Bí ẩn thành đá Tà Kơn

27/01/2013 03:50 GMT+7

Tồn tại giữa mênh mông rừng già xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) hàng trăm năm qua nhưng thành đá Tà Kơn vẫn còn nhiều bí ẩn.

Truyền thuyết

Theo già làng Đinh Chương (ở làng Kon Blò, xã Vĩnh Sơn), Tà Kơn trong ngôn ngữ Ba Na có nghĩa là “chồng lên nhau”, ý muốn nói đến những hòn đá được xếp chồng lên nhau một cách rất lạ không ai hiểu được. Quá trình xây thành, giữ thành Tà Kơn được kể lại bằng hơ mon (hát kể sử thi Ba Na) đắm màu huyền thoại. Một truyền thuyết cho rằng Tà Kơn xưa kia vốn là nhà của 3 anh em, gồm 2 vị vua Trum, Trăm và nàng công chúa xinh đẹp, thông minh tên Bia Tơni.

 Bí ẩn thành đá Tà Kơn 1
Tường thành Tà Kơn là những phiến đá khổng lồ xếp chồng lên nhau thành hàng thẳng đứng - Ảnh: Hoàng Trọng

Một truyền thuyết khác về nguồn gốc của thành Tà Kơn gắn liền với nàng Hơ Bia xinh đẹp. Thần núi muốn cưới Hơ Bia làm vợ. Nhưng thần có khuôn mặt bằng đá, dưới cằm có yếm như yếm bò cái trông rất xấu xí nên Hơ Bia không hài lòng, yêu cầu nếu thần vượt qua được ba cuộc thử tài của nàng thì sẽ chấp nhận lời cầu hôn. Thần núi đều vượt qua tất cả những lần thử tài nên hai người thành vợ chồng và cùng nhau xây dựng thành Tà Kơn.

Bên cạnh truyền thuyết của người Ba Na, có ý kiến cho rằng thành Tà Kơn do anh em nhà Tây Sơn xây dựng nên. Khi 3 anh em nhà Tây Sơn chiêu binh mãi mã, người Ba Na hưởng ứng rất mạnh mẽ và họ đã cùng nhau dựng nên thành Tà Kơn làm cứ điểm bí mật. Gần Tà Kơn còn có nhiều di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn như Hòn Còng (huyện K’bang, Gia Lai), núi ông Bình, núi ông Nhạc (theo tên của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc), núi Phát Lương, Vườn cam Nguyễn Huệ…

 Bí ẩn thành đá Tà Kơn 3
Một đoạn thành bị đổ, đá nằm ngổn ngang

Thâm u huyền bí

Đường đến thành Tà Kơn là một lối mòn nhỏ, luồn lách trong những cánh rừng nguyên sinh thâm u, huyền bí. Có những đoạn bị cây rừng che kín phía trên khiến người ta có cảm giác như đang đi trong hang động nằm dưới đất sâu. Theo anh Đinh Khuất (con trai già làng Đinh Chương), đường đến Tà Kơn bây giờ cũng chính là con đường mà ngày xưa tổ tiên của người Ba Na vận chuyển đá, vật liệu… để xây thành. Vừa đi, anh Khuất vừa giới thiệu về những dấu tích mà tổ tiên mình đã để lại.

 Bí ẩn thành đá Tà Kơn 1
Anh Đinh Khuất, người dẫn đường đến thành Tà Kơn

 

Ấn tượng đầu tiên là bức tường thành cao gần 20 m, dài hàng trăm mét gồm những phiến đá to bằng mặt bàn, có hình lục lăng, hình trụ chữ nhật... xếp chồng lên nhau theo một hàng thẳng đứng. Gần tường thành có những tảng đá to riêng lẻ xếp chồng lên nhau như những cây cột khổng lồ

Khi người Ba Na xây thành Tà Kơn, họ không được phép đi bộ đến nơi làm việc mà phải đu mình theo một cái dây dài và cao đến hàng trăm mét, từ núi Kon Hray băng qua suối Trú để đến Văn Len. Đây chính là nơi nghỉ chân, chuẩn bị dụng cụ để bắt đầu ngày làm việc mới. Từ Văn Len nhìn xuống suối Trú sẽ thấy thác Dá Bda, nơi công chúa Bia Tơni thường tắm. “Mỗi khi Bia Tơni tắm, mặt trời trên đỉnh núi tỏa sáng, mặt nước dưới suối rực rỡ những sắc cầu vồng. Ngay thác nước có cây cau nhưng chỉ sinh đúng 1 buồng cau có hình dạng hệt như Bia Tơni xinh đẹp” - anh Khuất hào hứng kể lại.

Đi bộ trong rừng gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được thành Tà Kơn. Ấn tượng đầu tiên là bức tường thành cao gần 20 m, dài hàng trăm mét gồm những phiến đá to bằng mặt bàn, có hình lục lăng, hình trụ chữ nhật… xếp chồng lên nhau theo một hàng thẳng đứng. Gần tường thành có những tảng đá to riêng lẻ xếp chồng lên nhau như những cây cột khổng lồ. Có một đoạn thành bị sập, đá đổ xuống ngổn ngang trên mặt đất. Ngay đầu tường thành có một hang đá sâu thẳm, tối om. Theo lời anh Khuất thì đó là con đường bí mật dẫn đến thung lũng dưới chân thành nơi có nhà ở của 2 vua Trum, Trăm.

Anh Đinh Khuất kể: “Khi đi xây thành Tà Kơn, người làng Kon Blò mang theo đao, rựa nhưng phải mài bằng đá do anh em Trum, Trăm đưa ra thì mới sắc bén lạ thường, chặt đá như chặt củi. Một hôm, có người trong làng nghĩ đao, rựa của mình có khả năng chặt đá mới đem chặt thử hòn đá trước nhà nhưng cây rựa bị gãy làm đôi. Người đời sau đến thành Tà Kơn tìm đá mài của 2 vua Trum, Trăm nhưng chẳng ai tìm được”.

TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho rằng Tà Kơn là sản phẩm của tự nhiên vì con người không thể xây dựng một thành đá hùng vĩ như thế. “Bảo tàng Bình Định và các cơ quan chức năng đang phối hợp lập hồ sơ đề nghị công nhận Tà Kơn là di tích cấp huyện. Chúng ta phải đánh thức Tà Kơn cho mọi người biết đến chứ không thể để một di tích đẹp như thế ngủ mãi trong rừng sâu” - TS Đinh Bá Hòa nói. 

Hoàng Trọng

>> Những truyền thuyết gây tranh cãi
>> Hình ảnh đầu tiên về "quái thú" trong truyền thuyết
>> Chứng cứ về truyền thuyết Samson
>> Truyền thuyết ma cà rồng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.