Sinh con từ 3 cha mẹ

27/10/2012 03:15 GMT+7

Các nhà khoa học ở Oregon đã tạo ra những phôi từ gien của 1 nam và 2 nữ - một phương pháp gây tranh cãi nhưng có thể loại bỏ những căn bệnh di truyền nguy hiểm.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y và Khoa học Oregon (Mỹ) cho hay sẽ không cấy những phôi trên vào tử cung, có nghĩa là sẽ không có em bé nào được ra đời từ phương pháp này, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, theo AP.

Khi được công bố vào năm 2008, những cuộc thí nghiệm tại Anh đã gây tranh cãi dữ dội, khi truyền thông dự báo về một ngày nào đó sẽ xuất hiện các em bé sinh ra từ 3 phụ huynh. Tuy nhiên, đó chỉ là cách nói quá. ADN từ người nữ thứ 2 chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số gien, không đủ để tạo ra một đứa trẻ giống mình được. Về thực chất, quá trình trên chỉ đơn giản là một phương pháp thay thế những gien độc phá hoại hoạt động bình thường của các tế bào. Tuy nhiên, cách giải thích này cũng không xoa dịu được những lo lắng của dư luận. Một trong số đó là, việc can thiệp ADN như vậy phải chăng là khởi đầu cho một xu hướng đáng báo động trong tương lai: tạo ra những đứa trẻ được thiết kế sẵn, như con gái thì tóc vàng, mắt xanh biếc, thân hình nhỏ nhắn, còn con trai sẽ cao to vạm vỡ, tóc đen. Ngoài ra, độ an toàn của phương pháp này cũng là vấn đề khiến người ta lo ngại, không chỉ cho đứa trẻ được tạo ra mà cả thế hệ sau.


Viễn cảnh thụ thai từ 3 đối tượng phụ huynh - Ảnh: current.com 

 
Cận cảnh kỹ thuật can thiệp gien mới - Ảnh: OHSU

Trong những năm qua, các nhà khoa học đã đưa ra báo cáo cho thấy những cuộc thí nghiệm ở khỉ đều thành công tốt đẹp, với các lứa khỉ con khỏe mạnh. Và các cuộc thử nghiệm trên trứng người cũng cho kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo trên chuyên san Nature, nhóm chuyên gia đại học tại Oregon cho hay họ cấy được hơn một chục phôi người ở giai đoạn đầu, và phát hiện kỹ thuật trên đặc biệt hiệu quả khi dùng để thay thế ADN.

Các gien họ muốn đổi không phải là dạng mà dư luận đang lo ngại, cụ thể là đổi nhân tế bào và những dấu vết ảnh hưởng đến diện mạo như màu mắt và chiều cao. Thay vào đó, những gien được thay thế nằm ngoài nhân, ở các cấu trúc sản sinh năng lượng gọi là ty thể. Đây là dòng gien được di truyền từ người mẹ chứ không phải cha. Khoảng 1 trong số 5.000 trẻ sẽ thừa hưởng một dạng bệnh di truyền do gien ty thể khiếm khuyết. Hậu quả là ở đời con cái có thể phát những căn bệnh nguy hiểm như đột quỵ, động kinh, mất trí nhớ, mù lòa, điếc, suy thận và tim mạch. Và liệu pháp can thiệp mới, nếu được sử dụng, sẽ cho phép người mẹ sinh con vẫn được di truyền đủ ADN của nhân tế bào, nhưng loại bỏ được ty thể có hại.

Vào tháng 6, một nhóm chuyên gia y học có ảnh hưởng của Anh đã kết luận rằng kỹ thuật trên có thể được áp dụng nếu chứng minh được sự an toàn và hiệu quả. Còn một nhóm chuyên gia khác vào năm 2011 cho rằng dù không tìm ra chứng cứ rằng thiếu an toàn, nhưng đề nghị nên nghiên cứu thêm. Trong một cuộc phỏng vấn, chuyên gia Laurie Zoloth của Đại học Tây Bắc (Mỹ) cho rằng có thể những dấu hiệu bất thường sẽ không lộ diện trong một vài thế hệ. Bà hy vọng Mỹ cũng theo bước Anh, nên bàn bạc kỹ lưỡng về kỹ thuật trên trước khi xúc tiến trên thực tế.

Hạo Nhiên

>> Thụ tinh nhân tạo cho voi
>> Hy vọng mới cho phương pháp thụ tinh nhân tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.