị xã Bến Tre chìm trong bóng tối ngoại trừ một số cơ quan ứng trực như bệnh viện, bưu điện, đài phát thanh truyền hình... Tấm hình này được phóng viên Nguyễn Khoa Chiến gửi đi từ Bưu điện tỉnh Bến Tre với chú thích: Các bác sĩ BV Bến Tre đang mổ cấp cứu cho nạn nhân NGuyễn Văn Sơn, 43 tuổi (ở xã Bình Tây huyện Ba Tri) bị dập não, bán cầu trái, khi ngôi nhà ngói bị bão giật sập, đè lên.


Cây xanh bị gãy đổ tại Trà Vinh

Tiền Giang, Bạc Liêu: Thiệt hại nghiêm trọng

Tại Tiền Giang: Tính đến chiều ngày 5/12 đã có 1.848 căn nhà bị sập, 4.846 căn tốc mái, kịp di dời 13 ngàn dân, tuy nhiên có 2 người chết, 25 tàu bị chìm, 40 trụ điện ngã, 184 cây xanh ở Mỹ Tho và Gò Công Đông gãy đổ, 400 hecta lúa 82 hecta hoa màu bị hư hại.


Dân Bạc Liêu sơ tán tại trường tiểu học Châu Văn Liêm

Tại Bạc Liêu:

Tính đến 11h trưa nay (5/12) toàn tỉnh đã sơ tán 7.854 dân ra khỏi vùng nguy hiểm ven biển và nhà cửa tạm bợ ở nội ô không đủ khả năng chống được gió bão. 754 chiếc tàu đã vào bờ an toàn, trong đó có 19 tàu, 116 thuyền viên của các tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, hầu hết cặp tại cửa Gành Hào.

Nhóm PV ĐBSCL

Báo cáo nhanh tình hình bão số 9 tại Bình Thuận: Huyện đảo Phú Quý bị thiệt hại nặng nề nhất, ước tính lên đến 350 tỷ đồng

• Lương thực hiện nay trên đảo chỉ đáp ứng được 10 ngày

Theo thống kê thiệt hại sau khi cơn bão số 9 đổ bộ vào huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) là rất lớn, ước tính thiệt hại lên đến 350 tỷ đồng. Phóng viên Thanh Niên đã kịp thời có mặt trên chuyến bay cùng với lãnh đạo tỉnh đến điểm nóng Phú Quý. Rất tiếc mọi phương tiện liên lạc, cũng như điện bị hư hại hoàn toàn nên chúng tôi chưa thể gửi đến bạn đọc những hình ảnh về thiệt hại của cơn bão gây ra. Chúng tôi sẽ cố gắng chuyển tải những hình ảnh mới nhất trên huyện đảo Phú Quý trong thời gian nhanh nhất có thể. Sau đây là những thống kê thiệt hại, phương án chống bão trong buổi sáng ngày hôm nay (5/12) khi cơn bão đổ bộ vào Bình Thuận.

Mưa diễn ra trên diện rộng tại các nơi như TP Phan Thiết, xã Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân. Lượng mưa đo được do bão gây ra từ 19h ngày 4/12 đến 4h ngày 5/12 ở một số nơi trên địa bàn tỉnh: Phú Quý: 231,5 mm; Hàm Tân: 99,2mm; TP Phan Thiết: 34,0mm; Mương Mán: 57,1mm. Theo diễn biến tình hình cơn bão, Chủ tịch UBND tỉnh đã có 3 công điện khẩn chỉ đạo công tác cấp bách phòng chống cơn bão số 9. Tính đến sáng nay (5/12), tình hình thiệt hại sơ bộ tại các địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng bão như sau:

Do bảo đổ bộ vào ban đêm, xa đất liền và không đủ phương tiện để ứng cứu nên huyện đảo Phú Quý bị thiệt hại nặng nề: 820 tàu đánh cá của dân bị sóng đánh chìm; 70 lồng bè nuôi cá mú bị lật úp, thiệt hại 100%; 2.000 nhà cửa của dân bị sập, tốc mái; 22 trường học tốc mái, hư hỏng; hệ thống điện, trụ điện bị hư hỏng nặng không thể liên lạc được; có 3 người dân bị thương nặng đang được cấp cứu. Ước tính giá trị thiệt hại lên đến 350 tỷ đồng.

Về công tác di dời, sơ tán dân cư: Việc thực hiện chỉ đạo sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm tại các địa phương như: huyện Tuy phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã Lagi và TP Phan Thiết đã được các địa phương triển khai nghiêm túc và quyết liệt. Tính đến 4h ngày 5/12, các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán được 4.954 hộ (với 18.644 khẩu) vùng ven biển nguy hiểm và 1.196 hộ (với 4.227 khẩu) vùng nguy cơ ngập lụt đến nơi trú ẩn an toàn.

Về công tác triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu: Từ chiều qua (4/12) các lực lượng xung kích như biên phòng, quân sự, công an, thủy sản, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, điện lực, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, hội chữ thập đỏ… đã triển khai hoàn tất lực lượng phương tiện xuống các địa phương trọng điểm để cùng với địa phương triển khai công tác di dân, chằng chống nhà cửa bảo đảm an toàn về tình mạng và tài sản cho dân trước khi bão đổ bộ. Chủ tịch tỉnh yêu cầu các cơ quan trực 24/24 và sẵn sàng nhận lệnh điều động tham gia ứng cứu.

Chính vì diễn biến phức tạp của cơn bão, UBND tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền không cho ra khơi đánh bắt cá; nhanh chóng sửa chữa nhà cửa; thu dọn cây cối; khôi phục hệ thống điện, viễn thông; trục vớt tàu thuyền bị chìm; chỉ đạo ngành y tế ưu tiên cấp cứu người bị nạn, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu dân cư tập trung sau mưa bão. Đối với huyện Phú Quý, xin ý kiến với Thủ tướng chính phủ, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, UB Quốc gia về tìm kiến cứu nạn và các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương điều động phương tiện (trực thăng, tàu thuyền cứu hộ) đưa lực lượng, vật tư ra đảo, kịp thời ứng cứu, giúp dân và huyện khôi phục sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, viễn thông, trường học, trạm xá… ổn định tạm thời cuộc sống của nhân dân. Huy động các cơ sở ban ngành trong tỉnh chuẩn bị phương án, lực lượng sẵn sàng ứng cứu cho huyện đảo Phú Quý.

Hiện tại số lương thực trên đảo chỉ đủ sinh hoạt trong vòng 10 ngày tới, để tạm ổn định cuộc sống trước mắt cho nhân dân, UBND tỉnh cần phải hỗ trợ 288 tấn gạo cho 24.000 khẩu; 20 tỷ đồng để khôi phục nhà ở và 2,2 tỷ đồng khôi phục 22 trường học bị hư hại. Trước mắt cần khắc phục nhanh về điện chiếu sáng cho đảo, khoảng 10 tỷ đồng.

Trần Lê

Durian - Cơn bão không biên giới

Từ Mỹ, Tiến sĩ Khí tượng và Môi trường Trần Tiễn Khanh vừa gửi cho chúng tôi e-mail phân tích về “cơn bão kỳ lạ” Durian. Thư ông viết: “Bão Durian thật là cơn bão kỳ lạ. Kỳ lạ ở nhiều điểm như (1) một cơn bão mạnh, một siêu bão xảy ra ở cuối mùa, (2) bão đã mạnh lên rồi suy yếu rồi lại mạnh lên trong nhiều lần và (3) bão đổi hướng nhanh chóng làm các dự báo rất khó mà chính xác.

Sau khi đổ bộ vào Philippines với sức gió siêu bão (250km/giờ trở lên), bão đã giảm sút khi vào biển Đông. Tuy xuống cấp nhưng Durian vẫn còn là cơn bão mạnh nên lúc ấy các mạng dự báo đều cho là bão đi theo hướng Tây bắc, hướng về đảo Hải Nam và vịnh Bắc bộ. Do nước biển đã trở lạnh vào cuối mùa bão và do bị gió mùa Đông bắc khống chế nên bão Durian chuyển sang hướng Tây, đe dọa các tỉnh miền Trung, nhất là Quảng Nam - Quảng Ngãi. Nhưng gió mùa Đông Bắc lại mạnh hơn ngoài tiên lượng, nên bão Durian đã bị đẩy xa hơn về phía Nam. Thông thường các bão chỉ xuống đến Quy Nhơn, ít khi đến vùng biển Nha Trang. Tại đây, nước biển còn ấm nên cơn bão được tiếp thêm nhiệt lượng, mạnh lên lần nữa.

Sau khi đổ bộ lên đảo Phú Quý, bão đã đi dọc ven biển từ Bình Thuận đến Bến Tre. Đây cũng là một hiện tượng hiếm khi xảy ra vì ít khi bão xuống xa như vậy! Bão đã đổ bộ với sức gió 120km/giờ và tiếp tục đi theo hướng Tây- Tây nam với tốc độ 30km/giờ. Do vùng đồng bằng Nam bộ có địa hình bằng phẳng nên bão di chuyển nhanh, không suy yếu nhiều vì chướng ngại địa hình như khi đổ bộ Philippines. Bão đi ngang những thành phố lớn của Nam bộ như Vĩnh Long, Cần Thơ... Bão vào vịnh Thái Lan khi nước biển ở đây còn ấm nên nó lại mạnh lên với sức gió 120km/giờ. Sau 24 giờ trên vịnh Thái Lan, Durian sẽ vào Ấn độ dương và sau đó suy yếu cho đến khi tan biến. Như vậy, bão Durian có lộ trình thật dài và phức tạp. Nó sinh ra ở Thái Bình Dương lại chôn vùi ở Ấn Độ Dương. Thật là cơn bão kỳ lạ, thậm chí kỳ dị!”

Với người dân miền Tây Nam bộ, có lẽ đây là lần đầu tiên, bà con đối mặt với cơn bão lớn. Có nhiều người, trong đời chưa bao giờ biết bão là gì! Hơn bao giờ hết, tình dân tộc nghĩa đồng bào biểu hiện cụ thể như lúc này. Người dân miền Trung vốn chưa ra khỏi hậu quả nặng nề của bão Xangsane, nay lại thắt ruột với thảm nạn đang diễn ra với hàng vạn người dân Tây Nam bộ, vốn là nguồn nhân ái vô vàn mỗi khi miền Trung hoạn nạn. Và không chỉ người trong nước đang chú tâm đến cơn bão Durian, nhiều kiều bào ở nước ngoài cũng đang ngóng về quê nhà với đầy âu lo. Họ vào các mạng dự báo, liên tục gọi điện về VN, hỏi thăm tình hình trú bão, thông báo hướng đi của bão và động viên người thân bảo trọng.

Bão không biên giới và tình người VN dù ở bất cứ phương nào cũng quy về một mối: quê hương! (Đặng Ngọc Khoa)

Bão đã đi sâu vào đất liền

Theo bản tin bão khẩn cấp (cơn bão số 9) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát lúc 11h30 ngày hôm nay 5/12, sáng ngày 5/12, vùng tâm bão số 9 đã đi sâu vào đất liền thuộc các tỉnh miền tây Nam Bộ gây ra gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11.

Hồi 10 giờ ngày 5/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,9 độ vĩ bắc, 106,1 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật trên cấp 10. M.G

* Trước đó, khoảng 21h tối qua (4/12), bão số 9 đã đổ bộ vào đảo Phú Quý, cách đất liền tỉnh Bình Thuận 58 hải lý, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho huyện đảo này. Đến sáng sớm hôm nay (5/12), bão số 9 tiếp tục di chuyển xuống các tỉnh phía nam, trên các vùng biển Bến Tre - Kiên Giang - Cà Mau, một phần ngang qua huyện Cần Giờ của TP.HCM. 

Theo thống kê ban đầu, thiệt hại do bão số 9 gây ra là khá lớn, hàng ngàn nhà dân bị ngập, hàng ngàn tàu thuyền dù đã vào được bờ nhưng vẫn bị chìm, nhiều đường xá bị hư hỏng nặng. Tại Cần Giờ, ước tính có khoảng 40% nhà dân bị tốc mái. Theo ghi nhận đến 7h sáng nay (5/12), đã có tổng cộng 9 người thiệt mạng vì bão số 9.

Tường thuật trên đường từ TP.HCM đi Vũng Tàu

Trên đường dẫn về Bà Rịa - Vũng Tàu, một khung cảnh tan hoang và điêu tàn đã hiện ra. Tại huyện Tân Thành, nhiều panô quảng cáo đã ngã chỏng chơ dọc hai bên đường. Mái nhà của Huyện Ủy và UBND huyện cũng bị tốc lỏm chỏm nhiều chỗ. Ghi nhận tại chỗ ở Bệnh viện Bà Rịa, tính đến 12h trưa nay có khoảng hơn 200 ca cấp cứu đang được thực hiện tại đây. Đa số nạn nhân đều bị thương và chết vì nhà sập do cơn bão gây nên. Theo thông tin từ bệnh viện đã có 5 ca tử vong do cơn bão số 9 gây ra.

Từ thị xã Bà Rịa, hai phóng viên theo đường tỉnh lộ 52 về huyện Long Điền. Vẫn không có gì khác ngoài một khung cảnh điêu tàn, hoang vắng. Bốn dãy nhà của trường đào tạo nhân lực dầu khí VN đã bị gió bão cuốn mất, cây xanh xơ xác, gãy đổ khá nhiều. Dọc tỉnh lộ 52, hàng loạt các trụ điện gãy đổ nằm ngổn ngang. Cả khu vực bị mất điện hoàn toàn.

Ở huyện Đất Đỏ, ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: "Do đây là lần đầu tiên địa phương đón nhận một cơn bão dữ dội như vậy nên rất nhiều người dân đã chủ quan và không đề phòng. Theo thống kê sơ bộ, tính từ lúc bão số 9 đổ bộ vào (từ 4-5h30 sáng nay) có khoảnng 10.000 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, số người chết xảy ra tại các xã Lộc An (2 người), Phước Hải, Long Mỹ, Phú Hội đều có 1 người, có khoảng trên 100 người bị thương. (Đức Liên - Đức Trung)

Lâm Đồng: Hàng ngàn hộ dân mất điện sinh hoạt

Do ảnh hưởng cơn bão số 9, từ chiều và tối hôm qua (4/12), trên toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều có mưa, một vài địa phương có gió lốc. Theo ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở NN & PTNT kiêm Phó ban Phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn tỉnh, rạng sáng 5/12, tại xã Bảo Thuận (huyện Di Linh), một cơn lốc mạnh đã làm sập nhà bếp của một hộ dân, một ngôi nhà khác đang trong quá trình thi công bị sập bờ tường, gió lốc còn làm ngã 2 trụ điện, 20 cột ăng ten (nhà dân) bị gãy. Tiếp đó lúc 3h30 ngày 5/12, gió lốc làm gãy một số cây thông đè lên tuyến đường dây điện dẫn vào 2 xã Sơn Điền và Gia Bắc (huyện Di Linh) khiến 4.300 hộ dân không có điện sinh hoạt suốt buổi sáng nay.

Tại Đà Lạt, đêm qua gió mạnh đã làm gãy một cành thông đè lên đường dây dẫn điện làm mất điện cục bộ khu vực Trại Hầm (phường 10, Đà Lạt). Lúc 4h27 (ngày 5/12), tuyến đường dây 476 từ Đà Lạt cung cấp điện cho nhà máy nước Suối Vàng và huyện Lạc Dương bị một cây thông ngã đứt dây điện làm mất điện (đoạn qua Khóm Đa Phú, Phường 7). Chỉ sau 30 phút tìm ra nguyên nhân, Chi nhánh điện Đà Lạt đã khắc phục sự cố tiếp tục nối lại đường dây cung cấp điện cho nhà máy nước Suối Vàng hoạt động, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho phái đoàn Chính phủ và Thủ tướng 3 nước Camphuchia, Lào và Việt Nam đang họp tại Đà Lạt. Lâm Viên

* Đã có 17 người thiệt mạng do bão: Theo thông báo mới nhất của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Bà Rịa - Vũng Tàu có số người thiệt mạng nhiều nhất (10), kế đó là Bình Thuận (4), Phú Yên (3). Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bão đến nhanh và trước đó dấu hiệu không rõ ràng (đến 22h đêm qua gió vẫn nhẹ, chỉ mạnh hơn bình thường một chút) nên người dân nơi đây đã chủ quan. Chính vì thế, thiệt hại do bão ở Bà Rịa - Vũng Tàu hiện cao nhất, 10 người thiệt mạng, 13 người bị thương.

(***) "Hiện tại (10h), ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) mưa rất, rất to, nước dâng lớn trên Quốc lộ 1A trong lòng thành phố. Mưa lớn, gió to đã bắt đầu diễn ra từ rạng sáng. Học sinh tại những khu vực xung yếu nhất được nghỉ học và chỉ tập trung lại khi bão tan" (Hán Văn Thư - hanvanthu@gmail.com)

Do ảnh hưởng của bão, khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận có gió cấp 6 -7, có thể giật trên cấp 8 và gió xoáy. UBND thành phố đã phát lệnh cảnh báo bão đến người dân các địa bàn: quận 8, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi - những vùng dự kiến có thể nằm trong vùng quét của bão số 9. Kể từ cơn bão Linda xảy ra hồi tháng 11/1997, gần 10 năm qua, thành phố mới lại bị ảnh hưởng bởi một cơn bão lớn như vậy.

Hàm Tân, Lagi (Bình Thuận): 2 người chết, 17 người bị thương, hàng ngàn nhà sập và tốc mái

Tin nhận được lúc 9 giờ 30 sáng 5/12 từ huyện Hàm Tân (Bình Thuận) cho biết: xã ven biển Tân Thắng bị thiệt hại nặng nhất. Theo báo cáo ban đầu có khoảng 1.000 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, trong đó có 23 nhà sập tan tành. Hai trường mẫu giáo, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS bị tốc mái 100%. Ở thị trấn Tân Minh, 34 nhà tốc mái 50-100%, khu hành chánh trường THPT Đức Tân tốc mái hoàn toàn nhưng trang thiết bị và hồ sơ được bảo quản tốt. Tại Trại trẻ mồ côi Thiện Tâm, có 2 phòng dành cho các em không còn tấm tôn nào. Tại xã Tân Phúc, trong 58 nhà tốc mái có 8 nhà đồng bào dân tộc H’Mông bị tốc mái hoàn toàn. Hai trường mẫu giáo cũng bị tương tự.

Hồi 10 giờ, TNO liên lạc với ông Trịnh Văn Thu, Chủ tịch huyện Hàm Tân khi ông đang kiểm tra tình hình thiệt hại tại xã trọng điểm Tân Thắng. Ông nói: “Từ chiều 4/12, huyện di dời hàng ngàn người dân hai xã Tân Thắng và Sơn Mỹ đến 7 nơi trú ẩn. Nhờ vậy, chỉ có 3 người xây xát nhẹ. Hiện, bà con Tân Thắng vẫn chưa về nhà, xã và huyện lo cơm ăn, nước uống tại chỗ cho đồng bào. Các lực lượng đang được huy động thu dọn cây cối ngã đổ trên đường. Bên giáo dục đang tỏa xuống các trường để nắm thiệt hại ban đầu để nhanh chóng đề ra biện pháp khắc phục”.

Hồi 10 giờ 10, chúng tôi liên lạc được với ông Bùi Văn Mạnh, Chủ tịch UBND TX Lagi. Ông cho biết: “Cách đây mấy phút, chúng tôi đã dùng cần cẩu lấy được xác chị Trần Thị Thanh Lê ra khỏi đống đổ nát ở nhà thờ Đồng Tiến. Do nhà có nhiều cây cối nên gia đình chị đến trú trên gác lửng của nhà thờ. Khi bão đến, cây thánh giá bị đổ kéo theo sập tường đè lên hai chị và đứa con nhỏ - Nguyễn Lê Văn, sinh 1992. Hiện, thi thể hai mẹ con đang được đưa về nhà ở phường Tân An”.  Ông cho biết thêm, theo báo cáo ban đầu từ 5/9 xã phường, có ít nhất 14 người bị thương nhẹ, 17 nhà sập hoàn toàn, 1.224 nhà tạm, nhà cấp 4 tốc mái 100%, 2 tàu chìm trước cửa biển. Trường học bị thiệt hại nhiều và khá nặng. Hiện những hộ bị sập nhà được bà con, hàng xóm cưu mang. Các lực lượng đang tỏa đi thu dọn hiện trường sau bão. Bão đổ vào Lagi từ 1 giờ 30 đến 5 giờ sáng 5/12 thì ngưng. Mưa rất lớn, trên 50mm trong khi TP Phan Thiết chỉ mưa 20mm. Đặng Ngọc Khoa

* Tại Hàm Tân (Bình Thuận) nhiều tàu thuyền bị chìm, vô số vườn cây ăn trái ở xã ven biển Tân Thắng bị ngã đổ, rất nhiều nhà bị tốc mái, tỷ lệ 60%. Đáng thương hơn, có 2 mẹ con từ nhà chạy ra nhà thờ Tân An ở thị xã Lagi trú bão, bị tường sập đè chết, đến 8 giờ 30 sáng vẫn chưa lấy được xác. Đặng Ngọc Khoa

Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, vùng tâm bão đi vào địa phận các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền qua các tỉnh miền tây Nam Bộ sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang. Đến 7 giờ ngày 6/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,5 độ vĩ bắc; 102,8 độ kinh đông, trên khu vực vịnh Thái Lan.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, vượt qua biên giới Thái Lan-Malaysia sang Ấn Độ Dương.

Như vậy, ngày 5/12 bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ gây gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, có nơi cấp 11, giật trên cấp 11.

Từ chiều ngày 5/12, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật trên cấp 9. Biển động rất mạnh.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy, lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với thủy triều cao từ 2 - 3 mét và sóng biển cao từ 5 - 7 mét.

Đã có 9 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị sập và tốc mái, hơn 800 tàu thuyền bị chìm ở đảo Phú Quý (Bình Thuận)

Thông tin mới nhất tại cuộc họp giao ban Chỉ đạo tiền phương về cơn bão số 9 (Durian), được truyền hình trực tuyến ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chủ trì vào sáng nay, đó là bão đã quét qua Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ (TP.HCM), Gò Công (Tiền Giang), Bến Tre và dự báo đang trên đường đi xuyên qua đồng bằng, tiến ra biển Kiên Giang và vịnh Thái Lan.

Theo số liệu chưa đầy đủ, tính đến sáng nay, đã có 9 người chết (kể cả 3 người chết trên đường vào trú bão hôm trước ở Phú Yên; số còn lại là 4 người ở Bà Rịa - Vũng Tàu và 2 người ở Bình Thuận). Riêng ở Bà Rịa - Vũng Tàu có 13 người bị thương, rất nhiều nhà bị sập và tốc mái, điện bị cúp hoàn toàn, hệ thống thông tin điện thoại có nơi bị mất liên lạc. Ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đêm qua tâm bão đi qua với sức gió giật khoảng cấp 15, đã làm chìm hơn 800 tàu thuyền đang neo đậu ở khu vực này. Huyện Cần Giờ (TP.HCM) thống kê chưa đầy đủ đã có 10 căn nhà bị sập và 50 căn bị tốc mái. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, thiệt hại ban đầu đã có hàng ngàn căn nhà bị sập, nhưng chỉ mới là con số ở một số địa phương điện về mà thôi.

(***) "Sáng nay khoảng 7h30, bão số 9 đã đổ bộ vào Bến Tre theo hướng từ huyện Bình Đại. Gió mạnh dần lên đến khoảng 8h, gió rất mạnh. Đứng từ vị trí Bưu điện Bến Tre, sau mỗi cơn gió rít là rất nhiều vật dụng, mái tol, pano... bay loạn xạ; cây cối gãy đổ. Tại Bưu điện Bến Tre là nơi người dân lỡ đường trú bão cũng bị vỡ kính và thiệt hại đáng kể. Hiện nay bão đã qua và theo đánh giá của một số người lớn tuổi, đây là cơn bão mạnh nhất trong hơn 40 năm qua" (Trần Kiệt - ĐT: 075811056)
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phê bình lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không chỉ đạo sát sao, quyết liệt, để xảy ra thiệt hại về con người và tài sản quá lớn. Phó thủ trướng Trương Vĩnh Trọng nói: “Hôm qua tôi về Vũng Tàu kiểm tra tình hình phòng chống bão, thấy không có bao cát nào trên mái nhà, cũng không có dây chằng chống nhà cửa gì cả, hỏi sao không thiệt hại? Rồi tàu thuyền thì đậu sát rạt, rất dễ bị va đập, bị chìm. Tôi đã chỉ đạo rồi, bão vào thiệt hại chẳng khác gì bom B52, chỉ khác là không có hố bom và không có khói xám mà thôi. Do vậy, lãnh đạo tỉnh phải quyết liệt hơn, xốc vác hơn, những lúc như thế này phải xuống với dân...”.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết: Ở Bến Tre sáng nay điện về cho biết, đã có nhiều nhà bị tốc mái; còn ở Tiền Giang, tôi rất lo ở đê biển Gò Công. Đêm qua, Chủ tịch tỉnh Tiền Giang đã có mặt ở Gò Công để chỉ đạo. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong ngày hôm nay và ngày mai (6/12), nếu nơi nào đã di dời dân rồi thì tiếp tục giữ dân lại đến khi nào thật an toàn mới cho về; còn nơi nào chưa di dời dân thì phải khẩn trương di dời. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các tỉnh phải ra quân quyết liệt hơn nữa để đề phòng thiệt hại. Được biết, sau cuộc họp sáng nay Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng sẽ về các tỉnh Miền Tây để kiểm tra tình hình tiếp tục chỉ đạo công tác chống bão. Mai Vọng

Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bình Thuận, huyện đảo Phú Quý là nơi bị thiệt hại nặng nhất, trong đó có 820 tàu đánh cá của ngư dân bị sóng đánh chìm, 70% số lồng bè nuôi cá bị sóng lật úp, hơn 2.000 nhà dân, trường học trên địa bàn bị sập tốc mái, hệ thống điện và thông tin liên lạc trên đảo bị mất toàn bộ và có 3 người dân bị thương nặng đang cấp cứu.

Tại thị xã La-gi có 2 người chết do nhà sập, 2 người bị thương nhẹ, gần 200 nhà và trường học bị hư hỏng do bão, trong đó có 2 nhà bị sập hoàn toàn, 2 tàu thuyền bị chìm 2 chiếc và 302m kè biển bị sạt lở.

Sáng 5/12, một đoàn cán bộ chủ chốt của địa phương do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã ra đảo trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả. Đoàn đã đem theo hơn 1.300 lều và nhà bạt cho đồng bào trên đảo tạm trú và huy động lực lượng tại chỗ cứu trợ những gia đình bị thiệt hại nặng; đồng thời sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng do bão.

Bão số 9 đã tràn vào huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) gây thiệt hại lớn

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, bão số 9 đang ảnh hưởng trực tiếp đến duyên hải Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) từ nửa đêm ngày 4/12 về sáng nay (5/12), gió mưa mạnh dần lên đến mức dữ dội làm cây cối khu vực huyện ủy, UBND huyện, thị trấn Tân Hòa và vùng ven biển gãy đổ la liệt. Thiệt hại ban đầu là hết sức lớn và chưa thống kê được.

Gò Công Đông nằm kẹp giữa hai vàm sông lớn là Soài Rạp và Cửa Tiểu, có 32km bờ biển với nhiều địa bàn xung yếu, trong đó có 6 xã nằm trên hệ cù lao Lợi Quan bị sông ngòi kênh rạch chia cắt, điều kiện ứng cứu khi có thiên tai rất khó khăn. Gò Công Đông vẫn còn 33 tàu đánh cá nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bão, chưa vào bờ, có liên lạc qua vố tuyến, 11 ghe đáy, 42 giàn đáy song cầu đang hoạt động với 50 ngư dân chưa chịu vào bờ. Tỉnh đang chỉ đạo cho các ngành kêu gọi ngư dân nhanh chóng vào trú tránh tại những nơi an toàn đã được hướng dẫn. Riêng đối với các xã hệ cù lao Lợi Quan, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh kết hợp với huyện Gò Công Đông tổ chức kịp thời di dời dân vào nơi an toàn.

Rạng sáng 5/12, Quân khu 9 sẽ tăng cường thêm 500 bộ đội hỗ trợ huyện Gò Công Đông tham gia phòng chống, ứng cứu khi bão số 9 đổ bộ vào bờ. Các trường học trong tầm ảnh hưởng nguy hiểm nhất sẽ tạm cho học sinh nghỉ học. Thành phố Mỹ Tho và suốt tuyến ven biển Gò Công Đông đã nhận thấy ảnh hưởng bão số 9 với bầu trời xám xịt mây, giông, mưa lớn. TTXVN

Huyện Cần Giờ (TP.HCM): Hơn 110 căn nhà sập và tốc mái

Trong khi đó, ngay từ khuya hôm qua (4/12), bão số 9 đã ảnh hưởng đến TP.HCM, với gió thổi mạnh và mưa rải rác nhiều nơi. Càng về sáng thì mưa càng lớn và trải rộng khắp các quận, huyện của TP.HCM. Theo ảnh dự báo đường đi của bão số 9 của TTDBKTTVTƯ thì bão số 9 không đổ bộ trực tiếp vào TP.HCM mà chỉ gây ảnh hưởng về thời tiết.

Tính đến 6h30 sáng nay 5/12, tại địa bàn huyện Cần Giờ (TP.HCM) mưa to, gió lớn đã làm đổ cây, đứt dây điện gây mất điện toàn thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa… Theo báo cáo của huyện Cần Giờ, vào lúc 6h sáng nay tại địa bàn xã Thạnh An đã có 10 căn nhà bị sập, 50 căn bị tốc mái và hơn 50 căn khác bị xiêu vẹo. Theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện, tất cả các trường học sáng nay đều cho học sinh nghỉ học nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh.

Cũng trong sáng nay, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có buổi họp giao ban với lãnh đạo các ban ngành tại TP.HCM để chỉ đạo việc phòng chóng bão lũ tại TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Phó thủ tướng đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương tăng cường chống bão, bảo vệ người và tài sản; không mất cảnh giác, lơ là trước tình trạng bão đang có diễn biến phức tạp.

Tại buổi họp giao ban sáng nay, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng đã phê bình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận đã chủ quan để xảy ra chết người. Phó thủ tướng chỉ đạo, cán bộ chủ chốt của địa phương phải có mặt tại hiện trường để kịp thời chỉ đạo không để xảy ra trường hợp như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận như đã nêu.

Phó thủ tướng lưu ý, các ban ngành không được lơ là, chủ quan, nếu nơi nào để xảy ra thiệt hại về người thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Sau khi kết thúc buổi họp giao ban, Phó thủ tướng đã lên đường về tỉnh Bến Tre để tiếp tục chỉ đạo công tác chống bão và khắc phục hậu quả do bão gây ra. Ngọc Thọ

*Tính đến 16 giờ chiều 5/12, toàn huyện Cần Giờ vẫn còn 8 người mất tích, 167 căn nhà bị sập hoàn toàn, 1.483 căn bị tốc mái và xiêu vẹo, 10 trường học bị sập, trên 8.300 người dân vẫn còn lưu lại các khu tránh bão. Thiệt hại của riêng huyện Cần Giờ, tính sơ bộ khoảng 7 tỉ đồng. Hiện có khoảng 30.000 học sinh hai huyện Nhà Bè, Cần Giờ phải nghỉ học. Theo chính quyền huyện Cần Giờ, trước mắt 7.500 dân các xã trong huyện sống hết sức khó khăn do nhà cửa bị hư hại và chưa thể khôi phục sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, cần được cứu trợ khẩn cấp.

Chiều 5/12, MTTQ TP đã có buổi họp khẩn với MTTQ 24 quận huyện và các tổ chức thành viên về diễn biến cơn bão số 9 đi qua địa phận TP.HCM và đề ra cách khắc phục hậu quả do cơn bão để lại. Tại buổi họp, MTTQ TP đã đọc thư của Chủ tịch Uỷ Ban MTTQ TP Trần Thành Long kêu gọi các tầng lớp nhân dân TP phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, đoàn kết, tương thân tương ái, hưởng ứng đợt vận động của MTTQ (từ 5/12 đến 31/12/2006) đóng góp vật chất chia sẻ với đồng bào TP đang gặp nạn vì cơn bão số 9.

Theo chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ và UBND TP, trước mắt MTTQ và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Giờ sẽ cứu trợ cho mỗi gia đình có nhà bị sập hoàn toàn 10 triệu đồng/hộ; từ 3-5 triệu đồng/hộ cho gia đình có nhà bị tốc mái, hư hại. N.Thuỷ

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bão số 9 đang hoành hành

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online có mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khoảng 4h45 phút sáng nay (5/12), bão số 9 đã chính thức đổ bộ vào đây. Sức gió thổi khá mạnh, giật từ cấp 10 trở lên. Khoảng 30 phút sau khi bão đổ bộ vào thì toàn bộ hệ thống điện, thông tin liên lạc đã hoàn toàn bị tê liệt. Gần như toàn bộ các thành phố và huyện thị của tỉnh đều bị bão ảnh hưởng đáng kể. Cây cối, cột điện đều ngã đổ khắp nơi và gây tắc đường nghiêm trọng, hàng ngàn nhà dân bị tốc mái. Nhiều nhà cửa và làng bè nuôi thủy sản đã bị hư hỏng. Hai huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong lúc bão vào là Xuyên Mộc và Đất Đỏ. Thiệt hại ban đầu vào lúc này là không thể ước tính được, hiện có 6 người đã thiệt mạng.

Trước tình hình dịch chuyển theo hướng tây - tây nam của cơn bão số 9, một số tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ đang khẩn trương, tích cực đối phó với bão.

* Tại Cà Mau, có thêm 44 tàu đánh cá vào bờ an toàn. Nhiều bà con vẫn còn chủ quan. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong buổi sáng nay phải hoàn tất công tác di dời dân và đưa tàu thuyền vào bờ.

* Tại Cần Thơ, sáng nay đã bắt đầu đổ mưa nhỏ. Thời tiết đang u ám và có gió nhẹ. sáng nay học sinh đã được nghỉ. Hội chợ Nông Nghiệp Quốc Tế Cần Thơ đã được hoãn lại.

* Tại Bến Tre, theo ghi nhận của một số người dân gió vào lúc sáng nay là rất lớn. Bão số 9 đang ảnh hưởng trực tiếp vào ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Hàng ngàn nhà dân đã bị tốc mái, đường từ Giồng Trôm đi Ba Tri hiện đang bị ách tắc vì cây cối ngã đổ. Hiện lực lượng vũ trang đang cố gắng khắc phục sự cố này. Tại thị xã Bến Tre đường phố khá vắng vẻ và chính quyền địa phương đã chủ động cắt điện để đối phó với bão. Hai bến phà Cổ Chiêng, Hàm Luông đều đã ngừng hoạt động.

* Có mặt lúc 6h sáng nay (5/12) tại Trà Vinh, PV Quang Minh Nhật cho hay mưa lớn, gió to đã bắt đầu diễn ra từ rạng sáng. Người dân hiện đang tập trung tránh bão tại những nơi kiên cố nhất. Học sinh tại những khu vực xung yếu nhất được nghỉ học và chỉ tập trung lại khi bão tan. Lúc 9h ngày 5/12, ông Trần Khiêu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trà Vinh cho biết bão đã đổ bộ vào địa bàn của tỉnh, nhiều nhà xưởng ở khu công nghiệp Long Đức, thị xã Trà Vinh đã bị tốc mái, công nhân hiện còn kẹt trong đó rất nhiều. Lực lượng bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ đang được triển khai đến những nơi xung yếu để giúp dân. Hiện nay, mưa lớn kèm theo triều cường khiến cho nước dâng ở nhiều nơi, hệ thống cống thoát nước đang được vận hành để chống úng. Toàn tỉnh đã có trên

Bạn đọc Thanh Niên ở Đà Nẵng gửi lời cảnh báo: "Theo kinh nghiệm phòng chống bão ở Đà Nẵng vừa qua, trước khi bão vào điện sẽ bị cắt. Điện cúp sẽ kéo theo bị cúp nước. Điện sẽ không thể phục hồi ngay được. Do đó trước khi điện cắt, các gia đình nên tích trữ nước ngọt để dùng trong bão và cho những ngày sau bão. Những gia đình có bồn chứa nước để trên nóc nhà, nhớ cho bơm nước thật đầy, một mặt để có nước dùng, mặt khác nước đầy, trọng lượng lớn, các bồn nước sẽ chống được gió ở trong bão; nếu bồn nước cạn hoặc rỗng thì nguy cơ sẽ bị gió thổi bay và sẽ gây nhiều hậu quả khó lường trước" (Vũ Văn Thao)
260 tàu đánh bắt vào nơi trú bão an toàn.

Trước đó, đêm 4/12, ông Trần Hoàn Kim, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã cấp tốc chỉ đạo Sở VHTT cử ngay một đội thông tin lưu động tổ chức tuyên truyền cách chống bão số 9 cho nhân dân huyện Trà Cú và nhất là khu vực cảng cá Định An. Chủ tịch tỉnh cũng ra lệnh chính quyền các cấp trong toàn tỉnh phải túc trực 24/24 để chống bão. Ông Cam Văn Hùng, Giám đốc cảng cá Định An cho biết 100% lực lượng nơi đây đang đội mưa giúp dân neo đậu tàu thuyền.

* Tại Cà Mau, phóng viên Tiến Trình cho hay cho đến sáng nay thì trời vẫn rất trong xanh, nắng tốt nhưng đây lại là dấu hiệu bất thường cho thấy rất dễ có bão đổ bộ như cơn bão số 5 vào năm 2000.

Tính đến 5h ngày 05/12, số tàu thuyền khai thác thủy sản của tỉnh còn trên biển là 42 tàu, với 360 ngư dân. Địa bàn hoạt động của các tàu đánh bắt xa bờ: Vùng biển Bãi Cạn Cà Mau: 36 tàu, với 325 ngư dân; Vùng biển Hòn Khoai: 01 tàu, với 04 ngư dân; Vùng biển Thổ Chu: 04 tàu, với 25 ngư dân; Vùng biển Tây Nam Hòn Chuối: 01 tàu, với 06 ngư dân. Tất cả số tàu này đều giữ được thông tin liên lạc với bộ đội biên phòng và gia đình.

Lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau đã tổ chức bắn pháo hiệu ở 04 địa điểm: đảo Hòn Khoai, đảo Hòn Chuối, cửa Bồ Đề và cửa sông Ông Đốc để gọi tàu, thuyền khẩn cấp tìm nơi trú ẩn. Đồng thời, đã điều động 01 tàu đến khu vực đảo Hòn Chuối kiên quyết buộc các tàu cá còn ỏ khu vực này vào nơi trú bão. Hiện nay toàn tỉnh đã di dời tổng số 2.007 hộ dân; với trên 6.200 khẩu đến nơi an toàn. Đã hướng dẫn cho 17.857 hộ dân chằng chống nhà cửa, đề phòng giông lốc xoáy. Đã sắp xếp tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, tránh va đập và đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ. Chỉ đạo lực lượng Công an, quân sự bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản nơi sơ tán dân và khu vực neo đậu tàu thuyền.

Tất cả các trường học trong tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày 5/12

Diễn biến tình hình bão tại đảo Phú Quý:

Vào lúc 19 giờ ngày 3.12, Phú Quý đã có gió giật cấp 7 (15m/s).

Đến 7 giờ ngày 4.12, gió trở lại bình thường và đổi hướng qua hướng Tây (chịu ảnh hưởng của bão) gió cấp 3.

Đến 15 giờ gió tăng lên cấp 4-5 hướng Tây

Đến 17 giờ, có mưa nhẹ và gió mạnh cấp 6-7

Đến 19 giờ vẫn mưa nhẹ và gió giật cấp 5, mạnh nhất là 16m/s (cấp 7)

Đến 20 giờ mưa bắt đầu mạnh, gió trung bình hướng Tây Tây Bắc, giật mạnh nhất là 19m/s (cấp 8), độ cao sóng là 1,25mét.

Đến 21 giờ, mưa mạnh liên tục (chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão), gió Tây Tây Bắc giật mạnh nhất là 19m/s (cấp 8), độ cao sóng 1,5 mét.

Đến 22 giờ mưa mạnh liên tục, gió Tây Tây Bắc giật cấp 7, mạnh nhất cấp 9, độ cao sóng lên 3,5 mét.

Đến 23 giờ mưa gió vẫn mạnh, gió hướng Tây Tây Nam 30m/s (cấp 11) vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Gió mạnh nhất 48m/s, hướng Tây Tây Nam cấp 15, mưa bão mạnh, độ cao sóng trung bình 8-9 mét.

Đến 24 giờ mưa giảm xuống trung bình, gió chuyển hướng Đông Đông Nam, giật cấp 7 (15m/s), mạnh nhất Tây Nam cấp 14 (43m/s), độ cao sóng trung bình 4 mét.

Đến 1 giờ sáng ngày 5.12, mưa bão mạnh trở lại, có giông kèm theo sấm chớp, gió hướng Đông Đông Nam giật cấp 5, gió mạnh nhất hướng Đông cấp 11 (30m/s), độ cao sóng trung bình 1,5-2 mét. Tổng lượng mưa đo từ 19 giờ ngày 4.12 đến 1 giờ ngày 5.12 là 202,9 mm.

Đến 2 giờ, mưa bão vẫn mạnh, gió hướng Đông cấp 3, giật cấp 7 (16m/s), độ cao sóng trungbình 1- 1,5 mét.

Trần Lê

(***) Tin nhận từ bạn đọc 

TIẾP TỤC CẬP NHẬT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.